Tin bất động sản nổi bật tuần qua: TP HCM yêu cầu rà soát vướng mắc dự án treo 20 năm
Tin bất động sản ngày 4/2: TP Thủ Đức được đề xuất tự chủ ngân sách từ nguồn thu sử dụng đất Tin bất động sản ngày 3/2: Yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản |
TP HCM yêu cầu rà soát vướng mắc dự án treo 20 năm
Vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các địa phương lập tổ công tác rà soát các dự án treo, vụ việc kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, trong đó có dự án khu dân cư Vĩnh Lộc kéo dài hơn 20 năm.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trước đó, UBND TP nhận được văn bản về việc phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khu dân cư Vĩnh Lộc, do UBND quận Bình Tân phối hợp Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 5 (chủ đầu tư) thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, lãnh đạo TP đề nghị chủ đầu tư hoàn thành thủ tục thu hồi, chỉnh lý biến động với phần diện tích 50.641m2 đã đền bù trong dự án.
Chậm nhất trong quý 1-2023, bàn giao trước 9 nền đã đầu tư hạ tầng trong tháng 12/2022; bàn giao 32 nền đất đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (trong đó có 21 nền đất chưa đầu tư hạ tầng và 11 nền đất bị tái lấn chiếm).
Lãnh đạo UBND TP giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính khẩn trương hỗ trợ, hướng dẫn UBND quận Bình Tân, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đồng thời giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu UBND TP lập tổ công tác liên ngành giải quyết các nội dung còn tồn tại, vướng mắc tại dự án này.
Dự án khu dân cư Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) được phê chuẩn từ năm 1999. Tuy nhiên sau hơn 20 năm, 4 nhiệm kỳ Quốc hội, dự án vẫn dang dở, còn nhiều vấn đề phức tạp chưa thể giải quyết. Một trong những khó khăn của dự án này là công tác vận động thu hồi đất.
Hà Nội sắp thanh tra việc xây dựng đối với một số dự án tại 7 quận, huyện
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra Sở Xây dựng. Theo kế hoạch, đơn vị sẽ thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với một số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại 7 quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Hoài Đức, Gia Lâm, Ứng Hòa. Trong đó, đối tượng thanh tra là chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan.
Bên cạnh đó, cũng tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng tại địa bàn một số xã, phường, thị trấn. Đồng thời, thanh tra việc thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại một số khu đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội.
Trong kế hoạch, Sở Xây dựng yêu cầu hoạt động thanh tra bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, bám sát, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành và lĩnh vực được giao quản lý, gắn với việc tham mưu trong công tác quản lý Nhà nước với các cơ quan cấp trên; Tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư khiếu nại, dư luận có nhiều ý kiến.
Ngoài thanh tra theo kế hoạch, cần chú trọng thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng phát luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật tiêu cực, tham nhũng; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật trên lĩnh vực thanh tra.
Đồng thời, tiếp tục tập trung vào lĩnh vực thanh tra chuyên ngành xây dựng đối với các hoạt động dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng như: Công tác quản lý trật tự xây dựng, việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Năm 2023, Bình Định kêu gọi triển khai đầu tư 250 dự án nhà ở
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Theo đó, toàn tỉnh dự kiến kêu gọi, triển khai đầu tư 250 dự án, khoảng 107.416 căn hộ hoặc nhà với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng hơn 15.180.000 m2.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Được biết, trong số 250 dự án nêu trên, có 181 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị và khu dân cư, 13 dự án nhà ở xã hội và 56 dự án nhà ở tái định cư. Tổng diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở khoảng hơn 3.252 ha.
Đối với nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, toàn tỉnh dự kiến kêu gọi đầu tư khoảng 107.416 căn hộ, trong đó, nhà ở riêng lẻ khoảng 78.166 căn, nhà chung cưkhoảng 29.250 căn. Riêng nhà ở xã hội dự kiến kêu gọi đầu tư khoảng 6.229 căn, diện tích sàn xây dựng khoảng 569.200 m2; trong đó, diện tích để cho thuê khoảng 113.840 m2.
