Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Nhiều dự án có vị trí đắc địa tại Quảng Bình chậm tiến độ
Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Bộ Công an đề xuất 6 trường hợp thu hồi nhà công vụ Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản |
Nhiều dự án có vị trí đắc địa tại Quảng Bình chậm tiến độ
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình có báo cáo liên quan đến việc xử lý các dự án được giao đất, cho thuê đất tại những vị trí thuận lợi, có giá trị thương mại cao nhưng chậm tiến độ.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, dự án xây dựng khu resort 3 sao tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới của Công ty cổ phần du lịch Sài Gòn - Quảng Bình không đảm bảo theo tiến độ cam kết.
Dự án này có diện tích 42.483m2, được yêu cầu khởi công trước tháng 3/2019 và hoàn thành đưa vào hoạt động vào tháng 9/2020. Tuy nhiên, hiện dự án chỉ đang triển khai xây dựng phần thô tòa nhà khách sạn.
Tương tự, dự án khách sạn 5 sao Fullman của Công ty cổ phần du lịch Sài Gòn - Quảng Bình cũng chậm tiến độ so với cam kết. Dự án này mới chỉ xây dựng phần thô của khối khách sạn và các hạng mục công trình phụ trợ khác với tổng giá trị đã thực hiện khoảng 300 tỉ đồng.
Vừa qua, dự án đã được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, thời gian đưa vào sử dụng là trước ngày 31/12/2023.
Một dự án khác là khu resort Golden City của Công ty CP Golden City tại xã Bảo Ninh cũng chỉ mới san gạt mặt bằng, đang chậm tiến độ so với cam kết trong dự án đầu tư.
Tương tự như các dự án nêu trên, dự án khu nghỉ dưỡng Thanh Hà - Đá Nhảy của Công ty cổ phần Việt Thiên Bình quy mô 161.625m2 cũng chỉ mới thực hiện công tác san gạt mặt bằng. Tiến độ thực hiện dự án quá chậm so với tiến độ đã cam kết và được gia hạn.
Dự án Indochina Quảng Bình resort tại TP Đồng Hới của Công ty cổ phần Đông Dương miền Trung có tiến độ thực hiện các hạng mục chậm so với cam kết trong dự án đầu tư, nhưng tổng thể vẫn đang trong thời gian được gia hạn.
Bên cạnh các dự án chậm tiến độ nêu trên, còn có nhiều dự án tại những vị trí thuận lợi, có giá trị thương mại cao nhưng vẫn chậm tiến độ và đã dừng thi công.
Có thể kể đến như, dự án khách sạn sinh thái tại xã Quang Phú, TP Đồng Hới của Công ty cổ phần Delta; dự án Khu khách sạn tại phường Hải Thành của Công ty TNHH Thành An; dự án khách sạn 4 sao Sài Gòn - Hà Nội của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Cát Biển Quảng Bình; dự án xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty cổ phần Tập đoàn Linh Thành cũng đang dừng thi công.
Hiện nay, số phận của các dự án này rồi sẽ ra sao vẫn đang là câu hỏi còn chờ câu trả lời trong tương lai.
Bình Dương tìm địa điểm xây Khu liên hợp Công nghiệp Thể thao 200ha
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương vừa báo cáo tóm tắt công năng, quy mô đầu tư Khu Liên hợp Công nghiệp Thể thao Bình Dương với Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình lập danh mục các công trình văn hoá, thể thao, khu liên hợp đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu liên hợp có quy mô dự kiến từ 200 ha, chia làm 4 phân khu: Sân vận động trung tâm, Nhà thi đấu Thể dục thể thao đa năng, Khu thi đấu thể thao dưới nước, Khu dịch vụ thể thao và các công trình khác.
Khu liên hợp bao gồm các hạng mục như công trình sân vận động trung tâm có sức chứa 50.000 - 60.000 chỗ, đạt tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao quốc gia và quốc tế; phục vụ thường xuyên các hoạt động văn hoá thể thao học đường, nhà máy, Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Ngoài ra, Khu liên hợp này còn có cụm nhà thi đấu thể dục thể thao đa năng với diện tích 40 ha (sức chứa 5.000 chỗ ngồi) cùng các nhà thi đấu quy mô nhỏ hơn, nhà tập thể dục thể thao đa môn, khu thể thao dưới nước...
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tiếp tục đề xuất địa điểm xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp Thể thao, từ đó hoàn chỉnh phương án trình UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy đưa vào quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chấp thuận đầu tư khu công nghiệp gần 2.500 tỉ đồng ở Tiền Giang
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bình Đông, tỉnh Tiền Giang.
Chấp thuận đầu tư khu công nghiệp gần 2.500 tỉ đồng ở Tiền Gian/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Điện mặt trời miền Trung MK.
Quy mô sử dụng đất của dự án 211,96 ha tại xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Vốn đầu tư của dự án là 2.428,376 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 365 tỉ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Tiền Giang, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và thu hút đầu tư để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.
Chủ đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Theo tìm hiểu Công ty cổ phần Điện mặt trời Miền Trung MK được thành lập năm 2019, có trụ sở tại một số nhà trên đường Lê Mao, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Chu Thị Thành (SN 1960).
Công ty cổ phần Điện mặt trời Miền Trung MK hiện là chủ đầu tư nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, năng lượng tại nhiều địa phương.
Yêu cầu hạn chế chuyển đổi đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp
Mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch hành động triển khai, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.
Amata đạt hơn 50% chỉ tiêu khu công nghiệp sinh thái
Ngày 16/9, Ban Quản lý dự án triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu đã đi thực địa KCN Amata (TP.Biên Hòa).
Amata đạt hơn 50% chỉ tiêu khu công nghiệp sinh thái/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Được biết, KCN Amata là một trong 3 KCN được Bộ KH-ĐT chọn làm thí điểm KCN sinh thái trong giai đoạn 2020-2023. Bên cạnh đó, còn có KCN Deep C (Hải Phòng) và Hiệp Phước (TP HCM).
Quá trình triển khai thực hiện KCN sinh thái theo khung quốc tế được chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ với mục tiêu là để nhân rộng mô hình này trên cả nước. Qua một thời gian thực hiện, mô hình KCN sinh thái đã phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Cụ thể, các doanh nghiệp trong KCN Amata tham gia chương trình đã giảm nhiều chi phí trong sản xuất, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về sản xuất tuần hoàn như: tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, tái sử dụng tài nguyên, kết nối thành mạng lưới tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và năng lực cạnh tranh, tiếp cận tài chính xanh, giảm khí thải.
Để trở thành KCN sinh thái, KCN Amata phải hoàn thành 62 chỉ tiêu theo khung quốc tế. Đến nay, đã hoàn thành được hơn 50% các chỉ tiêu và dự tính sẽ đạt 70% các chỉ tiêu trong 3 năm tới. Theo các chuyên gia, có một số chỉ tiêu về KCN sinh thái theo quốc tế chưa phù hợp với Việt Nam.
Sau hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đi tham quan thực tế tại Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam tại KCN Amata. Doanh nghiệp này tham gia vào chương trình đã tiết kiệm được điện, nước, dầu tương đương hơn 1,5 tỷ đồng/năm.
Nguồn: Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Nhiều dự án có vị trí đắc địa tại Quảng Bình chậm tiến độ