Tin ngân hàng ngày 1/9: Vì sao FE Credit lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2023?
Tin ngân hàng ngày 31/8: Giao dịch bằng mã QR động - Giải pháp an toàn cho người tiêu dùng Tin ngân hàng ngày 30/8: Thêm nhiều điều kiện trong hoạt động vay vốn |
Tại sao FE Credit lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2023?
Theo Báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) vừa công bố, nguyên nhân thua lỗ là do tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. Tình hình kinh tế khó khăn và quá trình phục hồi sau COVID chậm hơn nhiều so với dự kiến ảnh hưởng lớn tới tài chính của các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của FE Credit.
FE Credit lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2023/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận lỗ 2.996 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 144 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm từ 15.917 tỷ đồng xuống còn 10.250 tỷ đồng.
Hệ số Nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 4,02 lên 5,43 lần và dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 14,45% lên 23,41%.
Như vậy, đến cuối quý II/2023, Nợ trái phiếu và Nợ phải trả của FE Credit lần lượt là 2.400 tỷ và 55.658 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2022, FE Credit có lãi 144 sau thuế, nhưng kết quả kinh doanh cả năm vẫn ghi nhận khoản lỗ kỷ lục lên tới 3.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ là do tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. Tình hình kinh tế khó khăn và quá trình phục hồi sau COVID chậm hơn nhiều so với dự kiến ảnh hưởng lớn tới tài chính của các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của FE Credit.
Tiền thân là Khối Tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), FE Credit đã thành công trong việc chuyển đổi hoạt động Tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập mới với tên gọi Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (được nhận diện với Thương hiệu FE Credit) vào tháng 02/2015.
Tháng 10/2021, VPBank hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ của FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cũng được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC.
HSBC báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm gấp 2,4 lần cùng kỳ
Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (HSBC Việt Nam) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2023 với kết quả kinh doanh ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt 3.315 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi sau thuế đạt 2.649 tỷ đồng, tăng 141%.
Tại HSBC Việt Nam, động lực tăng trưởng chính của ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần, tăng tới 157% so với cùng kỳ và đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Chi phí lãi và các chi phí tương tự của HSBC Việt Nam dù tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ, nhưng cũng chỉ ở mức 410 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (hơn 4.400 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, một số mảng kinh doanh khác cũng có kết quả tích cực, chẳng hạn như lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 432 tỷ, tăng 8% so với cùng kỳ. Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt gần 14 tỷ (cùng kỳ không phát sinh lãi/lỗ).
Mảng kinh doanh ngoại hối lại kém khả quan, ghi nhận lãi thuần 372 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.
Tổng thu nhập hoạt động của HSBC Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 4.913 tỷ đồng, tăng 84%. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ tăng 14% lên 1.498 tỷ.
Chi phí dự phòng tăng khá mạnh (gấp 4 lần) lên gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí dự phòng này rất thấp so với các ngân hàng nội địa cùng quy mô. Điều này khá dễ hiểu bởi nợ xấu của HSBC Việt Nam chỉ ở mức 277 tỷ đồng, chiếm 0,17% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của ngân hàng đạt 244%.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản HSBC Việt Nam đạt 190.291 tỷ đồng, giảm 4,2% so với đầu năm chủ yếu do tiền gửi tại các TCTD khác giảm 9,9% xuống 97.993 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 1% lên 63.781 tỷ đồng.
Về huy động vốn, tiền gửi của khách hàng tại HSBC Việt Nam giảm 6,2% xuống 164.531 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 23,8% lên 2.599 tỷ đồng.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng lên tới 18,23% (trong khi yêu cầu của Basel II chỉ 8%). Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là -3,12% (tổng dư nợ cho vay trung và dài hạn nhỏ hơn số dư tổng nguồn vốn trung và dài hạn). Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 36,52%.
Chủ hộ kinh doanh có thể vay đến 20 tỷ đồng tại MSB với lãi suất ưu đãi
Với mong muốn sẻ chia, đồng hành cùng khách hàng vượt khó giai đoạn cuối 2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay kinh doanh thế chấp ngắn hạn, với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,99%/năm.
Nắm bắt nhu cầu nhóm khách hàng cá nhân là các chủ cơ sở kinh doanh luôn cần nguồn vốn kịp thời để tăng tốc kinh doanh từ nay đến 31/12/2023, MSB triển khai nhiều gói vay ưu đãi với hạn mức lên đến 20 tỷ đồng.
Cụ thể, với gói lãi suất “Vốn lớn lãi rẻ - Bứt phá kinh doanh”, tất cả khách hàng khi vay kinh doanh ngắn hạn có tài sản bảo đảm sẽ được cấp vốn với lãi suất 9,5%/năm*. Đặc biệt, khách hàng mới hoặc đang vay tín chấp tại MSB khi có nhu cầu vay thêm vốn phục vụ hoạt động kinh doanh sẽ được hưởng mức lãi suất chỉ còn 8,99%/năm.
Bên cạnh đó, MSB cũng triển khai gói lãi suất “Kinh doanh gắn kết - Hưởng lãi tri ân” dành cho khách hàng hiện hữu đang sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán tại MSB. Theo đó, khách hàng hiện hữu tại MSB phát sinh nhu cầu vay kinh doanh sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,99% khi duy trì số dư trên tài khoản thanh toán MSB từ 3 đến 6 tháng.
Với các gói tín dụng ưu đãi trên, MSB hỗ trợ đa mục đích vay của khách hàng, từ việc bổ sung vốn lưu động, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải đến mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh với lãi suất hấp dẫn, giúp khách hàng chủ động và dễ dàng năm bắt cơ hội kinh doanh.
Ngoài cung cấp nguồn vốn ưu đãi lãi suất một cách kịp thời cho hoạt động kinh doanh, MSB cũng cung cấp các giải pháp tài chính cá nhân cho các chủ kinh doanh: Gói vay kinh doanh tín chấp hạn mức liên thông giữa chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp tới 1,5 tỷ đồng - thủ tục đơn giản chỉ với 1 bộ hồ sơ duy nhất; thẻ tín dụng siêu miễn phí rút tiền, miễn phí thường niên trọn đời...
Shinhan Bank Việt Nam lãi sau thuế 2.392 tỷ đồng
Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Shinhan Bank công bố lợi nhuận sau thuế đạt 2.392 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 14,69% đầu năm lên 17,47%. Tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tứ 41 tăng từ 17,84% lên 20,43%.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/06/2023 là 27.613 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu từ 5,92 lần đầu năm giảm xuống còn 4,72 lần. Đồng thời, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 0,11 lần xuống còn 0,1 lần.
Ngân hàng TNHH Một Thành Viên Shinhan Việt Nam là ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc - thành viên của Tập đoàn Tài chính Shinhan (Shinhan Financial Group).
Theo tìm hiểu, Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc hiện có mặt tại 20 quốc gia với mạng lưới 168 chi nhánh/phòng giao dịch. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Shinhan Hàn Quốc đang hoạt động tại các thị trường sau: Việt Nam, Indonesia, Singapore, Philipines, Myanmar, Campuchia.
Từ năm 1993, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã có đại diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện đầu tiên tại TPHCM. Với 30 năm thành lập và phát triển, Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã mở rộng mạng lưới hoạt động khắp miền Bắc, Trung và Nam.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 1/9: Vì sao FE Credit lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2023?