Tin bất động sản ngày 8/12: TP HCM đề xuất dừng 17 dự án chậm tiến độ
Tin bất động sản ngày 7/12: Cưỡng chế thu hồi khu đất của Hadisco 41 Tin bất động sản ngày 6/12: Nhiều địa phương vẫn chưa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở |
TP HCM đề xuất dừng 17 dự án chậm tiến độ
Mới đây, UBND TP HCM đã có tờ trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố.
TP HCM đề xuất dừng 17 dự án chậm tiến độ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Chính quyền thành phố đề xuất đưa ra khỏi kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 với 17 dự án chậm tiến độ triển khai do ảnh hưởng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thậm chí có khả năng tiếp tục phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa thể triển khai thực hiện ngay trong năm 2023.
Các dự án có vốn giao thông có vốn lớn được tạm ngưng bao gồm: mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp; cầu vượt trước bến xe miền Đông mới; Bồi thường giải phóng mặt bằng và làm đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây dựng).
Hầu hết dự án này mới được ghi vốn cho giai đoạn 2021 - 2025 nhưng chưa được bố trí tiền. Chủ đầu tư chủ động đề xuất tạm ngưng và sẽ tiếp tục xin bố trí vốn giai đoạn sau hoặc khi tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng...
Đa số các dự án được đề xuất tạm dừng nằm trên địa bàn TP Thủ Đức (11/17 dự án), còn lại là huyện Hóc Môn, Tân Phú, Bình Thạnh.
Bên cạnh việc tạm dừng các dự án, UBND thành phố cũng có đề xuất về việc phân bổ lại nguồn vốn.
Cụ thể, giảm 690 tỉ đồng vốn của 474 dự án dùng vốn ngân sách thành phố và giảm hơn 3.970 tỉ đồng của 90 dự án do nhu cầu vốn hoàn thành công trình thấp hơn vốn trung hạn đã đăng ký (trong đó có 4 dự án ODA).
Đề nghị tăng 640 tỉ đồng tiền vốn cho 351 dự án và bổ sung 21 tỉ đồng vốn để xây dựng nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư là Cầu Thủ Thiêm 4; cầu Cần Giờ; đường Vành Đai 4; và xây đường Liên Cảng Cát Lái - Phú Hữu.
Thành phố cũng dự kiến bố trí vốn để điều chỉnh tăng, bổ sung kế hoạch đầu tư công cho các dự án cấp bách. Cụ thể là hơn 2.170 tỉ đồng cho 6 dự án thuộc quận, huyện; và 6.650 tỉ đồng vốn để cân đối cho dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp.
Thanh Hóa duyệt đồ án quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp 50ha tại Thường Xuân
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp Khe Hạ, huyện Thường Xuân.
Khu đất lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, với phía Đông giáp khu dân cư, giáp QL 15A cũ và đất hàng năm khác; phía Tây giáp khu dân cư và hành lang đường Hồ Chí Minh; phía Nam giáp đất rừng sản xuất, đất hàng năm khác và đất ở nông thôn; phía Bắc giáp đất rừng sản xuất.
Quy mô diện tích lập quy hoạch hơn 50ha, trong đó diện tích cụm công nghiệp Khe Hạ 49,2ha; diện tích phần đường gom đường Hồ Chí Minh 1,28ha. Quy mô lao động khoảng 8.000 người.
Khu vực quy hoạch có tính chất là cụm công nghiệp với các ngành nghề hoạt động may mặc, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng chế biến nông sản, lâm sản, chế tác đá mỹ nghệ, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; sản xuất các sản phẩm nhựa với điều kiện nguyên liệu sử dụng sản xuất là hạt nhựa và các nghành nghề khác có liên quan.
Toàn cụm công nghiệp được chia thành các khu vực chức năng gồm: Cụm công nghiệp Khe Hạ có 5 lô đất quy mô 33,8ha, tầng cao 1-3 tầng với chức năng nhà xưởng sản xuất.
Đất công trình dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp gồm 2 khu với tổng diện tích 2,77ha, tầng cao 1-3 tầng, với chức năng là khu đất xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Ngoài ra còn có các khu đất cây xanh, đất hạ tầng kỹ thuật, đất giao thông...
