Tin ngân hàng ngày 12/6: HDBank khóa “room ngoại”
Tin ngân hàng ngày 11/6: NHNN yêu cầu xử lý nghiêm việc mua, bán vàng miếng không phép |
HDBank khóa “room ngoại” còn 17,5%
Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông về việc tạm khóa “room ngoại” xuống 17,5%, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các dự án chiến lược.
Theo tài liệu được công bố, nhằm triển khai có hiệu quả các hạng mục thuộc chiến lược phát triển của HDBank trong thời gian tới, đảm bảo tuân thủ các quy định và phù hợp với nhu cầu đầu tư của các cổ đông nước ngoài, HDBank trình Đại hội đồng Cổ đông thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài còn 17,5%, giảm từ mức 20% hiện được quy định tại Điều lệ.
Tỷ lệ này có thể được điều chỉnh theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông trên cơ sở phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan.
HDBank là một trong số ít ngân hàng lớn chưa lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài. Ngân hàng có hoạt động kinh doanh tăng trưởng cao và liên tục trong hành trình 10 năm đổi mới, cùng dư địa phát triển còn nhiều, đặc biệt ở các mảng ngân hàng số, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, ngân hàng đầu tư, chứng khoán, ngân hàng nông thôn…
Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2024, đại diện các quỹ đầu tư quốc tế hài lòng với kết quả đầu tư đạt được cùng ngân hàng trong nhiều năm qua và tin tưởng triển vọng tăng trưởng cao và bền vững của HDBank, tiếp tục đồng hành ngân hàng triển khai hiệu quả các chương trình chiến lược, mang lại giá trị tốt nhất cho cổ đông, khách hàng và cộng đồng.
Trái phiếu ngân hàng chiếm 87% tổng giá trị phát hành trong tháng 5
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin 1/6/2024, có 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 16.695 tỷ đồng trong tháng 5/2024 và không có đợt phát hành ra công chúng nào.
Ảnh minh họa |
Trong tháng 5/2024, trái phiếu ngân hàng chiếm tới 87% tổng giá trị phát hành, tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, ngược với tình trạng “đóng băng” 3 tháng đầu năm. Các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp 2 tháng qua là: Techcombank, BIDV, MB, HDBank, MSB, Shinhan Việt Nam…
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại là nhằm tăng vốn cấp hai để đáp ứng chuẩn Basel II và Basel III.
Các chuyên gia VIS dự báo, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2024. Quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.
Ngược với trái phiếu ngân hàng, trái phiếu bất động sản vẫn phục hồi khá chậm. Theo thống kê của VBMA, trong tháng 5/2024, trái phiếu xây dựng và bất động sản chỉ chiếm 12,5% tổng giá trị phát hành.
Tính chung từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 71% so với cùng kỳ, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 5/2024 tăng gấp 5 lần so với giá trị phát hành tháng 5/2023. Tỷ lệ trái phiếu phát hành ra công chúng đang tăng nhanh, hiện chiếm 14,8% tổng giá trị phát hành (tăng so với mức 11,9% cuối năm 2023).
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu ấm lên là do nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn rất lớn, đồng thời niềm tin của các nhà , đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức bắt đầu quay lại. Dù vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu lớn. Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là 163.860 tỷ đồng. Trong đó, 42% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 69.627 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 30.498 tỷ đồng, chiếm 19%.
BIDV tìm đối tác đấu giá khoản nợ gần 130 tỷ đồng, tài sản thế chấp là bất động sản
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Thừa Thiên Huế (BIDV Thừa Thiên Huế) vừa có thông báo tìm đối tác tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch - Xây dựng dân dụng - Trang trí nội thất và Thương mại Kim Vinh (Công ty Kim Vinh), nhằm mục đích xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định.
Ảnh minh họa |
Theo BIDV, giá khởi điểm bán đấu giá tạm tính đến ngày 05/6/2024 là hơn 128 tỷ trong đó nợ gốc 90,77 tỷ đồng và nợ lãi là hơn 37,4 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ đầu tiên là quyền sở hữu khu du lịch LE BELHAMY có địa chỉ tại khối Hà My Đông A, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình số 495072058110084 do UBND tỉnh Quảng Nam cấp ngày 03/11/2009 cho Công ty Kim Vinh.
Tài sản đảm bảo nợ thứ 2 là quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 15A/41 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM. Diện tích lô đất là 41,8m2. Diện tích sàn là 148,2m2.
Tài sản đảm bảo khoản nợ thứ 3 là quyền sử dụng đất tại thôn Hà My Đông A, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Diện tích lô đất là 600m2.
Tài sản thứ 4 là quyền sử dụng đất tại thôn 1, xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam. Diện tích lô đất là 210m2.
Tài sản đảm bảo khoản nợ thứ 5 là quyền sử dụng 2 lô đất cùng có địa chỉ tại thôn 1, xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam. Diện tích lô đất là 210m2.
Tài sản đảm bảo khoản nợ thứ 6 là quyền sử dụng đất tại khối Tân Thành, phường Cẩm An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Diện tích lô đất là 250m2.
Tài sản đảm bảo khoản nợ thứ 7 là quyền sử dụng đất tại khối phố Hà My Đông B, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Diện tích lô đất là 200m2.
BIDV sẽ tiến hành bán gộp toàn bộ khoản nợ của khách hàng tại BIDV Thừa Thiên Huế mà không bán lẻ. Giá khởi điểm bán đấu giá là toàn bộ nợ vay của tất cả các khoản nợ tính đến thời điểm ký hợp đồng dịch vụ đấu giá.
Hơn 15 ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm
Hơn 15 ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm từ cuối tháng 5 đến nay, với mức điều chỉnh mạnh nhất đến 1,7%.
Ảnh minh họa |
Theo tìm hiểu, đến ngày 11/6, ít nhất 15 nhà băng tăng lãi suất từ cuối tháng đến nay. Đợt tăng này vẫn đang dừng lại ở nhóm nhà băng tư nhân, còn tại 4 ngân hàng quốc doanh, biểu lãi suất vẫn chưa điều chỉnh trong hai tháng qua.
Số ngân hàng tăng lãi tiền gửi, gồm Eximbank, SeABank, ABBank, BVBank, NamABank, NCB, BacABank, OCB , MB, VPBank, Techcombank, TPBank, MSB, Oceanbank, VietBank, GPBank.
Trong nhóm điều chỉnh, ABBank là nhà băng tăng mạnh nhất, với mức từ 0,4 đến 1,7 điểm phần trăm. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại nhà băng này thêm 1,7 điểm phần trăm, lên 5,4% một năm.
BVBank cũng thay đổi biểu lãi suất từ 0,3 đến 0,8 điểm phần trăm, ghi nhận mức tăng cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng, từ 4,85% lên 5,6%. Để hút tiền gửi từ dân cư, nhà băng này cũng quay lại phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất 5,4% với khoản tiền từ 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hai "ông lớn" tư nhân MB và Techcombank cũng tham gia vào đợt tăng lãi suất, với mức điều chỉnh 0,1- 0,7 điểm phần trăm trong tháng qua, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.
Hiện, ba nhà băng BVBank, ABBank và BacABank trả mức lãi cao nhất hệ thống - 5,6% một năm cho khoản tiền gửi 12 tháng tối đa 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cho người gửi tiền so với tháng trước.
Theo các chuyên gia, động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của các nhà băng, nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng thời gian qua. Tính toán từ đầu năm, kim loại quý ghi nhận tỷ suất sinh lời trên 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm (kỳ hạn 12 tháng) chỉ khoảng 5-6%.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 12/6: HDBank khóa “room ngoại”