Tin ngân hàng ngày 14/6: Tại sao Agribank đóng cửa điểm bán vàng Hội sở chính?
Tin ngân hàng ngày 13/6: NHNN giữ lãi suất điều hành ổn định trong năm 2024 |
Tại sao Agribank đóng cửa điểm bán vàng Hội sở chính?
Từ ngày 13/6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo đơn vị thực hiện cung ứng vàng miếng SJC tại 13 địa điểm trên địa bàn Hà Nội và TPHCM (tăng thêm 5 điểm bán vàng mới). Tuy nhiên, ngân hàng này rút đi một điểm bán tại trụ sở Hội sở chính (số 2 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) - vốn thu hút lượng khách đến mua vàng đông nhất.
Theo Đại diện Agribank, đang chuẩn bị hạ tầng công nghệ để bán vàng trực tuyến từ tuần sau. "Chậm nhất đến ngày 17/6, khách hàng mua vàng miếng tại Agribank có thể đăng ký trực tuyến trên trang thông tin", vị này cho hay.
Như vậy, sau Vietcombank , Agribank là ngân hàng thứ hai sẽ triển khai bán vàng trực tuyến. Phương thức đăng ký cũng tương tự như tại Vietcombank.
Việc này được hai nhà băng triển khai nhằm giải quyết tình trạng khách phải xếp hàng chờ lấy số mua vàng tại các điểm bán. Thậm chí, nhiều khách xếp hàng nhiều ngày cũng không mua được vàng.
Tuy vậy, trước nhu cầu cao từ phía khách hàng, hệ thống đăng ký mua online của Vietcombank hết lượt đặt chỗ chỉ sau vài phút. Một số khách hàng thông báo gặp tình trạng lỗi khi đăng nhập và không kịp đặt trước.
Trước đó, từ ngày 3/6, 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn bán vàng cho người dân, tình trạng hàng dài người xếp hàng chờ lấy số diễn ra. Nhiều khách phải xếp hàng từ 4 - 5h sáng nhưng vẫn không mua được vàng.
Theo Vietcombank, với dịch vụ đặt mua trực tuyến, khách hàng không mất thời gian xếp hàng chờ lấy số, ngân hàng sử dụng thông tin đăng ký để giao dịch, nên tiết kiệm thời gian.
Ngày 14/6, giá vàng SJC vẫn phổ biến quanh mức 75 - 77 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra ở các các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như Công ty SJC, PNJ, Doji. Bốn ngân hàng tham gia bán vàng bình ổn Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cũng niêm yết giá bán 76,98 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, một số đơn vị kinh doanh vàng khác niêm yết giá vàng SJC lên tới 79 - 80 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chẳng hạn như Eximbank sáng nay niêm yết giá bán vàng SJC lên tới 79,68 triệu đồng/lượng, đến chiều nay điều chỉnh xuống 78,98 triệu đồng/lượng. ACB cũng niêm yết giá bán ra vàng SJC gần 80 triệu đồng/lượng (79,98 triệu đồng/lượng).
Eximbank triển khai gói vay 5.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp SME
Mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam ( Eximbank) triển khai gói vay 5.000 tỷ đồng với tên gọi E-Fast, lãi suất cố định 5,25% nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SME.
Ảnh minh họa |
Theo đại diện Eximbank, một trong những khó khăn phổ biến của doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh nghiệp SME) hiện nay là tình trạng thiếu hụt vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải liên tục cải tiến quy định, cung cấp nhiều gói vay linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi và hiệu quả hơn.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo số lượng SME tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Mặc dù được đánh giá là trụ cột của nền kinh tế khi đóng góp tới hơn 40% GDP, nhưng doanh nghiệp SME phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo "tình hình hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2023" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có đến 65% doanh nghiệp SME cho biết đang thiếu hụt vốn để hoạt động kinh doanh, 52% đơn vị phải cắt giảm sản xuất, 48% doanh nghiệp SME phải sa thải nhân công do thiếu vốn.
Theo đại diện Eximbank, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp SME khó tiếp cận vốn vay bởi thường không đáp ứng đủ yêu cầu cấp tín dụng như: tài sản bảo đảm không đủ điều kiện; thông tin tài chính không rõ ràng. Thêm vào đó, các đơn vị này chưa dành nhiều thời gian để xây dựng và duy trì quan hệ tín dụng lâu dài với các ngân hàng và tổ chức tài chính.
Ngày 30/5, Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thực hiện giải pháp giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình vay. Những biện pháp này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Từ đó, Eximbank đầu tư 5.000 tỷ đồng cho gói tín dụng E-Fast với lãi suất cố định 5,25%. Gói được thiết kế chuyên biệt cho khách hàng SME có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi và quy trình đơn giản hóa. Hạn mức cấp tín dụng đến 15 tỷ đồng, thời gian duyệt hồ sơ khoảng 4h.
