Tin ngân hàng ngày 20/3: MSB chào bán hai tàu biển chở hàng
Tin ngân hàng ngày 19/3: NHNN hút 90.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong 6 phiên Tin ngân hàng ngày 18/3: Vay trên 100 triệu đồng phải cung cấp thông tin người liên quan |
MSB chào bán hai tàu biển chở hàng
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố thông tin chào bán 2 tàu biển chở hàng HAI PHUONG GLORY, VTB 36 đã qua sử dụng với giá bán lần lượt là 38 tỷ đồng, 36 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Giá bán đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng chưa bao gồm các khoản thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng, cũng như giá trị của nguyên liệu và vật tư trên tàu tại thời điểm chuyển giao (nếu có).
Tàu biển HAI PHUONG GLORY là loại tàu chở hàng tổng hợp, được MSB sở hữu, có hô hiệu/số IMO: 3WGD9/9629134, được đóng năm 2012 và hoán cải năm 2013 tại Việt Nam, đăng ký tại Cảng Hải Phòng và đăng kiểm tại Việt Nam. Tàu có công suất máy chính là 1765 KW, trọng tải toàn phần là 5141.30 MT, dung tích thực dụng là 1860 NT, và kích thước chiều dài x chiều rộng x mớn nước lần lượt là 91.940M x 15.300M x 6.300 M.
Tàu VTB 36 cũng là loại tàu chở hàng tổng hợp, thuộc quyền sở hữu của MSB, có hô hiệu/số IMO: 3WBQ9/9577331, được đóng năm 2011 tại Việt Nam và đăng ký cũng tại Cảng Hải Phòng. Tàu này có các thông số kỹ thuật tương tự như tàu HAI PHUONG GLORY.
Khách hàng quan tâm có thể xem và nhận bàn giao tàu tại các địa chỉ được nêu rõ trong thông báo. Quá trình chào mua tài sản sẽ diễn ra qua việc gửi Đơn chào mua tài sản trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới MSB trước thời hạn quy định. Số tiền ký quỹ tham gia chào mua cũng được quy định cụ thể và sẽ được hoàn trả đối với các đơn vị không trúng quyền mua. Buổi mở niêm phong chào mua sẽ được tổ chức vào ngày 22/03/2024 và 27/03/2024 tại văn phòng của MSB tại Hà Nội.
BIDV điều chỉnh lãi suất tiết kiệm từ ngày 19/3
Ngân hàng BIDV vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo chiều hướng giảm. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm trực tuyến tại BIDV đồng loạt giảm 0,2 điểm phần trăm đối với tiền gửi các kỳ hạn từ 1-11 tháng, từ 24-36 tháng và giảm 0,1 điểm phần trăm đối với tiền gửi kỳ hạn 12-18 tháng.
Theo biểu lãi suất mới hiện tại, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1-2 tháng còn 1,8%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng hiện là 2,1%/năm, kỳ hạn 7-11 tháng giảm còn 3,1%/năm, kỳ hạn 12-18 tháng còn 4,7%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng còn 4,8%/năm.
Trước đó, sáng ngày 18/3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng chính thức điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm SCB giảm 0,1 điểm phần trăm đối với kỳ hạn tiền gửi từ 1-5 tháng. Trong đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,65%/năm và 3-5 tháng chỉ còn 1,95%/năm. SCB giữ nguyên lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn còn lại. Kỳ hạn 6-11 tháng hiện có mức lãi suất tiết kiệm là 3,05%/năm. Ở kỳ hạn 12-36 tháng, lãi suất tiết kiệm tại SCB là 4,05%/năm.
Đáng chú ý, cũng trong ngày hôm qua, 18/3/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank – SGB) công bố biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh này, ngân hàng đã tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn với mức tăng trung bình 0,4 điểm %. Đây là ngân hàng hiếm hoi điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 36 tháng tăng thêm 0,4 điểm % lên 5,8%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3 điểm % lên 5,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng tăng 0,2 điểm % lên 5,6%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng tăng 0,1 điểm % lên 5,2%/năm.
Đối với lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống, Saigonbank giữ nguyên hoặc điều chỉnh giảm khoảng 0,1-0,2 điểm %. Theo đó, kỳ hạn 9-12 tháng, lãi suất tiết kiệm không đổi giữ ở mức lần lượt 4,1%- 5%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn từ 1-6 tháng giảm trung bình 0,1-0,2 điểm phần trăm, dao động từ mức 2,3%/năm-3,8%/năm.
Dự thảo thông tư về hoạt động cho thuê tài chính của tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về hoạt động cho thuê tài chính của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ cho thuê tài chính tại các công ty cho thuê tài chính (CTTC) đến 30/1/2024 là 46.437,40 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc công ty CTTC là 43.933,63 tỷ đồng; lãi phải thu là 2.503,77 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng báo cáo có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động cho thuê tài chính, trong đó có đề nghị bổ sung thêm các loại tài sản được cho thuê tài chính như: các phương tiện vận tải đường sông, các thiết bị bay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh không phải vận tải, tàu thuyền, máy bay.
Ngoài ra, các TCTD cũng đề nghị không quy định bắt buộc công ty CTTC phải đánh giá năng lực tài chính, uy tín của bên cung ứng hoạt động hợp pháp do công ty CTTC chỉ là bên mua hàng theo đề nghị của bên thuê nên không thể yêu cầu bên cung ứng cung cấp báo cáo tài chính và các hồ sơ khác để đánh giá năng lực tài chính của bên cung ứng.
Ngoài ra, Ban soạn thảo cho biết, để đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật các TCTD năm 2024 và xử lý được các vấn đề thực tế phát sinh, việc ban hành thông tư quy định về hoạt động cho thuê tài chính của tổ chức tín dụng phi ngân hàng là cần thiết./.
Yêu cầu khẩn trương kiểm soát để bình ổn thị trường vàng
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường vàng được giao tại công điện và chỉ thị của Thủ tướng và các công văn của Văn phòng Chính phủ.
Ảnh minh họa |
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị giám sát, thanh, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, các chủ thể khác tham gia thị trường.
Mục tiêu nhằm bảo đảm ổn định, bình ổn, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế; đồng thời, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Các nhiệm vụ này được yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 3/2024.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu NHNN có các biện pháp quản lý thị trường vàng , không để giá vàng miếng chênh quá cao so thế giới.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, thị trường vàng đã có những ổn định hơn, tuy nhiên diễn biến giá vẫn liên tục biến động. Mới đây, giá vàng đã vượt đỉnh lịch sử, gồm cả vàng nhẫn, vàng trang sức, trong khi giá vàng miếng SJC lên tới gần 82 triệu đồng/lượng, sau đó dần hạ nhiệt.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (19/3), Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC đang niêm yết giá mua - bán vàng là 79,9 - 81,9 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/3. Chênh lệch giá mua và bán vàng tại SJC ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng tại Tập đoàn DOJI được niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 79,8 - 81,8 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/3. Chênh lệch giá mua – bán vàng DOJI đang là 2 triệu đồng/lượng.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 20/3: MSB chào bán hai tàu biển chở hàng