Việc phát triển nhà ở xã hội theo dự án có vị trí, quy mô gắn với khu vực tập trung nhiều đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội, đảm bảo công bằng và tăng khả năng tiếp cận hạ tầng đồng bộ và các dịch vụ xã hội thiết yếu; đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt 27,6 m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 28,8 m2/người, khu vực nông thôn đạt 26,8 m2/người.
Trước đó, ngày 20/10/2022, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 3410/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã điều chỉnh, bổ sung hàng loạt dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh Bình Định có 213 dự án quy mô 11.546 ha, nay được điều chỉnh thành 509 dự án quy mô 6.985 ha.
Hà Nội yêu cầu di dời dân ở 4 khu chung cư cũ
Mới đây, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thành phố Hà Nội đề nghị UBND các quận khẩn trương thực hiện di dời hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D để sớm tổ chức lựa chọn chủ đầu tư.
Cụ thể, danh sách 10 khu chung cư cũ được thành phố Hà Nội ưu tiên triển khai trong đợt 1 là 4 khu có nhà nguy hiểm cấp độ D (gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) và 6 khu có tính khả thi cao (là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân). Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thành phố Hà Nội đề nghị UBND các quận khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp độ D, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.
Là quận có số chung cư cũ nhiều nhất thành phố Hà Nội, với 535 nhà, đơn nguyên (chiếm trên 18% diện tích đất tự nhiên của quận), thời gian qua, quận Đống Đa đã lên phương án, tập trung rà soát thực trạng chung cư cũ trên địa bàn. Thống kê cho thấy, hầu hết các nhà chung cư, tập thể cũ tại quận Đống Đa đều được xây dựng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, nay đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, trong đó có thể kể đến Khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng - được thẩm định ở mức nguy hiểm cấp độ D. Ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: "Nhà cấp độ D trên địa bàn quận ở 51 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ hiện nay chúng tôi đã di chuyển các hộ dân ở đây về tạm cư tại Đền Lừ, quận Hoàng Mai…".
Hà Nam tìm chủ cho dự án khu đô thị đại học Nam Cao hơn 6.300 tỷ
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam công bố danh mục dự án cần tìm nhà đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị đại học Nam Cao địa phận thành phố Phủ Lý.
Hà Nam tìm chủ cho dự án khu đô thị đại học Nam Cao hơn 6.300 tỷ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Được biết, dự án khu đô thị đại học Nam Cao có diện tích nghiên cứu gần 300ha, địa điểm thực hiện tại xã Tiên Ngoại, phường Tiên Nội (thị xã Duy Tiên), xã Tiên Hiệp và xã Tiên Tân (TP Phủ Lý). Tổng mức đầu khu đô thị hơn 6.369 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2028.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung TP Phủ Lý đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị đại học Nam Cao được phê duyệt, đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đồng bộ trong khu đại học Nam Cao trên địa bàn thành phố Phủ Lý và một phần địa bàn thị xã Duy Tiên, nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút, triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo theo mục tiêu đề án phát triển khu đại học Nam Cao và quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.
Theo tìm hiểu, đề án xây dựng khu đại học Nam Cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2013 nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên môn kỹ thuật trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khu đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam sẽ được xây dựng tại huyện Duy Tiên và thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Cơ cấu quy hoạch khu các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gồm 3 khu: khu xây dựng các trường đại học, cao đẳng và cơ sở nghiên cứu phát triển công nghệ; khu trung tâm (trung tâm điều hành, khu ký túc xá sinh viên tập trung, thể dục thể thao...); khu dân cư.
Để thực hiện đề án trên, kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung dự kiến khoảng 6.750 tỷ đồng; kinh phí xây dựng các dự án đầu tư xây dựng các công trình phục vụ chung của khu đại học khoảng 3.235 tỷ đồng và kinh phí xây dựng các dự án đầu tư các cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu phát triển khoảng 9.110 tỷ đồng.
Nguồn: Tin bất động sản nổi bật tuần qua: TP HCM yêu cầu rà soát vướng mắc dự án treo 20 năm