Tin bất động sản tuần qua: Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng thành phố thông minh hơn 140ha
Tin bất động sản tuần qua: Quý II, giao dịch bất động sản giảm 40% so với cùng kỳ Tin bất động sản tuần qua: Quảng Ninh có thêm dự án 10 triệu USD |
Hà Nội: Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng thành phố thông minh hơn 140ha
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án thành phố thông minh tại huyện Đông Anh với quy mô khoảng 140,23ha.
Phối cảnh dự án thành phố thông minh tại huyện Đông Anh/Nguồn: Internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, khu vực điều chỉnh quy hoạch thuộc địa giới hành chính các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Phía Bắc trùng với chỉ giới tuyến đường trục chính đô thị (đường Hoàng Sa) rộng 72,5m. Phía Tây trùng với chỉ giới tuyến đường chính khu vực rộng 30m và tuyến đường liên khu vực rộng 40m.
Phía Nam trùng với chỉ giới tuyến đường chân đê sông Hồng; trùng với ranh giới dự án trạm bơm Phương Trạch 2 - Dự án kênh dẫn trạm bơm Phương Trạch và tuyến đường phân khu vực rộng 17m giáp thôn Phương Trạch. Phía Đông trùng với tim tuyến đường liên khu vực rộng 50m và chỉ giới tuyến đường chính khu vực rộng 30m (giáp thôn Phương Trạch).
Tổng diện tích đất trong phạm vi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch khoảng 140,23ha. Quy mô dân số sau điều chỉnh khoảng 21.110 người.
Theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài được duyệt, khu vực nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch có tổng diện tích khoảng 140,23ha, được phân thành 2 khu vực:
Khu A là phần lớn ô quy hoạch 3.1 (khu vực ô quy hoạch 6-8 thuộc phân đô thị GN) gồm các chức năng sử dụng đất: mặt nước hồ Phương Trạch; 6 ô đất công cộng thành phố; 8 ô đất cây xanh thành phố; 2 ô đất di tích tôn giáo tín ngưỡng (chùa Hưng Long Tự và chùa Tỉnh Âm); 2 ô đất nhà ở thấp tầng; 1 ô đất giãn dân thôn Hải Bối; 1 ô đất công cộng đơn vị ở; 1 ô đất nhà trẻ mẫu giáo; 1 ô đất cây xanh đơn vị ở và 1 ô đất bãi đỗ xe và đường giao thông.
Khu B là một phần ô quy hoạch ký hiệu 3.2 (thuộc ô quy hoạch VIII.1.1 thuộc phân khu đô thị N8) gồm các chức năng sử dụng đất: 4 ô đất ở chung cư cao 25 tầng; 1 ô đất trường mầm non; 1 ô đất bãi đỗ xe; 1 ô đất cây xanh đơn vị ở và đường giao thông.
Công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn chuyển nhượng dự án Trung Nguyên Legend
Liên quan tới việc UBND huyện Bảo Lâm trình UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, ban hành quyết định thu hồi đất dự án khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) của CTCP Cà phê Trung Nguyên.
Ngày 14/07, Công ty Cà phê Trung Nguyên gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị sớm chấp thuận cho Công ty được chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend sau khi dự án bị chấm dứt hoạt động đầu tư. Được biết, dự án đã bị chấm dứt đầu tư theo văn bản ngày 19/09/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tiếp đó, Trung Nguyên thông tin, ngày 4/7, ngay sau khi nhận được bản vẽ khu đất của dự án từ Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng, Công ty đã nộp và bàn giao bản vẽ cho Đại diện Phòng quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay Công ty vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết từ cơ quan chức năng địa phương. Trung Nguyên đánh giá điều này đã gây khó khăn cho Công ty trong việc hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 4.337m2 thuộc dự án và bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác.
Đồng thời, việc chậm giải quyết nói trên gây ra các dư luận sai lệch về việc chủ đầu tư thiếu hợp tác trong việc hoàn thành các nghĩa vụ chấm dứt đối với dự án.
