Tin bất động sản tuần qua: Lâm Đồng bác đề xuất dự án khu dân cư của Công ty Eco Grand Land
Tin bất động sản tuần qua: Trà Vinh tìm chủ đầu tư cho khu đô thị hơn 3.000 tỷ đồng Tin bất động sản tuần qua: Nên cho thuê 100% nhà ở xã hội |
Lâm Đồng bác đề xuất dự án khu dân cư của Công ty Eco Grand Land
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa nhận được báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư để thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Eco Grand Land của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Eco Grand Land; Báo cáo thẩm định (bổ sung) số 109/BC-KHĐT ngày 21/3/2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Ảnh minh họa |
Sau khi xem xét các báo cáo nói trên, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chưa xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Eco Grand Land cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Eco Grand Land.
Lý do UBND tỉnh Lâm Đồng chưa xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án là vì khu vực đề xuất thực hiện dự án nằm trong Quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn Phú Gia, thôn 8, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh đã được UBND huyện Di Linh phê duyệt không còn phù hợp với các quy hoạch cấp trên (quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất…).
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, sau khi quy hoạch điểm dân cư nông thôn Phú Gia được phê duyệt phù hợp theo các quy hoạch cấp trên thì cập nhật, rà soát các quy hoạch liên quan, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND huyện Di Linh kiểm tra, rà soát các hồ sơ liên quan, đối chiếu các quy hoạch cấp trên thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch điểm dân cư nông thôn Phú Gia, thôn 8, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch hiện hành để làm cơ sở thu hút đầu tư.
Khởi công dự án nhà ở gần 1.000 tỷ đồng tại Đà Nẵng
Ngày 29/3, Công ty Cổ phần Đầu tư Landcom đã khởi công Khu nhà ở và dịch vụ Tuyên Sơn với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án tọa lạc bên bờ sông Hàn, thuộc quận trung tâm của TP Đà Nẵng.
Khu nhà ở và dịch vụ Tuyên Sơn được chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 3353/QĐ-UBND ngày 30/07/2019 và điều chỉnh đầu tư lần đầu tại Quyết định số 2432/QĐ-UBND ngày 06/11/2023.
Ngày 14/3/2024, Sở Xây dựng Đà Nẵng xác nhận Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc Dự án Khu nhà ở và dịch vụ Tuyên Sơn đủ điều kiện để khởi công xây dựng tại Văn bản số 1679/SXD-CPXD.
Theo đó, dự án được quy hoạch với tổng diện tích khoảng 3,6ha tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, cung cấp 156 căn nhà liền kề và 63 căn biệt thự. Tổng vốn đầu tư dự án là 980 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Được biết, đây là dự án Landcom nhận chuyển nhượng từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Thời điểm đó, dự án có tên cũ là Khu làng thể thao Tuyên Sơn và tổng mức đầu tư 31,5 tỷ đồng.
Dự án trước đó đã được khởi động vào năm 2017 nhưng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về vấn đề đất đai, dẫn đến thủ tục kéo dài.
Theo Báo Thanh Niên, nguyên nhân khiến dự án kéo dài là do việc chuyển đổi từ khu thể thao thành khu đô thị, việc chuyển nhượng dự án, các điều kiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy định về xây nhà liền kề…
Về chủ đầu tư Landcom, theo tìm hiểu từ đầu năm nay, Landcom đã chính thức tăng vốn điều lệ từ mức 100 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng chuyển trụ sở mới từ tòa nhà Cotana Building (CC5A, Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) sang tầng 7, số 23 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội và người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đức (SN 1979).
Phân khúc văn phòng tại Hà Nội có giá thuê tương đối ổn định
Báo cáo khảo sát Prime Benchmark - Xác định quy chuẩn giá thuê do Savills Châu Á - Thái Bình Dương thực hiện đã được công bố. Bản báo cáo cung cấp những thông tin chi tiết bao gồm: Giá thuê, phí quản lý và các mức thuế của chính phủ tại một số các bất động sản trọng điểm, thuộc các thành phố khác nhau khu vực Châu Á.
Ảnh minh họa |
Trong đó, thị trường cho thuê văn phòng cao cấp cho thấy xu hướng phục hồi nhưng khá chậm trong nửa cuối năm 2023 với chuyển động giá thuê dao động từ -4.6% (Manila) đến 12% (Mumbai). Hầu hết các thành phố đang nằm trong giai đoạn cuối tăng trưởng (late upswing), cuối suy giảm (late downswing) hoặc đang suy giảm (early downswing).
Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế vĩ mô đi kèm bất ổn thị trường ngày càng gia tăng, chỉ 9 trong số 21 thị trường ghi nhận mức tăng trưởng về giá thuê tính theo đồng nội tệ. Các thị trường này đang gặp tình trạng thiếu nguồn cung cao cấp, đặc biệt tại Mumbai, Brisbane, Seoul và một số thị trường lớn ở Đông Nam Á như Singapore hay Kuala Lumpur.
