Tin bất động sản tuần qua: Sắp tổ chức hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội
Tin bất động sản ngày 17/2: Giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng mạnh Tin bất động sản ngày 16/2: Diễn biến mới nhất vụ chiếm dụng hàng chục nghìn m2 đất ở Quy Nhơn |
Sắp tổ chức hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo đôn đốc các cơ quan Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tổ chức Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội trong tháng 2/2024.
Đồng thời, giao Bộ Xây dựng tập trung nguồn lực hoàn hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đối với các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); sớm hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ được khai thác theo cơ chế đặc thù để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu.
Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực triển khai mạnh mẽ, toàn diện hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Đồng thời, giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội năm 2024 đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản và nhà ở, trong năm 2023, trên địa bàn cả nước có 44 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 36.262 căn hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng. Trong đó, có 28 dự án với quy mô 13.864 căn đã hoàn thành và 16 dự án được cấp phép, khởi công xây dựng với quy mô 22.398 căn.
Hà Nam dự kiến thành lập thêm loạt khu công nghiệp mới
Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam đang đặt phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Hà Nam ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đường giao thông những năm tới.
Cụ thể, trong phương án phát triển các khu chức năng, tỉnh đẩy nhanh tiến độ các thủ tục, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao Hà Nam có quy mô khoảng 663 ha tại huyện Lý Nhân. Tập trung thu hút đầu tư vào các phân khu chức năng của Khu Công nghệ cao với trọng tâm là các dự án thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới...
Về phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, tỉnh sẽ quy hoạch các khu công nghiệp gắn với vùng đô thị, dịch vụ với định hướng thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ và hiệu quả hoạt động của 8 khu công nghiệp đã thành lập gồm Đồng Văn I, Đồng Văn II, Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Hoà Mạc, Châu Sơn, Thanh Liêm, Thái Hà giai đoạn I với tổng diện tích 2.516 ha. Đẩy mạnh thu hút đầu tư để lấp đầy 2 khu công nghiệp đã có chủ trương đầu tư (Đồng Văn I mở rộng về phía đông đường cao tốc và Thái Hà giai đoạn II).
Xây dựng và thành lập mới 4 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch là Kim Bảng I, Châu Giang I, Đồng Văn V, Đồng Văn VI; với tổng diện tích là 940ha. Sáp nhập Cụm công nghiệp Châu Giang vào Khu công nghiệp Châu Giang I và Cụm công nghiệp Lê Hồ vào Khu công nghiệp Kim Bảng I khi có đủ các điều kiện theo quy định.
Đến năm 2030, ưu tiên thành lập mới, mở rộng phát triển các khu công nghiệp có vị trí địa lý thuận lợi, khả năng thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh gồm Kim Bảng II, Kim Bảng III, Kim Bảng IV, Thanh Bình I, Thanh Bình II, Bình Lục, Thái Hà III. Các Khu công nghiệp Châu Giang II, Thái Hà II, Đạo Lý sẽ được thành lập mới tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thực tế của địa phương trong thời kỳ quy hoạch. Dự kiến các khu công nghiệp mới thành lập sẽ có tổng diện tích là 3.200ha.
Xử phạt Công ty cổ phần sân golf Hà Nội hơn 345 triệu đồng
UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường đối với công ty cổ phần sân golf Hà Nội (Hà Nội Golf Club). Doanh nghiệp này có địa chỉ tại thôn Thái Lai, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, do không có Giấy phép môi trường theo quy định (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh).
Hà Nội Golf Club có địa chỉ ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội/Ảnh: Hanoigolfclub/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo quy định tại điểm c, khoản 3, điều 14 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, công ty trên bị xử phạt 320 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là buộc Công ty thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 5, điều 14 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày công ty nhận được quyết định.
Trước đó, ngày 20/10/2023, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã ban hành quyết định số 632/QĐ-XPHC đối với Hà Nội Golf Club với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định trong trường hợp khai thác nước, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng trên 10m3/ngày đêm đến dưới 30m3/ngày đêm.
Chiểu theo quy định tại khoản 3, điều 9 và khoản 1 điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước và khoáng sản, Công ty bị xử phạt 15 triệu đồng.
Đồng thời, buộc công ty nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, khoản 10, điều 9 Nghị định 36/2020/NĐ-CP là 10.304.780 đồng.
Tổng mức xử phạt là hơn 345 triệu đồng.
Quảng Nam sẽ hình thành 4 đô thị mới
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển các đô thị xanh, sinh thái, gắn với cảnh quan, môi trường tự nhiên có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh.
Đồng thời, quy hoạch và đầu tư xây dựng các thiết chế công cộng quan trọng như quảng trường, công viên cây xanh, công viên chuyên đề; các khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho các lứa tuổi.