LPBank huy động thành công 80 triệu USD từ ADB
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) công bố ký kết thành công khoản vay hợp vốn trị giá 80 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ (dự án WSME) tại Việt Nam.
Theo thỏa thuận, LPBank sẽ nhận khoản vay trực tiếp trị giá 80 triệu USD từ ADB. Đây là khoản vay hợp vốn trung hạn, không có tài sản đảm bảo với thời hạn 3 năm nhằm đẩy mạnh tài trợ vốn cho Dự án thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ (Dự án WSME).
Khoản vay cũng đi kèm với gói viện trợ kỹ thuật trị giá 750.000 USD do Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ doanh nhân (We-Fi) tài trợ. Với gói viện trợ này, các khách hàng WSME sẽ được LPBank đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông qua các sản phẩm, sáng kiến và dịch vụ hiện đại, tiện ích.
Việc huy động thành công khoản vay hợp vốn từ ADB minh chứng cho sự tin tưởng và đánh giá tích cực từ các tổ chức tài chính quốc tế dành cho LPBank. Điều này cũng khẳng định cam kết của LPBank trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam tiếp cận nguồn vốn vay linh hoạt, an toàn và hiệu quả.
Việc ký kết thành công khoản vay hợp vốn trị giá 80 triệu USD từ ADB khẳng định sự tin tưởng và đánh giá cao từ các tổ chức tài chính quốc tế dành cho LPBank.
Song song với hoạt động nâng cấp và mở rộng hệ sinh thái tài chính hiệu quả, LPBank chú trọng xây dựng chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Từ đầu năm 2024 đến nay, LPBank đã triển khai đồng loạt nhiều gói tài trợ vốn vay với hạn mức lớn như: Chương trình "Cho vay siêu tốc – Bứt tốc kinh doanh" dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm; Chương trình "Ưu đãi lãi suất – Mở lối giao thương" hỗ trợ Doanh nghiệp Xuất nhập khẩu, tổng hạn mức lên tới 5.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay USD ưu đãi chỉ từ 4%/năm và lãi suất cho vay VND ưu đãi chỉ từ 6,15%/năm.
Thanh toán không tiền mặt tăng trưởng mạnh
Báo cáo đánh giá kết quả thanh toán không tiền mặt từ Payoo cho hay, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) ghi nhận mức tăng chi tiêu khá cao, với số lượng và giá trị giao dịch qua hệ thống tăng lần lượt 38% và 54% (so với cùng kỳ năm trước). Hình thức thanh toán qua thẻ quốc tế vẫn thống trị nhưng giảm nhẹ với 65% số lượng giao dịch, tiếp đến là hình thức quét mã QR với 30% và thẻ nội địa với 5%.
Ảnh minh họa |
Ngoài ăn uống, du lịch cũng là mảng được phục hồi mạnh mẽ với số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng cao. Ghi nhận của Payoo trong nửa đầu năm nay cho thấy tỷ lệ sử dụng thẻ quốc tế phát hành tại nước ngoài qua nền tảng thanh toán hệ thống tăng 2,6 lần về số lượng và 2,5 lần, tập trung chủ yếu ở các hoạt động ăn uống, mua sắm tại trung tâm thương mại.
Bên cạnh lượt khách quốc tế chi tiêu cho du lịch, dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5 vừa qua đã trở thành động lực khiến lượng khách trong nước tích cực mua các tour du lịch nội địa. Thanh toán không tiền mặt cho dịch vụ mua tour cho riêng tháng 4/2024 đã tăng 2,5 lần. Theo dự kiến, thời điểm sắp tới sẽ là cao đỉểm du lịch hè, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp đà để có mức tăng bùng nổ hơn nữa.
Ở lĩnh vực bán lẻ, dược phẩm ghi nhận mức tăng hai lần số lượng và 2,4 lần giá trị giao dịch. Trong khi đó, thiết bị công nghệ có số lượng và giá trị giao dịch tăng gấp hai lần. Nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giữ đà ổn định với mức tăng trưởng 50% số lượng và 30% giá trị. Đặc biệt, nhóm trung tâm thương mại - nơi tập trung các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm và F&B cũng ghi điểm với kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, tăng 30% số lượng và 15 % giá trị.
Theo dự báo, nửa cuối năm 2024 sẽ là thời kỳ phục hồi mạnh mẽ của ngành bán lẻ nhờ vào hai mùa cao điểm mua sắm là mùa hè và mùa lễ hội cuối năm. Các chương trình khuyến mại từ các tổ chức tài chính, từ chính các nhãn hàng cộng hưởng với “tháng khuyến mại tập trung” do sở công thương các địa phương phát động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kích cầu tiêu dùng và tạo động lực cho nền kinh tế.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 14/6: Tại sao Agribank đóng cửa điểm bán vàng Hội sở chính?