Tin ngân hàng ngày 17/8: Nợ xấu ngân hàng dự báo tiếp tục tăng
Tin ngân hàng ngày 16/8: Cảnh giác với các cuộc gọi mạo danh nhân viên ngân hàng Tin ngân hàng ngày 15/8: Ngân hàng nhà nước sắp triển khai gói vay ưu đãi cho người lao động |
Nợ xấu ngân hàng dự báo tiếp tục tăng
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. Đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5).
|
Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cho thấy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vọt tăng từ 3% hồi đầu năm lên 11% vào cuối tháng 6/2022. Trong đó, các nhóm nợ đều tăng khá mạnh, đặc biệt nhóm nợ xấu nhất là nợ nhóm 5 tăng hơn 140% lên 1.130 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank) cũng tiếp tục tăng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 3,65% lên 3,91%. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng 19% so với đầu năm và có sự dịch chuyển mạnh từ nợ nghi ngờ (-42%) sang nợ có khả năng mất vốn (+61,5%).
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank giảm nhẹ từ 2,34% hồi đầu năm xuống 2,3%, nhưng nợ nhóm 5 tăng 20% so với thời điểm đầu năm và chiếm tới 58% tổng nợ xấu, tổng dư nợ tuyệt đối tăng 10,7%.
3 ngân hàng gồm VIB, ACB và TPBank cùng ghi nhận nợ nhóm 5 tăng trên 50%. Trong đó VIB ghi nhận nợ xấu nhóm 5 là 2.210 tỷ đồng (tăng 68%), ACB ở mức 2.190 tỷ đồng (tăng 59%) và TPBank ghi nhận 448 tỷ đồng (tăng 51%).
Theo thống kê của FiinGroup, tính đến hết 30/6, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận 120.938 tỷ đồng tăng 20%, riêng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 40% lên hơn 62.316 tỷ đồng, chiếm 51,5% trên tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng từ 1,84% thời điểm đầu năm lên 2,13%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 113% lên 118%.
Trước đó, báo cáo nghiên cứu về ngân hàng do Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện, nhiều chuyên gia tham gia khảo sát nhận định, nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh, khi sức ảnh hưởng của đại dịch lên bảng cân đối kế toán của ngân hàng được dự báo còn tiếp tục kéo dài do DN chưa thể phục hồi.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tiếp tục tăng khi ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và DN do dịch Covid-19 đã hết hạn vào 30/6 và NHNN không gia hạn.
Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bà Ngô Thu Hà giữ chức vụ Tổng Giám đốc SHB
Ngày 15/8, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 5631/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận Bà Ngô Thu Hà giữ chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB. Tiếp theo, Hội đồng Quản trị SHB sẽ tiến hành các thủ tục để bổ nhiệm Tổng Giám đốc theo quy định của Pháp luật và quy định của SHB.
Trước đó, ngày 20/07/2022, Bà Ngô Thu Hà được Hội đồng Quản trị SHB tin tưởng, giao trọng trách Quyền Tổng Giám đốc. Bà Ngô Thu Hà sinh năm 1973, là Tiến sỹ Kinh tế. Bà đã có 28 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và hơn 11 năm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc SHB. Trong suốt thời gian công tác tại SHB, bà Ngô Thu Hà đã đảm trách nhiều vị trí quan trọng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, góp phần cùng SHB phát triển vượt bậc, đứng trong Top 5 Ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam.
Việc NHNN chấp thuận nhân sự Tổng Giám đốc có ý nghĩa quan trọng với SHB nhằm tăng cường năng lực quản trị điều hành, góp phần thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ theo định hướng chiến lược trung và dài hạn của ngân hàng, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả, áp dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu và là ngân hàng số được yêu thích nhất.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của SHB lên 26.674 tỷ đồng. Việc liên tục nâng vốn thành công trong thời gian qua chính là nền tảng quan trọng giúp SHB ngày càng khẳng định và nâng cao uy tín với cộng đồng đầu tư trong nước và nước ngoài cũng như các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế.
Với kết quả kinh doanh tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm, mục tiêu tổng lợi nhuận tối thiểu 11.686 tỷ trong năm 2022 của SHB là hoàn toàn khả quan. Khả năng sinh lời tốt và vốn điều lệ không ngừng được nâng cao là tiền đề để SHB tuân thủ Basel II nâng cao, đón đầu Basel III, tạo dựng nền tảng quản trị rủi ro vững chắc, đảm bảo quá trình phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
Mức nới 'room' tín dụng cho các ngân hàng sẽ không mạnh và phân hóa
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần 8-12/8, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho rằng đồng USD dự kiến sẽ không có nhiều biến động mạnh trước cuộc họp Fed tháng 9. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn có thể sử dụng dự trữ ngoại hối và do vậy thời gian tới là thời điểm thích hợp để NHNN cân nhắc việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NHTM. Tuy vậy, SSI Research cho rằng mức tăng sẽ không mạnh và phân hóa giữa các ngân hàng.
