Tin ngân hàng ngày 19/1: Ngân hàng “ngóng” room tín dụng năm 2023
Tin ngân hàng ngày 18/1: Dự trữ ngoại hối cuối năm 2023 có thể lấy lại mốc hơn 100 tỷ USD Tin ngân hàng ngày 17/1: SMBC xác nhận không còn là cổ đông lớn của Eximbank |
Ngân hàng “ngóng” room tín dụng năm 2023
Mới đây có tin đồn, NHNN sắp cấp room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, dự kiến ngay trong tháng 1/2023. Theo đó, các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng khoảng 10-12% tùy sức khỏe từng ngân hàng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị NHNN phân bổ chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các tổ chức tín dụng có cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua đại hội đồng cổ đông vào tháng 4.
Năm 2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 14,5% - mức tăng cao nhất 5 năm trở lại đây. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2023, NHNN có thể xem xét tăng cung tiền để hỗ trợ nền kinh tế do áp lực từ bên ngoài giảm và Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu lạm phát cao hơn (4,5%). Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, tín dụng năm 2023 sẽ giảm tốc, chỉ tăng khoảng 12-13%, xuất phát từ nền cao năm 2022.
Bên cạnh ngóng room tín dụng, nhiều ngân hàng đang mong chờ NHNN sớm sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN điều chỉnh các quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo hướng phù hợp hơn với thị trường. Dự kiến, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) sẽ được nâng từ 85% lên 90%, sẽ giúp giải phóng một lượng vốn lớn ra nền kinh tế.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, việc NHNN sớm công bố room tín dụng và ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 22 là tiền đề quan trọng để các ngân hàng cân đối vốn, từ đó chủ động về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề xuất NHNN xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Việc gỡ room tín dụng cho khối Big 4 sẽ không ảnh hưởng đến công tác điều hành của NHNN do các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ.
Lợi nhuận VIB năm 2022 tăng 32%, ROE liên tục đạt trên 30%
Kết thúc năm 2022, VIB đạt kết quả lợi nhuận trước thuế hơn 10.580 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm trước. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ. Cụ thể, tổng doanh thu tăng trưởng 21%, tiếp tục cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động 17%, góp phần giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) của VIB xuống còn 34%, thuộc nhóm ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VIB đạt hơn 343 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 234 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%, riêng tiền gửi huy động từ khách hàng tăng trưởng hơn 15,3% đến từ việc gia tăng mạnh mẽ cơ sở khách hàng bán lẻ chất lượng. Biên lãi ròng (NIM) đạt mức 4,5% nhờ chiến lược tập trung vào bán lẻ và nguồn vốn huy động trung dài hạn chất lượng, đồng thời duy trì tính ổn định của thanh khoản và lãi suất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Hiệu quả sinh lời (ROE) của VIB thuộc top đầu ngành với 3 năm liên tục đạt mức trên 30%. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,7%, cao hơn đáng kể so với mức 8% của Ngân hàng Nhà nước. Với nền tảng quản trị rủi ro vững mạnh, VIB kiểm soát nợ xấu ở mức thấp 1,79%.
Vừa qua, VIB đã công bố Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông phê duyệt phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 là 10% trên vốn điều lệ. Dựa trên kết quả lợi nhuận năm 2022, VIB có thể chia cổ tức lên đến hơn 35%, bao gồm cả cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, VIB sẽ trình kế hoạch chia cổ tức tiếp theo để lấy ý kiến phê duyệt của cổ đông và triển khai thực hiện sớm trong năm.
66% người trưởng thành có tài khoản thanh toán
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đến nay đã có 66% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán. Trong việc thực hiện giao dịch từ xa, có 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Cũng với phát triển tài khoản thanh toán, Mobile Money cũng đang trong giai đoạn thí điểm và đang gia tăng. Đến nay cũng đã có 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có đến gần 660.000 là khách hàng ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Nhiều ngân hàng Việt Nam đã có trên 90% giao dịch trên kênh số.
Thống kê của NHNN cho thấy riêng năm 2022, đã có 359 cuộc họp trực tuyến chiếm 44% tổng cuộc họp, tiếp khách của NHNN trong năm 2022. Cổng Dịch vụ công NHNN đã liên thông Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để sử dụng chung Hệ thống xác thực và công khai cho người dân, doanh nghiệp tình hình kết quả giải quyết thủ tục hành chính của NHNN.
Cổng Dịch vụ công NHNN cũng đã kết nối với Hệ thống của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).
Hiện tại, Cổng DVCQG được triển khai vận hành trên nền tảng thanh toán đã kết nối với 4 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV), cùng các trung gian thanh toán cho phép cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt từ tài khoản của 43 ngân hàng đối với dịch vụ tại 12 bộ, ngành và 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Agribank tài trợ 10 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội tỉnh Nam Định
Tại chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết 2023” với đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động và nhân dân tỉnh Nam Định do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với tỉnh Nam Định và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, Agribank đã trao tặng 10 tỷ đồng tài trợ cho phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế và hỗ trợ người nghèo tỉnh Nam Định.
Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng trao tặng 10 tỷ đồng tài trợ cho phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế và hỗ trợ người nghèo tỉnh Nam Định/ Ảnh:TN/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Là một trong những ngân hàng thương mại chủ lực của Nhà nước, giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư tín dụng tam nông, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong việc thực thi chính sách tiền tệ. Song hành với hoạt động kinh doanh, trách nhiệm với đất nước và cộng đồng luôn được Agribank thể hiện qua công tác an sinh xã hội.
Agribank luôn tích cực triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động an sinh xã hội giàu ý nghĩa, nhân văn, hướng tới cộng đồng và vì sự phát triển của cộng đồng. Hàng năm, Agribank đều dành khoảng 400 trăm tỷ đồng để tài trợ vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; tài trợ giáo dục, y tế, hỗ trợ người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh…
Trong năm 2022, trước những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, cũng như những biến động mạnh của thị trường tài chính thế giới ảnh hưởng tới hoạt động của nền kinh tế và đời sống của cộng đồng, Agribank đã dành hơn 600 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trên khắp các địa phương của cả nước.
Trong dịp chuẩn bị đón Xuân 2023, Agribank dành hơn 90 tỷ đồng phối hợp cùng chính quyền, mặt trận tổ quốc địa phương tại 63 tỉnh thành, tặng quà cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội... Mới đây, Agribank cũng đã tài trợ 5 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội tại tỉnh Hải Dương nhân dịp đón Xuân Quý Mão 2023.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 19/1: Ngân hàng “ngóng” room tín dụng năm 2023