Ngược lại, nhiều thị trường đang đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung văn phòng với tỷ lệ lấp đầy thấp, tạo áp lực lên giá thuê như Manila, Quảng Châu hay Hong Kong. Đối với đồng đô la Mỹ, việc đồng đô la tăng mạnh có những tác động khác nhau tới một số thị trường có đồng tiền nội địa yếu hơn như Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong báo cáo, hầu hết các thành phố của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu đều ghi nhận mức giảm nhẹ về giá thuê. Hong Kong tiếp tục là thị trường ghi nhận chi phí thuê văn phòng cao cấp tốt nhất tại khu vực (đã bao gồm phí dịch vụ và thuế), đạt 194 USD/m2/tháng.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: “Trong tương quan với các thị trường tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, giá thuê văn phòng tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Đặc biệt tại thị trường Hà Nội, số lượng dự án lớn ra mắt từ nay đến 2026 có thể gây áp lực lên giá thuê, đặc biệt là ở các dự án Hạng A. Thêm vào đó, trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định. Do đó, đây là thời điểm để các khách thuê lựa chọn mặt bằng cao cấp với ngân sách hợp lý”.
Quảng Bình phấn đấu thu tiền sử dụng đất đạt 2.600 tỷ đồng
Năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Bình giao chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất trên địa bàn là 3.000 tỷ đồng, UBND tỉnh giao chỉ tiêu phấn đấu cho các địa phương, đơn vị là 3.240 tỷ đồng, tăng 8% so với dự toán HĐND tỉnh giao.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của các Sở, ngành, địa phương, tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách Nhà nước là 2.081 tỷ đồng, đạt 69,3% dự toán HĐND tỉnh giao và 64,2% chỉ tiêu phấn đấu UBND tỉnh giao, bằng 42,6% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó 1.002 tỷ đồng là thu từ các năm trước chuyển sang. Như vậy, thực thu từ tiền sử dụng đất năm 2023 chỉ là 1.079 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến kết quả thu tiền sử dụng đất năm 2023 đạt thấp, là do thị trường bất động sản trầm lắng; nhiều phiên đấu giá tổ chức không có người tham gia hoặc tham gia ít; giá khởi điểm quá cao so với giá giao dịch trên thị trường; chủ đầu tư chậm đưa quỹ đất đủ điều kiện ra đấu giá, tiến độ một số dự án còn chậm hoàn thành dứt điểm các hạng mục còn lại để đưa ra đấu giá đất; việc đôn đốc nhà đầu tư nộp tiền sử dụng đất của các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị cũng gặp khó khăn do các dự án triển khai gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất, định giá đất dẫn đến doanh nghiệp chưa nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước...
Trong năm 2024, chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất được HĐND tỉnh giao là 2.600 tỷ đồng, trong đó thu từ các dự án xã hội hóa 899 tỷ đồng, còn lại 1.700 tỷ đồng là thu đấu giá quyền sử dụng đất, cao gấp 1,6 lần so với số thu đấu giá năm 2023.
Mới đây, tại buổi làm việc với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương về công tác giao chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất và phát triển quỹ đất năm 2024, Chủ tịch UBND Quảng Bình Trần Thắng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục sớm đưa ra đấu giá các dự án đã đủ điều kiện đấu giá; tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu giá, giao đất đúng quy định.
TP HCM cấp hơn 85.000 Giấy chứng nhận trong 3 tháng đầu năm
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, quý I/2024, cơ quan chức năng đã cấp 85.580 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận).
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, quý I/2024, cơ quan chức năng đã cấp Giấy chứng nhận lần đầu đến 1.849 cá nhân. Cùng đó, đăng ký biến động nhà đất là 83.131 Giấy chứng nhận, trong đó cá nhân là 81.484 trường hợp và tổ chức là 1.647.
Trước đó, năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã cấp Giấy chứng nhận lần đầu (đối với cá nhân và tổ chức) là 7.184 Giấy chứng nhận. Trong đó, đối với tổ chức là 56 Giấy chứng nhận, nâng số lượng Giấy chứng nhận đã cấp cho tổ chức là 1.516.604 Giấy chứng nhận, diện tích 119.935,029ha/129.644,7ha (diện tích cần cấp Giấy chứng nhận), đạt tỷ lệ 92,51%.
Đối với cá nhân, Sở đã cấp 7.128 Giấy chứng nhận, nâng số lượng Giấy chứng nhận đã cấp cho cá nhân đến nay là 1.580.966 Giấy chứng nhận, đạt 99,3%. Đăng ký biến động nhà đất (tổ chức và cá nhân) là 320.729 Giấy chứng nhận, trong đó, đối với tổ chức là 7.382 Giấy chứng nhận; đối với cá nhân là 313.347 Giấy chứng nhận.
Đồng thời, nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền đất đối với các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố, Sở đã ban hành Kế hoạch số 3981/KH-STNMT-VP triển khai thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, đây nhanh tiến độ.
Sở đã phân thành 6 nhóm khó khăn, vướng mắc (đang còn vướng mắc về pháp lý; đang chờ xác nhận nghĩa vụ tài chính; các doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ cấp giấy; vướng mắc về loại hình bất động sản mới, thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, và nhóm vướng mắc khác) với 81.085 Giấy chứng nhận được đưa vào Kế hoạch.
Nguồn: Tin bất động sản tuần qua: Lâm Đồng bác đề xuất dự án khu dân cư của Công ty Eco Grand Land