Quy hoạch cũng xác định, đầu tư mở rộng đô thị tại các trung tâm hành chính cấp huyện, gắn kết với mạng lưới giao thông liên vùng, chú trọng chất lượng dịch vụ đô thị. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, cảnh quan đô thị.
Theo Quy hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ nâng cấp 2 đô thị Nam Phước và Hà Lam lên đô thị loại IV. 4 đô thị mới được hình thành là là Duy Nghĩa - Duy Hải, Bình Minh, Đại Hiệp, Tam Dân; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 37%.
Mục tiêu đến năm 2030, sẽ nâng cấp Hội An lên đô thị loại II; Thị xã Điện Bàn lên đô thị loại III; Thị trấn Ái Nghĩa lên đô thị loại IV. Đồng thời, hình thành 2 đô thị mới là Việt An và Kiểm Lâm; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%.
Thành phố Tam Kỳ là đô thị loại II. Dự kiến sáp nhập thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành giai đoạn 2026 - 2030, định hướng phát triển lên đô thị loại I.
Trong khi đó, Thị xã Điện Bàn đến năm 2030 nâng cấp lên thành cấp hành chính là thành phố. Huyện Duy Xuyên, đến năm 2030 đô thị Nam Phước mở rộng kết nối với đô thị Duy Nghĩa - Duy Hải, đô thị Kiểm Lâm và các xã lân cận nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Duy Xuyên.
Huyện Thăng Bình đến năm 2030 đô thị Hà Lam mở rộng kết nối với đô thị Bình Minh và các xã lân cận, nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Thăng Bình.
Các đô thị Tắc Pỏ, thị trấn Tơ Viêng hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2021 - 2025. Còn đô thị Tam Dân, Đại Hiệp hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2026 - 2030…
Viglacera công bố dự án Khu công nghiệp xanh, thông minh tại Bắc Ninh
Trong lễ ra quân đầu năm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Tổng công ty Viglacera - CTCP đã chính thức công bố Khu công nghiệp Xanh & Thông minh “Thuan Thanh Eco-Smart IP".
“Thuan Thanh Eco-Smart IP" là một trong 5 Khu công nghiệp do Viglacera đầu tư tại Bắc Ninh, cùng với KCN Tiên Sơn, KCN Yên Phong I, KCN Yên Phong mở rộng, KCN Yên Phong 2C.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Viglacera được biết tới là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong 2 lĩnh vực chính là sản xuất vật liệu xây dựng và đầu tư bất động sản, với các sản phẩm vật liệu xanh như: Bê tông khí chưng áp, kính tiết kiệm năng lượng giúp giảm phát thải các bon, tiết kiệm năng lượng…
Sau lĩnh vực vật liệu xây dựng, Thuan Thanh Eco-Smart IP là bước đi tiếp theo của Viglacra trong hành trình xây dựng các Khu công nghiệp xanh, thông minh, hướng tới Khu công nghiệp Sinh thái nhằm từng bước góp phần thu nhỏ “Dấu chân carbon”.
Thuan Thanh Eco-Smart IP luôn hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải ra môi trường, đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình xây dựng nhà máy sản xuất xanh, sạch hơn, cộng sinh công nghiệp; cung cấp cho các nhà đầu tư những dịch vụ, tiện ích tốt nhất và nâng cao trách nhiệm với cộng đồng.
Dự án Khu công nghiệp xanh, Thuận Thành Eco- Smart IP tập trung vào các giải pháp xanh, giải pháp thông minh đồng bộ, gồm: Nhóm giải pháp tiết kiệm năng lượng, ứng dụng hệ thống chiếu sáng thông minh, sử dụng pin năng lượng mặt trời tập trung, tối ưu hóa năng lượng tái tạo, hạn chế năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch;
Nhóm giải pháp Kiểm soát phát thải ra môi trường, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý hệ thống cấp nước, xây dựng hệ thống tưới cây tự động, thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa. và nhóm giải pháp xanh hóa khu công nghiệp, mục tiêu đạt tối thiểu 60% diện tích cây xanh sử dụng các loại cây có mức độ hấp thụ C02 cao, đạt được chứng chỉ xanh cho khu công nghiệp.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đầu tư Xây dựng - Chi nhánh Viglacera, với những giải pháp đồng bộ nêu trên, giá trị mà “Thuận Thành Eco-Smart IP” mang lại không chỉ là thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho thị xã Thuận Thành nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung mà còn mang lại những giá trị rất thiết thực đối với môi trường, cộng đồng xung quanh cũng như nhà đầu tư.
Nguồn:Tin bất động sản tuần qua: Sắp tổ chức hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội