Tin ngân hàng ngày 17/8: Doanh nghiệp được “nới” điều kiện vay vốn nước ngoài
Tin ngân hàng ngày 16/8: Yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2% Tin ngân hàng ngày 15/8: Yêu cầu hạn chế nợ xấu, không ép khách mua bảo hiểm |
Doanh nghiệp được “nới” điều kiện vay vốn nước ngoài
Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định điều kiện vay vốn nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có hiệu lực, gỡ vướng cho doanh nghiệp trong vay vốn từ nước ngoài.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trước đây, điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh được NHNN quy định tại Thông tư 12/2014/TT-NHNN ngày 31/03/2014 (Thông tư 12). Theo đánh giá của Vụ Quản lý ngoại hối, trong những năm qua Thông tư 12 đã đặt ra khuôn khổ quản lý về điều kiện vay nước ngoài đối với doanh nghiệp không có bảo lãnh Chính phủ, phù hợp với bối cảnh kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động vay trả nợ nước ngoài tự vay tự trả chịu tác động lớn từ những biến động trên thị trường tài chính quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế thời gian gần đây có nhiều biến động phức tạp, khó lường thì việc điều chỉnh quy định về điều kiện vay nước ngoài là hết sức cần thiết. Do vậy, Thông tư 08 được sửa theo hướng tập trung giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư 12, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện vay nước ngoài.
Theo bà Hoàng Thị Huyền Trang - Phó trưởng Phòng Quản lý vay và cho vay nước ngoài, Vụ Quản lý ngoại hối, Thông tư 08 so với Thông tư 12 đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện vay nước ngoài như: Không yêu cầu so sánh chi phí vay khi cơ cấu nợ nước ngoài; Không yêu cầu các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm phải tuân thủ điều kiện vay; Bổ sung quy định rõ về phương án sử dụng vốn vay, phương án cơ cấu khoản vay; tỷ giá tính toán giới hạn vay…
Thông tư 08 không thay đổi phương thức quản lý đối với cả khoản vay nước ngoài ngắn hạn và trung dài hạn, giảm 01 thủ tục hành chính liên quan đến chấp thuận khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam và không làm phát sinh thêm bất kỳ thủ tục hành chính nào so với Thông tư 12. Việc quy định rõ ràng điều kiện vay nước ngoài tại Thông tư này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc huy động vốn vay nước ngoài vào sản xuất kinh doanh trong phạm vi hợp lý và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia.
Agribank triển khai tín dụng ưu đãi đối với khách hàng SME năm 2023
Nhằm tiếp tục đồng hành và phát triển cùng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Agribank dành 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng SME với lãi suất hấp dẫn.
Chương trình áp dụng đối với khách hàng SME (không bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn - bán lẻ) nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Lãi suất ưu đãi của chương trình giảm đến 0,7%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, tùy theo từng kỳ hạn. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Chương trình áp dụng đối với các khoản giải ngân ngắn hạn bằng VND. Khi tham gia chương trình, các doanh nghiệp không chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi mà còn được tư vấn sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thanh toán và quản lý dòng tiền, dịch vụ Thẻ, dịch vụ Thanh toán quốc tế, Mua bán ngoại tệ… nhằm đồng bộ giải pháp tài chính, tối ưu các hoạt động thanh toán và giảm chi phí sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Bên cạnh đó, Agribank còn dành hơn 50.000 tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng xuất nhập khẩu; lĩnh vực lâm sản, thủy sản; cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước; cán bộ, công nhân viên ngành y tế… với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,3% đến 2%/năm so với lãi suất hiện hành, tùy từng mục đich và thời hạn vay.
Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng SME kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi hết ngân sách của chương trình và được áp dụng rộng rãi tại 2.300 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc.
Vietcombank bổ nhiệm loạt nhân sự cấp cao
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo bổ nhiệm cùng lúc 2 Phó tổng giám đốc và người phụ trách Kế toán.
Cụ thể, Vietcombank sẽ miễn nhiệm chức danh kế toán trưởng đối với ông Lê Hoàng Tùng, đồng thời bổ nhiệm ông Tùng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc ngân hàng trong vòng 5 năm. Ngày bắt đầu có hiệu lực là 15/8/2023.
Thay thế cho ông Tùng, Vietcombank cũng đã bổ nhiệm bà Lê Thị Huyền Diệu - Trưởng phòng Chính sách tài chính Kế toán trụ sở chính Vietcombank đảm nhiệm chức vụ người phụ trách kế toán của Vietcombank, thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của Kế toán trưởng ngân hàng này.
Ngoài ra, Vietcombank cũng bổ nhiệm thêm một Phó tổng giám đốc khác là ông Hồ Văn Tuấn. Trước khi đảm nhiệm vị trí này, ông Tuấn giữ chức vụ Giám đốc Vietcombank chi nhánh Sở giao dịch.
Với việc bổ nhiệm 2 phó tổng giám đốc mới, Ban điều hành Vietcombank có tổng cộng 10 thành viên với ông Nguyễn Thanh Tùng làm Tổng giám đốc và 9 Phó Tổng giám đốc.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của Vietcombank đạt lần lượt 20.499 tỷ đồng và 16.420 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022.
Với con số trên, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận trong ngành ngân hàng, bỏ xa “ông lớn” đứng thứ hai là BIDV (LNTT 13.862 tỷ đồng) và ngân hàng đứng đầu nhóm tư nhân Techcombank (LNTT 11.272 tỷ đồng).
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản Vietcombank dừng ở mức hơn 1,704 triệu tỷ đồng, giảm 109.542 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương giảm hơn 6%. Trong đó, dự nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng 2,9%, lên 1,178 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nội bảng tăng 25% lên mức 9.783 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên mức 0,83%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ mức 317% lên 385%.
Bên phía nguồn vốn, các khoản nợ chính phủ và Ngân hàng Nhà nước của Vietcombank giảm 65.044 tỷ, xuống còn hơn 2.270 tỷ đồng. Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác giảm 71.849 tỷ, xuống 160.661 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng tăng hơn 83.385 tỷ (tương đương 6,7%) lên gần 1,327 triệu tỷ đồng.
MB Bank nâng vốn điều lệ lên cao thứ hai hệ thống ngân hàng
Ngày 16/8, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thông tin liên quan đến việc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) đã hoàn tất việc sửa đổi nội dung vốn điều lệ trong giấy phép thành lập và hoạt động, điều chỉnh tăng từ 45.340 tỷ đồng lên 52.141 tỷ đồng.
MB Bank nâng vốn điều lệ lên cao thứ hai hệ thống ngân hàng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Việc tăng vốn điều lệ đã được ngân hàng thực hiện trong tháng 7 thông qua việc phát hành 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền nhận được 15 cổ phiếu mới.
Sau khi tăng vốn điều lệ, MB đã trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, sau VPBank đang có vốn điều lệ 67.434 tỷ đồng, vượt các ông lớn thuộc Big 4 như Vietcombank vốn điều lệ hiện tại hơn 47.000 tỷ đồng, VietinBank vốn điều lệ hơn 48.000 tỷ đồng và BIDV vốn điều lệ gần 51.000 tỷ đồng.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 17/8: Doanh nghiệp được “nới” điều kiện vay vốn nước ngoài