Tin bất động sản ngày 8/1: Thanh Hóa sắp đấu giá 355 lô đất, khởi điểm hơn 300 triệu đồng/lô
Tin bất động sản tuần qua: Vinhomes khởi công xây 27 tòa nhà ở xã hội tại Hải Phòng Tin bất động sản ngày 6/1: Bình Định công bố loạt dự án nhà ở xã hội hoàn thành năm 2024 |
Thanh Hóa sắp đấu giá 355 lô đất, giá khởi điểm hơn 300 triệu đồng/lô
Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 207 lô đất là tài sản của UBND huyện Đông Sơn vào sáng 25/1.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong số các lô đất đấu giá, có 123 lô thuộc khu dân cư xã Đông Thịnh và 84 lô đất ở xã Đông Minh, huyện Đông Sơn.
Với 123 lô đất đấu giá, diện tích các lô từ 114-226,2 m2. Giá khởi điểm từ hơn 6,1-13,2 triệu đồng/m2.
Với 84 lô đất đấu giá, diện tích các lô từ 120-166,6 m2. Giá khởi điểm từ 3 triệu đến hơn 6,8 triệu đồng/m2.
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu kín trực tiếp 1 vòng tại cuộc đấu giá; phương thức trả giá lên. Cuộc đấu giá sẽ diễn ra tại hội trường UBND xã Đông Minh.
Tại huyện Hoằng Hóa, chiều 26/1, Công ty đấu giá hợp danh Nhất An Phú - Chi nhánh Thanh Hóa cũng sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 112 lô đất là tài sản của UBND huyện Hoằng Hóa.
Tất cả các lô đất đấu giá đều là đất ở nông thôn, có thời hạn sử dụng lâu dài. Trong đó, 23 lô đất đấu giá thuộc khu dân cư xã Hoằng Đông, mỗi lô có diện tích từ 150-258,5 m2. Giá khởi điểm từ 772,5 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/lô. Người tham gia đấu giá phải đặt trước số tiền từ 154,5 triệu đến hơn 407 triệu đồng, tùy theo lô.
Với 80 lô đất đấu giá thuộc khu dân cư xã Hoằng Đạo, diện tích mỗi lô từ 112,8-327,8 m2. Giá khởi điểm từ hơn 799 triệu đến trên 2,1 tỷ đồng/lô.
Còn 9 lô đất đấu giá thuộc khu dân cư xã Hoằng Phượng, mỗi lô đều có diện tích 160 m2. Giá khởi điểm từ 748,8 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/lô.
Cuộc đấu giá được tổ chức tại Trung tâm chính trị huyện Hoằng Hóa. Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá với 1 vòng đấu cho từng lô; phương thức trả giá lên.
Tại huyện Cẩm Thủy, 36 lô đất là tài sản của UBND huyện Cẩm Thủy cũng sẽ được Công ty đấu giá hợp danh Nhất An Phú - Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức đấu giá quyền sử dụng vào sáng 25/1.
Vị trí các lô đất đấu giá thuộc mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng đất ở tỷ lệ 1/500 điểm dân cư khu Hai Dòng, thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy.
Diện tích các lô đất từ 125-341,9 m2. Đơn giá từ 2-8,7 triệu đồng/m2; tương đương giá khởi điểm từ hơn 336 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng/lô.
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu kín trực tiếp tại cuộc đấu giá; phương thức trả giá lên. Cuộc đấu giá sẽ diễn ra tại hội trường UBND xã Cẩm Tú.
Đồng Nai sắp công khai kết quả tố cáo liên quan sai phạm ở KDC Phước Tân
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch tổ chức tiếp công dân và công khai kết quả kiểm tra, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến dự án Khu dân cư (KDC) và tái định cư Phước Tân (phường Phước Tân, TP Biên Hòa).
Theo kế hoạch của UBND tỉnh dự kiến buổi tiếp công dân sẽ được triển khai trong tháng 1-2024.
Đây là động thái sau khi Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức công khai kết quả kiểm tra khiếu nại, tố cáo liên quan sai phạm khu dân cư Phước Tân và giải thích cho người khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp công dân, công khai kết quả kiểm tra khiếu nại, tố cáo của các công dân liên quan đến dự án KDC và tái định cư Phước Tân.
