Tin ngân hàng ngày 10/7: Chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Tin ngân hàng ngày 8/7: LPBank chuyển hồ sơ vụ việc tại chi nhánh Bảo Lộc sang cơ quan công an Tin ngân hàng ngày 7/7: Ứng dụng Mobile Banking đầu tiên tích hợp công nghệ SoftPOS tại Việt Nam |
NHCSXH cho 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tổ chức ngày 7/7, đại diện ngân hàng này cho biết, tính đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 318.278 tỷ đồng, tăng 21.261 tỷ đồng (+7,2%) so với năm 2022, trong đó vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 34.527 tỷ đồng, tăng 3.925 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,8%.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 21.082 tỷ đồng (+7,4%) so với năm 2022 với hơn 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Trong đó, dư nợ theo các chương trình được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 259.589 tỷ đồng, tăng 16.903 tỷ đồng (tương đương +7%) so với cuối năm 2022.
Đặc biệt NHCSXH đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đến hết tháng 6/2023, hệ thống đã giải ngân trên 19 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 nghìn tỷ đồng so với năm 2022, với 351 nghìn khách hàng được vay vốn.
Từ đầu năm 2022 đến nay, NHCSXH đã giải ngân các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% với số vốn là 139 nghìn tỷ đồng, cho trên 3,3 triệu lượt khách hàng. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 1.940 tỷ đồng.
Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,62% trên tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn chiếm 0,17%, nợ khoanh chiếm 0,45%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 310 nghìn lao động, giúp hơn 4 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 25 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân hơn 3 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh sinh viên; xây dựng hơn 871 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 571 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 7 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách… Gắn liền với việc tăng trưởng dư nợ, việc nâng cao chất lượng tín dụng được chú trọng thực hiện.
Chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tại chương VI, nghị định quy định rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, hạn mức chi trả… Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản…
Nghị định nêu rõ, quỹ được sử dụng để trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm theo đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản và thực hiện một lần đối với mỗi hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, trả giá trị hoàn lại, trả tiền bồi thường bảo hiểm hoặc hoàn phí bảo hiểm…
Theo quy định mới, nếu doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, quỹ sẽ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.
Tương tự, đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.
Đối với hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, cụ thể hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, quỹ chi trả tối đa mức trách nhiệm của doanh nghiệp thuộc phạm vi bảo hiểm theo quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, các hợp đồng bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định pháp luật, quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.
Mức trách nhiệm đối với hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài gồm quyền lợi bảo hiểm được hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
Mở rộng khách hàng của tổ chức tài chính vi mô
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư sửa đổi và bổ sung Thông tư số 03/2018/TT-NHNN về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Dự thảo này tập trung vào mở rộng khách hàng của tổ chức tài chính vi mô và điều chỉnh quy định về khoản vay và tiết kiệm bắt buộc.
Dự thảo đề xuất bổ sung khái niệm "cá nhân có thu nhập thấp" vào khách hàng tài chính vi mô để phù hợp với hoạt động thực tế của các tổ chức tài chính vi mô. Ngoài ra, khách hàng tài chính vi mô sẽ bao gồm cả những cá nhân đã từng là khách hàng tài chính vi mô, đảm bảo nguồn vốn cho phân khúc khách hàng thuộc nhóm "dưới chuẩn". Đối tượng này bao gồm những cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, và những người đã thoát nghèo nhưng vẫn cần vay vốn tài chính vi mô để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và cuộc sống hàng ngày.
Vì khách hàng tài chính vi mô thường không có tài sản đáng kể, Dự thảo đề xuất áp dụng tiền gửi tiết kiệm bắt buộc như một cơ chế đảm bảo khoản vay. Đồng thời, Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi khái niệm "tiết kiệm bắt buộc" để phù hợp với hoạt động cho vay của các tổ chức tài chính vi mô. Tổ chức tài chính vi mô có trách nhiệm quy định và công khai mức tiền gửi tiết kiệm bắt buộc và mức lãi suất tương ứng.
Ngoài ra, Dự thảo cũng chi tiết hóa quy định về mức cho vay đối với từng nhóm khách hàng tài chính vi mô, nhằm đảm bảo hiệu quả và phù hợp với từng nhóm khách hàng "dưới chuẩn" khác nhau.
Theo Dự thảo, tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với mỗi khách hàng tài chính vi mô không được vượt quá 50 triệu đồng (đối với nhóm khách hàng a và b) và 100 triệu đồng (đối với nhóm khách hàng c).
Dự thảo này nhằm tăng cường hoạt động và đáp ứng nhu cầu vốn cho các khách hàng tài chính vi mô, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức tài chính vi mô.
Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam phục hồi nửa cuối năm
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0% so với cùng kỳ (từ mức 3,7% trong nửa đầu năm) trong nửa cuối năm. Dữ liệu thương mại được cải thiện liên tục hàng tháng từ đầu năm 2023, cho thấy sự phục hồi rõ ràng hơn trong nửa cuối năm.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0%/Ảnh minh họa |
Theo ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Standard Chartered, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn vẫn rất tích cực khi nền kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định và thực hiện chính sách mở cửa. Lượng khách du lịch liên tục phục hồi sẽ hỗ trợ cán cân dịch vụ.
Ngân hàng này cho rằng, mặc dù các chỉ số kinh tế vĩ mô đã được cải thiện hơn, song vẫn còn tương đối yếu. Hoạt động thương mại tiếp tục suy giảm dẫn đến hoạt động sản xuất và kinh tế chậm lại. Thặng dư thương mại tăng trong quý II, nhưng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo lạm phát năm 2023 được điều chỉnh xuống mức 2,8% (so với trước đó là 4,3%). Những nỗ lực của chính phủ và sự cải thiện trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ là những yếu tố để thúc đẩy dòng vốn đầu tư. Để thu hút FDI, Việt Nam cần đưa tăng trưởng GDP trở về mức cao và phát triển cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng vững chắc, đặc biệt trong lĩnh vực logistic, có thể khuyến khích nhiều nhà sản xuất chuyển đến Việt Nam.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản nữa xuống còn 4,0 % vào quý III (về mức tương tự như trong những năm đại dịch) và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.
Ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN nới lỏng các kỳ hạn vay, bao gồm hoãn trả nợ (lên đến 12 tháng) với lãi suất vay hợp lý. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các nhà phát triển bất động sản có thể thu xếp thanh toán tiền lãi và tiền gốc đến hạn đối với trái phiếu, cũng như tài trợ các dự án và thu xếp vốn lưu động như thế nào. Thị trường bất động sản có thể cần hỗ trợ thanh khoản hơn nữa, vì các biện pháp đã thực hiện cho đến nay dường như mới giúp làm giảm áp lực trả nợ ngắn hạn.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 10/7: Chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