“Công ty Trung Nguyên kính đề nghị quý cơ quan tạo điều kiện và sắp xếp cho công ty có buổi làm việc cùng đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng để giải quyết kịp thời các đề nghị nêu trên”, văn bản nêu.
Sau khi nhận được văn bản của Trung Nguyên, ngày 21/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, UBND huyện Bảo Lâm và các cơ quan có liên quan xem xét đề nghị trên và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 10/08/2023.
Được biết, diện tích 4.337m2 mà Trung Nguyên đề cập là phần đất Công ty nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Trà Tiến Đạt II vào năm 2002 và được UBND huyện Bảo Lâm phê duyệt cũng trong năm 2022.
Một doanh nghiệp mới thành lập muốn làm 2 dự án hơn 3.000 tỷ ở Thái Nguyên
CTCP Đầu tư Minh Hoàng TS là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án KĐT Quyết Thắng quy mô 43 ha. Trước đó, vào đầu năm nay, đây là 1 trong 2 nhà đầu tư đạt yêu cầu đánh giá sơ bộ tại dự án KĐT Thái Sơn có vốn 1.720 tỷ đồng cũng tại TP Thái Nguyên.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/v |
Sau 2 lần gia hạn mời đầu tư, Sở KH&ĐT Thái Nguyên đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị Quyết Thắng, tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên. Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Hoàng TS là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Dự án Khu đô thị Quyết Thắng có tổng diện tích sử dụng đất khoảng hơn 43 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.496 tỷ đồng (chi phí thực hiện gần 750 tỷ đồng; chi phí bồi thường, tái định cư hơn 746 tỷ đồng).
Dự án sẽ có 261 lô xây nhà ở liền kề và biệt thự (xây thô hoàn thiện mặt ngoài); 776 lô lô đất ở liền kề và biệt thự (đất nền); 81 lô đất ở tái định cư và đất nhà ở xã hội. Dự kiến đáp ứng quy mô dân số khoảng 6.000 người. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện đến quý 2/2027.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Hoàng TS được thành lập ngày 17/10/2022, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê, có trụ sở tại phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ 270 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm ông Lê Hữu Nam (44,44%), ông Lê Hồng Quang (29,63%), và bà Đỗ thị Huyền Trang (25,92%). Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc là ông Lê Hữu Nam (SN 1990).
Ngay sau khi thành lập, tháng 11/2022, Minh Hoàng TS đã nộp hồ sơ quan tâm thực hiện Dự án Khu đô thị Thái Sơn (TP Thái Nguyên). Dự án này có diện tích khoảng 47,5ha với tổng mức đầu tư khoảng 1.720 tỷ đồng (chi phí thực hiện hơn 964 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 756 tỷ đồng). Tiến độ thực hiện dự án đến quý II/2027.
Đến giữa tháng 1/2023, Sở KH&ĐT Thái Nguyên công bố có 2 nhà đầu tư đạt yêu cầu đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm là Minh Hoàng TS và Công ty Cổ phần NVT Group.
TP Thủ Đức thu hồi hàng trăm ha đất trong năm 2023
Mới đây, UBND TP HCM đã thông qua kế hoạch sử dụng đất của TP Thủ Đức Năm 2023, bao gồm các chỉ tiêu quan trọng như diện tích đất được phân bổ, kế hoạch thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng. Phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của TP Thủ Đức cho năm 2023 với các thông số chính như sau:
Diện tích các loại đất được phân bổ trong năm: Đất phi nông nghiệp: Hơn 17.670 ha, trong đó có hơn 4.740 ha dành cho phát triển hạ tầng; Đất giao thông: Hơn 2.735 ha; Đất thủy lợi: Hơn 160 ha; Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo: Gần 600 ha; Đất xây dựng cơ sở thể dục - thể thao: Hơn 395 ha; Đất công trình năng lượng: Hơn 43 ha; Đất cơ sở tôn giáo: Hơn 117 ha; Đất làm nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng: Hơn 147 ha; Đất khu vui chơi, giải trí công cộng: Hơn 483 ha; Đất ở tại đô thị: Hơn 6.610 ha; Đất khu công nghệ cao: Hơn 768 ha; Đất đô thị: 21.156 ha; Đất nông nghiệp được phân bổ: Hơn 3.480 ha.
