Tin ngân hàng ngày 10/3: Yêu cầu NHNN tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém
Tin ngân hàng ngày 9/3: Nhiều vướng mắc về quy định tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu Tin ngân hàng ngày 8/3: Đề nghị giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp |
Yêu cầu NHNN tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo để nghiên cứu chiến lược và kịp thời điều hành, có các phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp để ứng phó với các vấn đề phát sinh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát. Có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác. Điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN cần tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.
Ngân hàng điện tử tự xưng Mineplex hoạt động trái phép
Dù chưa có giấy phép nào liên quan đến lĩnh vực ngân hàng nhưng gần 1 năm nay các môi giới của Mineplex vẫn tổ chức nhiều buổi hội nghị đông người để quảng cáo, mời chào nhà đầu tư bỏ tiền vào đây để đào tiền ảo với hứa hẹn đồng tiền ảo có tên Plex sẽ tăng giá trong tương lai.
Từ khách sạn 4 sao đến 5 sao, hàng trăm người có mặt tại các buổi Hội nghị của Mineplex, ngoài người trẻ còn có cả các cụ già. Tất cả đều ngóng chờ môi giới của Mineplex hướng dẫn cách đầu tư để nhanh giàu có.
Theo chia sẻ, người tham gia chỉ cần đầu tư các gói từ 800 USD đến 100.300 USD. Trong đó có 300 USD là dùng để mua hợp đồng nhượng quyền, còn lại là để mua 1 đồng năng lượng có tên là Mine với giá 1,01 USD. Sau đó thì kích pood, từ Mine là có thể đào được một đồng tiền ảo khác có tên là Plex và mỗi ngày đồng Plex cũng sẽ tự động đào và chảy vào ví điện tử. Người tham gia chỉ việc bán đồng Plex để kiếm lời.
Đại diện ngân hàng tự xưng MinePlex nói: "Ngài chắc chắn 100% rằng trong vòng 4 năm nữa giá Plex có thể lên con số mà mọi người không thể tưởng tượng được là 1.500 USD".
Để tăng độ tin tưởng, Mineplex còn quảng cáo ngoài là ngân hàng kĩ thuật số có thể dùng để thanh toán liên ngân hàng, Mineplex còn sẽ có cả sàn thương mại điện tử, liên kết với các sàn giao dịch quốc tế, phát triển ở nhiều quốc gia. Nhà đầu tư bỏ tiền vào đây chỉ có chắc thắng.
"Sản phẩm này nó không thể chết, đầu tư chắc thắng rồi nên chẳng có lý do gì chúng ta không chơi", nhân viên Mineplex nói.
Chẳng có lý do gì không tham gia, thế là sau buổi hội nghị, đã có không ít nhà đầu tư vội vã xuống tiền. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những lời quảng cáo của Mineplex là hoàn toàn không có căn cứ, vì chưa có sản phẩm nào của Mineplex được ứng dụng vào thực tế.
Giấc mơ "nghìn đô" của Ban lãnh đạo Mineplex và các nhà đầu tư dường như đang khó trở thành hiện thực. Khi sau hơn 1 năm giá của đồng Plex từ đỉnh khoảng 2,35 USD đã lao dốc về hiện nay chỉ còn loanh quanh 0,14 đến 0,16 USD, tức mất hơn 90 % giá trị. Nếu muốn tăng lên 1.500 USD như lời quảng cáo, đồng nghĩa với việc nó phải tăng thêm khoảng 10.000 lần.
Ngoài việc hoạt động trái phép, Ngân hàng số tự xưng Mineplex còn có nhiều hoạt động bất thường, đáng ngờ để nhằm lôi kéo, dụ dỗ người tham gia.
VIB ra mắt giải pháp tiền gửi vượt trội trên ngân hàng số MyVIB 2.0
Vừa qua, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) ra mắt sản phẩm tiền gửi trực tuyến iDepo, một giải pháp tích lũy vượt trội dành cho khách hàng cá nhân trên ứng dụng ngân hàng số MyVIB 2.0.
Theo đó, tiền gửi trực tuyến iDepo có mệnh giá linh hoạt chỉ từ 50 triệu đồng, lãi suất cạnh tranh thay đổi linh hoạt theo thị trường với kỳ điều chỉnh lãi suất 3 tháng/lần. Sản phẩm có kỳ hạn 24 tháng, nhưng phù hợp với khách hàng có nhu cầu gửi tiền ở các kỳ hạn ngắn, đa dạng, nhờ tính năng chuyển nhượng trên ứng dụng ngân hàng điện tủ MyVIB 2.0 một cách nhanh chóng, dễ dàng. Với tiền gửi trực tuyến iDepo vừa ra mắt, khách hàng có thêm một kênh tích lũy và đầu tư hiệu quả, có thể tham gia và quản lý 24/7 ngay trên ứng dụng ngân hàng số MyVIB 2.0.
Đặc biệt, VIB hiện đang triển khai chương trình ưu đãi hoàn 500.000 đồng vào tài khoản thanh toán cho khách hàng Sapphire lần đầu tiên gửi tiền gửi tại VIB. Ngoài ra, trong thời gian từ nay đến hết ngày 15/05/2023, khách hàng có tổng giá trị tiền gửi trực tuyến iDepo cao nhất cũng sẽ nhận giải thưởng là chuyến du lịch Dubai 5 ngày 4 đêm cho 2 người. 30 khách hàng mở tiền gửi trực tuyến iDepo sớm nhất và đạt giá trị tối thiểu từ 1 tỷ đồng sẽ nhận giải thưởng trị giá 1 triệu đồng/ giải. Tham khảo điều khoản, điều kiện áp dụng.
SCB giảm mạnh lãi suất huy động
Theo biểu lãi suất vừa được Ngân hàng TMCP Sài Gòn áp dụng từ ngày 8/3, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đều được điều chỉnh giảm 0,5 điểm % so với trước đó.
SCB giảm mạnh lãi suất huy động/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, tại sản phẩm có lãi suất cao nhất là Tiền gửi online và lĩnh lãi cuối kỳ, các kỳ hạn từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng tiếp tục được áp dụng mức lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 6%/năm.
Trong khi đó, các kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh về 9%/năm từ mức 9,5%/năm. Dù vậy, chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn 5 tháng và 6 tháng vẫn lên tới 3% dù chỉ cách nhau 1 tháng.
Các kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng đang được SCB áp dụng mức lãi suất 8,9% so với 9%/năm trước đó. Trong khi các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng cùng hưởng lãi suất 9%, cũng giảm 0,5 điểm %.
Đáng chú ý, các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng tại SCB đang có lãi suất thấp hơn kỳ hạn 12 tháng, chỉ ở mức 8,95%/năm và giảm 0,5 điểm % so với hồi đầu tháng.
Tính từ đầu năm đến nay, SCB đã có 2 đợt giảm lãi suất tiền gửi. Hồi cuối năm 2022, nhà băng này niêm yết lãi suất lên tới 9,95%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Như vậy, lãi suất huy động của SCB tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đã giảm khoảng 1% so với giai đoạn cao điểm.
Mặt khác, SCB cũng không còn là ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống. Hiện, Kienlongbank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 9,3% cho kỳ hạn 12 - 15 tháng theo hình thức gửi tiền online.
Trước SCB, một loạt ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3 với mức điều chỉnh 0,1 - 0,6 điểm % so với trước đó.
Được biết, sau khi được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng đã đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 10/3: Yêu cầu NHNN tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém