Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Quy định mới về "mua bán nhà trên giấy" chính thức có hiệu lực
Tin bất động sản ngày 1/4: Quảng Nam đang triển khai những dự án nhà ở xã hội nào? Tin bất động sản ngày 31/3: Tập đoàn Apec Group kiến nghị gỡ khó dự án Apec Mandala Wyndham |
Quy định mới về "mua bán nhà trên giấy" chính thức có hiệu lực
Thông tư 11/2022 của NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2023, trong đó quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Thông tư quy định, sau khi ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư phải gửi hợp đồng này cho ngân hàng thương mại để đề nghị phát hành thư bảo lãnh cho bên mua.
Ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai (còn gọi là nhà trên giấy) khi trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng và không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
NHNN sẽ công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này.
Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.
Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh cho bên mua trước thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở. Ngân hàng và chủ đầu tư thỏa thuận cụ thể về việc gửi thư bảo lãnh cho bên mua sau khi phát hành thư bảo lãnh.
Hồ sơ bên mua gửi cho ngân hàng yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải kèm theo thư bảo lãnh. Thư bảo lãnh có hiệu lực kể từ thời điểm phát hành cho đến ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà theo cam kết tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Trường hợp ngân hàng thương mại và chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trước thời hạn, các thư bảo lãnh đã phát hành cho các bên mua trước đó vẫn có hiệu lực cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.
Số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác (nếu có) theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.
Phú Yên sẽ có thêm bệnh viện gần 800 tỉ đồng tại TP Tuy Hòa
Sáng 31/3, Ban quản lý các dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên đã khởi công Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên với tổng vốn đầu tư gần 800 tỉ đồng.
Công trình được đầu tư xây dựng mới tại khu dân cư Ninh Tịnh III, phường 9, TP Tuy Hòa trên diện tích 2,19ha với 400 giường bệnh và các trang thiết bị y tế đồng bộ nhằm giảm tình trạng quá tải và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chuyên khoa Sản Nhi.
Quy mô dự án bao gồm: Khối khám bệnh, điều trị ngoại trú, nghiệp vụ kỹ thuật và điều trị nội trú; khối nhà phụ trợ khoa giải phẫu bệnh; nhà khí y tế, trạm bơm nước và điều hành trạm xử lý nước thải; nhà trạm đặt trạm biến áp và máy phát điện dự phòng; nhà sửa chữa, kho, nhà xe ô tô; nhà để xe cán bộ, nhà để xe bệnh nhân... Dự kiến dự án sẽ hoàn thiện vào năm 2025.
Được biết, dự án Đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 191, ngày 6/12/2019 và điều chỉnh tại Nghị quyết số 26, ngày 18/11/2021, tuy nhiên vì nhiều lý do nên đến nay mới được triển khai.
Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên cũ được xây dựng từ trước năm 1975 hiện được tỉnh Phú Yên ghi nhận xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị chưa đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh; nhiều bệnh nhân, sản phụ trong tỉnh phải tìm đến các cơ sở y tế ngoài tỉnh để điều trị, hộ sản.
TP HCM: Hàng chục nghìn căn hộ ở TP Thủ Đức bị nợ sổ hồng
Mới đây, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đã chủ trì buổi giám sát về kết quả phối hợp thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho tổ chức và cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP Thủ Đức.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, thông tin địa phương đã phối hợp với cơ quan liên quan để cấp sổ hồng tại 132 dự án. Trong đó, 6 dự án được đưa vào sử dụng trước và sau thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014). Tuy nhiên, đến nay, mới hơn 33.000/72.000 căn hộ/nhà ở được cấp sổ hổng.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu TP Thủ Đức rà soát, phân loại nguyên nhân vướng mắc trong việc cấp sổ hồng ở các dự án, báo cáo HĐND TP HCM vào tuần sau
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu TP Thủ Đức rà soát đầy đủ các dự án, phân loại nguyên nhân vướng mắc, xem xét dự án nào đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện cấp sổ hồng để xác định những việc làm trước và báo cáo HĐND TP HCM vào tuần sau. Nhấn mạnh việc chậm cấp sổ hồng đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân cũng như gây thất thu ngân sách, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết HĐND TP HCM sẽ tiếp tục giám sát việc này tại Sở Tài nguyên và Môi trường, ngoài ra sẽ có phiên giải trình của UBND TP HCM.