Liên quan dự án này, tháng 3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo công an tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND TP Biên Hòa kiểm tra, xử lý, điều tra dấu hiệu sai phạm xảy ra tại KDC và tái định cư Phước Tân (50 ha).
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra dấu hiệu sai phạm trong việc huy động vốn trái phép của chủ đầu tư dự án là Công ty An Hưng Phát. Ngoài ra, còn một số sai sót, sai phạm trong việc lập hồ sơ dự án, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phải xác minh làm rõ.
Trước đó, từ đơn tố cáo của người dân về dự án trên, Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm cần phải được làm rõ như: về nội dung tố cáo của người dân về giá đất bồi thường chưa sát với giá thị trường. Qua xác minh, Thanh tra Chính phủ kết luận là có cơ sở. Quá trình thẩm định giá đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cụ thể còn bộc lộ thiếu sót, hạn chế dẫn đến đơn giá đất để bồi thường chưa phản ánh đúng giá đất thị trường tại thời điểm thu hồi đất dự án.
Thống nhất về dự kiến hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1/1/2025
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2023. Trong đó, về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi),
Về điều khoản chuyển tiếp, cần rà soát kỹ lưỡng những trường hợp phát sinh trong thực tiễn để có cơ chế xử lý, tránh khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm chặt chẽ, không để sơ hở, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Về hiệu lực thi hành luật, thống nhất về dự kiến hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1/1/2025 để đồng bộ với hiệu lực của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6; đề xuất về hiệu lực sớm hơn đối với quy định về hoạt động lấn biển và quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ nhất là ý kiến của các bộ, ngành có liên quan về: đấu giá, thi hành án; quy hoạch, thủ tục đấu thầu, giao đất, cho thuê đất gắn với quy trình phê duyệt dự án đầu tư, dự án đầu tư công, tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; các trường hợp định giá đất và phương pháp định giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, quỹ phát triển đất; thế chấp tài sản là nhà ở, dự án bất động sản; đất quốc phòng, an ninh; quy hoạch lâm nghiệp, chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp...; phối hợp với Bộ Tư pháp về tính thống nhất của hệ thống pháp luật đề xuất sửa đổi, bổ sung của các luật khác tại dự thảo Luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ về các đề xuất tiếp thu, chỉnh lý, thể hiện đầy đủ nội dung tiếp thu trong dự thảo Luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai thông thoáng, tạo điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời có cơ chế quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản nhà nước, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội dự án Luật này vào tháng 01 năm 2024.
TP HCM gỡ khó nhiều dự án bất động sản
Năm 2023 là một năm khó khăn với ngành bất động sản TP HCM. Đây là ngành duy nhất có mức tăng trưởng âm (-6,83%). Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã tổng hợp, gửi UBND TP HCM 189 kiến nghị của 148 dự án bất động sản. Đến nay đã có 3 dự án được giải quyết theo chỉ đạo của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án đầu tư trên địa bàn TP HCM.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Song song đó, có 12 dự án đang được các sở ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP HCM. Có 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại. Sở KH-ĐT TP HCM đã làm việc, thông báo đến các nhà đầu tư để nghiên cứu thay đổi mục tiêu từ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại. TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, nhận định, để kịch bản “rơi tự do” như quý I-2023 không lặp lại, có rất nhiều yếu tố.
Ngoài việc đưa vào nền kinh tế khoảng 6.000 tỷ đồng từ nguồn giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 1, thành phố nên vào cuộc ngay từ đầu năm để tạo sức bật. Đó là tập trung tháo gỡ để có thể khởi công ngay một số dự án bất động sản. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM Nguyễn Ngọc Hòa, thành phố nên phối hợp đồng bộ các chính sách. Chẳng hạn, có chính sách hỗ trợ lãi suất đồng bộ cho người mua nhà lẫn người xây nhà; kích hoạt trở lại phân khúc nhà ở trung bình, bởi hiện phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp (khoảng 1,5-2 tỷ đồng/căn) có nhu cầu lớn.
UBND TP HCM cho biết, năm 2024, thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có giải pháp phát triển các loại thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 8/1: Thanh Hóa sắp đấu giá 355 lô đất, khởi điểm hơn 300 triệu đồng/lô