Bình Định sắp xây nhà máy sản xuất gạch ốp lát quy mô gần 1.000 tỷ đồng
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Công nghiệp Kamado đầu tư dự án Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite tại cụm công nghiệp Bình Nghi mở rộng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Được biết, nhà máy sản xuất gạch ốp lát này được thiết kế với công suất 18 triệu m3/năm, xây dựng trên diện tích gần 22ha với tổng vốn đầu tư 998,638 tỷ đồng.
Theo dự kiến, từ tháng 10/2023, chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư và tiến hành khởi công xây dựng 1 tháng sau đó. Đến tháng 9/2024, nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Khi đi vào hoạt động, dự án nhà máy sản xuất gạch ốp lát này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động địa phương, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Định.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai hoàn thiện các công trình theo quy hoạch, thực hiện đúng quy mô, tiến độ đã cam kết theo hồ sơ đăng ký. Sau khi được cho thuê đất, nhà đầu tư chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn thực hiện, đồng thời phải hoàn thành nghĩa vụ thuế đất theo quy định.
Trước đó, nhiều dự án vốn hàng ngàn tỷ đồng vừa được chấp thuận đầu tư, đăng ký đầu tư tại tỉnh Bình Định. Trong đó, có dự án điện gió ngoài khơi do tập đoàn của Đức đầu tư, với tổng vốn khủng trên 4,6 tỷ USD.
Ngoài ra, đia phương này cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Khu liên hợp Gang thép Long Sơn quy mô 468 ha ở thị xã Hoài Nhơn, công suất 5,4 triệu tấn/năm với tổng vốn 53.500 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 3 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn 1 dự kiến đưa vào sản xuất cuối năm 2024 (nhà máy sẽ sản xuất thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng và thép cuộn).
Phú Yên sẽ bố trí gần 800 ha đất phát triển 559 dự án nhà ở
UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển nhà ở tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025.
Phú Yên sẽ bố trí gần 800 ha đất phát triển 559 dự án nhà ở/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, tổng số dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 559 dự án. Trong đó, nhà ở thương mại, khu đô thị, khu nhà ở, khép kín khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư khoảng 513 dự án; nhà ở xã hội khoảng 18 dự án; nhà ở tái định cư (giao đất cho các hộ dân tự xây dựng nhà ở) khoảng 28 dự án.
Theo kế hoạch, diện tích đất được sử dụng để xây dựng nhà ở cần phải bố trí trong giai đoạn này khoảng 796,09 ha.
Trong đó, diện tích đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 424,59 ha, diện tích đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 53,13 ha, diện tích đất phát triển nhà ở tái định cư khoảng 24,27 ha và diện tích đất nhà ở dân tự xây là 294,09 ha. Tổng nguồn vốn cần có để phát triển nhà ở giai đoạn này khoảng hơn 77.300 tỷ đồng.
Liên quan đến các dự án nhà ở tại địa phương, UBND tỉnh mới đây đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ba dự án Khu nhà ở tại lô đất Khu 1 (5,3 ha, tổng vốn dự kiến tối thiểu 1.176 tỷ đồng), Khu 2 (5,2 ha, tổng vốn dự kiến tối thiểu 1.386 tỷ đồng), và Khu 3 (3,4 ha, tổng vốn dự kiến tối thiểu 1.009 tỷ đồng), thuộc dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa.
Theo thống kê, năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh Phú Yên đạt 24,8 m²/người (trong đó khu vực đô thị đạt 28,9 m²/người, khu vực nông thôn đạt 22,84 m²/người).
Đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân của tỉnh này sẽ đạt 28,1 m²/người (khu vực đô thị đạt 31,8 m²/người, khu vực nông thôn đạt 23,6 m²/người). Chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10 m2 sàn/người.
Phú Yên phấn đấu nâng tỉ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố; giảm tỉ lệ nhà đơn sơ từ 1,8% xuống còn 1%. Riêng khu vực đô thị cố gắng xóa hết nhà đơn sơ.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 8/12: TP HCM đề xuất dừng 17 dự án chậm tiến độ