Bình Định lập quy hoạch mới khu vực đầm Trà Ổ quy mô 5.635 ha
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng tỉ lệ 1/5.000 Khu vực đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ đến năm 2035.
Theo đó, khu vực lập quy hoạch có diện tích 5.635 ha, thuộc địa bàn các xã Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Châu và Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ.
Ranh giới cụ thể có phía Bắc giáp đường Mỹ Châu - Mỹ Đức; Phía Nam giáp đường ĐT632; phía Đông giáp đường ĐT639 và dự án Nhà máy điện NLMT Phù Mỹ; Phía Tây giáp thị trấn Bình Dương.
Việc lập quy hoạch nhằm mục đích cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035.
Đây là khu vực bảo tồn sự đa dạng sinh học đầm nước ngọt; phát triển du lịch sinh thái, du lịch công đồng trên cơ sở bảo tồn và phát triển hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên, văn hóa tại khu vực.
Việc lập quy hoạch còn nhằm làm cơ sở lập các đồ án quy hoạch phân khu, chi tiết, quản lý đầu tư phát triển các khu chức năng theo quy định.
Quy hoạch sẽ xác định mô hình phát triển, hướng phát triển của từng khu chức năng; định hướng và nguyên tắc phát triển đối với các khu vực chức năng.
Đồng thời tổ chức hệ thống trung tâm phù hợp với phát triển các khu chức năng; xác định khu vực kiến trúc, cảnh quan, các trục không gian chính, hệ thống bãi đậu xe, khu vực cửa ngõ, công trình điểm nhấn của từng khu chức năng…
UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức lập đồ án quy hoạch, thẩm định, trình phê duyệt theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
TP HCM không chuyển đất công nghiệp thành đất ở đô thị
Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (KCX - KCN) TP HCM (HEPZA) vừa cung cấp thông tin về Đề án định hướng phát triển các KCX - KCN giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đại diện của Hepza cho biết, quỹ đất dành cho phát triển các KCN của TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định năm 2004 và năm 2014 chỉ có 23 KCX, KCN với tổng diện tích 5.921 ha đến nay vẫn không tăng.
Do đó, Thành phố định hướng giữ lại tối đa diện tích đất công nghiệp tại các KCX, KCN hiện hữu để tiếp tục quy hoạch phát triển công nghiệp, nhưng tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ.
Đối với các KCN có diện tích nhỏ nằm xen cài trong các khu dân cư, lõi trung tâm, Thành phố định hướng sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình, giữ lại một phần các trường hợp phù hợp theo quy hoạch, diện tích còn lại sẽ chuyển đổi, phát triển theo hướng dịch vụ phục vụ công nghiệp. Đặc biệt, Thành phố định hướng không chuyển diện tích đất công nghiệp thành đất ở đô thị.
Về lộ trình chuyển đổi các KCN, giai đoạn 2023-2024, sẽ lập đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCN, KCX gồm KCX Tân Thuận; KCN Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình, lộ trình, giải pháp chuyển đổi. Giai đoạn 2025-2030 lập đề án chuyển đổi các KCN, KCX còn lại.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban HEPZA cho biết, ngày 28/2/2023 Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có kết luận số 514-KL/TU thống nhất về định hướng chuyển đổi KCN, KCX theo nội dung Đề án. Sau khi Đề án được phê duyệt, HEPZA sẽ xây dựng chi tiết kế hoạch chuyển đổi từng KCN, KCX.
Nguồn:Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Quy định mới về "mua bán nhà trên giấy" chính thức có hiệu lực