Nhìn chung, nhóm phân tích cho rằng NHNN đang thực hiện điều hành chính sách tiền tệ tương đối linh hoạt với sự điều tiết của hoạt động thị trường mở nhằm có thể cân bằng các yếu tố lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Trong thời gian ngắn sắp tới, áp lực lạm phát phần nào hạ nhiệt (khi giá xăng dầu và hàng hóa như phân bón, thép,.. giảm) và diễn biến tỷ giá cũng đã dần ổn định hơn (chênh lệch giữa tỷ giá chợ đen và niêm yết đã được thu hẹp lại).
Khối lượng giao dịch hợp đồng mua kỳ hạn giảm về còn 365 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối tuần trước, từ mức đỉnh là 15.000 tỷ đồng và chỉ có một thành viên tham gia đấu thầu. NHNN vẫn duy trì phương thức đầu thầu lãi suất, với lãi suất trúng thầu giảm dần từ trên 4% xuống còn 3,8%.
Trong khi đó, trong phiên giao dịch ngày thứ 6 (12/8), NHNN quay trở lại phát hành 9.700 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày ở lãi suất 2,6% với 4 thành viên tham gia đấu thầu. Tính chung cả tuần, NHNN bơm ròng gần 34.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lượng tín phiếu đáo hạn ở mức cao.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm và kết tuần ghi nhận ở mức 2,7%, thấp hơn khoảng 170 điểm cơ bản so với cuối tuần trước. Trong tuần này, có khoảng 21.000 tỷ đồng tín phiếu và 7.700 tỷ OMO đáo hạn, đưa khối lượng bơm ròng ước tính là 14.000 tỷ đồng. SSI Research kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục phát hành tín phiểu nhằm đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên mức an toàn hơn để duy trì mức chênh lệch dương giữa lãi suất VND và USD.
Ngân hàng Shinhan Việt Nam tiếp tục là nơi làm việc tốt nhất châu Á
Năm 2022 là lần thứ 4 liên tiếp Ngân hàng Shinhan Việt Nam được tạp chí HR Asia trao giải Nơi làm việc tốt nhất châu Á.
|
Hội đồng giám khảo của giải thưởng đánh giá cao Ngân hàng Shinhan Việt Nam trong việc nỗ lực xây dựng môi trường làm việc lý tưởng dựa tên 3 tiêu chí chính. Thứ nhất là kết quả thông tin độc lập thu thập được trên các phương tiện truyền thông, báo chí và quan điểm của các chuyên gia trong ngành. Thứ hai là, kết quả khảo sát từ nhân viên của công ty - đánh giá mức độ gắn kết của nhân viên với môi trường làm việc. Thứ ba là, kết quả phỏng vấn trực tiếp ban lãnh đạo: đánh giá về mức độ hiệu quả của những chính sách và chiến lược nhân sự bền vững của công ty.
Ngoài các tiêu chí này, ngân hàng cũng nhận được nhận xét tích cực từ phía hội đồng giám khảo ở khả năng linh hoạt ứng phó trước những trở ngại và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, nhà băng này đã thành lập ban Kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh với thành phần là các lãnh đạo chủ chốt, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, đảm bảo xuyên suốt các hoạt động vận hành, kinh doanh và kết nối với cán bộ, nhân viên.
Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ nhân viên trong suốt thời gian dịch bệnh khó khăn, như làm việc từ xa, hỗ trợ chi phí xét nghiệm PCR, trợ cấp cho nhân viên nhiễm Covid-19...
Năm 2022, Ngân hàng Shinhan định hướng phát triển theo mô hình ngân hàng thân thiện, trong đó chú trọng mục tiêu xây dựng môi trường làm việc lý tưởng, mở rộng cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến cho nhân viên, thông qua phương pháp đo lường hiệu quả công việc OKR (Object Key Result).
"Nơi làm việc tốt nhất châu Á" là giải thưởng quốc tế thường niên uy tín trong khu vực châu Á, đánh giá về môi trường làm việc của hàng trăm doanh nghiệp có quy mô lớn và mức độ tăng trưởng tốt. Trước đó, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã từng được vinh danh tại hạng mục giải thưởng danh giá này trong ba năm liền (2019, 2020 và 2021).
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 17/8: Nợ xấu ngân hàng dự báo tiếp tục tăng