Kế hoạch thu hồi các loại đất:
Đất nông nghiệp cần thu hồi gần 515 ha, tập trung nhiều nhất ở phường Long Phước với 261,6 ha và tiếp theo là phường An Phú với gần 136 ha; Đất phi nông nghiệp cần thu hồi hơn 210 ha, phường An Phú chiếm số lượng lớn nhất với 70,6 ha.
Kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất: Trong năm 2023, TP Thủ Đức sẽ chuyển đổi hơn 1.068 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, với phường Long Phước có diện tích chuyển đổi nhiều nhất là 376,6 ha.
Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp là 19,87 ha; Chuyển đổi đất phi nông nghiệp từ không phải là đất ở sang đất ở là 98,78 ha.
Hiện tại, không còn đất chưa sử dụng trên địa bàn TP Thủ Đức.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường và TP Thủ Đức sẽ phối hợp, công bố công khai kế hoạch theo quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời, sẽ thực hiện việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Cũng sẽ tổ chức kiểm tra thường xuyên để đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất đúng và hiệu quả.
Gamuda Land thâu tóm dự án 315,8 triệu USD tại TP HCM
Theo tờ New Strait Times ngày 20/7 đưa tin Gamuda Land đã ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần để mua lại Công ty Cổ phần Bất động sản Tâm Lực, công ty sở hữu một khu dự án rộng 3,68 ha tại thành phố Thủ Đức, TP HCM, với giá trị khoảng 315,8 triệu USD.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong hồ sơ gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Malaysia, Gamuda cho biết địa điểm này hiện là một khu đất đã có được tất cả các phê duyệt quy hoạch cần thiết và sẵn sàng cho các bước phát triển dự án cao tầng hỗn hợp.
Dự án nằm tại vị trí chiến lược của TP Thủ Đức, nơi được coi là trung tâm đổi mới sáng tạo của TP HCM.
Đặc biệt, tuyến Metro số 1 sẽ được đưa vào sử dụng vào quý 4 năm nay sẽ tăng cường hơn nữa khả năng kết nối, tiếp cận trực tiếp từ khu Khu trung tâm thành phố đến vùng phụ cận, phục vụ nhu cầu của dân số đô thị đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Theo kế hoạch, Gamuda dự định phát triển khu đất này thành một dự án cao tầng hỗn hợp bao gồm 1.968 căn hộ cao cấp, 12 căn hộ áp mái, 51 shop house thuộc khối đế và 21 căn shophouse nằm tại sáu tòa tháp cao tới 40 tầng. Dự án sẽ được phát triển trong 5 năm tới đây.
Chủ đầu tư định vị dự án này sẽ thuộc loại cao cấp, phân khúc thị trường đang có mức giá từ 4.000 đến 7.000 USD mỗi m2, tùy thuộc vào vị trí và chất lượng sản phẩm.
Đây là dự án thứ ba được Gamuda Land mua lại trong vòng 24 tháng qua. Năm ngoái, Gamuda Land đã mua lại một công ty địa phương để phát triển một tòa nhà chung cư cao tầng cũng ở TP Thủ Đức, TP HCM với diện tích khoảng 03 ha. Gamuda Land dự tính sẽ đầu tư hơn 250 triệu đô la phát triển dự án cung cấp khoảng 1.300 căn hộ ra thị trường.
Ngoài ra, cũng vào năm ngoái, Gamuda Land đã mua lại dự án Artisan Park nằm tại vị trí chiến lược ngay cạnh trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương. Bình Dương là đầu tàu kinh tế với nhiều khu công nghiệp, khu công nghiệp và nhu cầu nhà ở có chất lượng cũng đang tăng cao từng ngày.
Artisan Park được quy hoạch là dự án nhà ở kết hợp thương mại, kết hợp trung tâm mua sắm và hội họp năng động.
Nguồn: Tin bất động sản tuần qua: Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng thành phố thông minh hơn 140ha