Tin ngân hàng ngày 22/6: Ngân hàng HSBC thông tin việc lãnh đạo Công ty tài chính HSBC Việt Nam bị bắt
Tin ngân hàng ngày 21/6: Vietbank dành 8.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất từ 6%/năm Tin ngân hàng ngày 20/6: Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất tối đa 0,5% |
Ngân hàng HSBC thông tin việc lãnh đạo Công ty tài chính HSBC Việt Nam bị bắt
Ngân hàng HSBC khẳng định không có mối liên hệ với Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam sau khi lãnh đạo công ty này bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ngân hàng HSBC khẳng định không có mối liên hệ với Công ty tài chính HSBC Việt Nam |
Được biết, ngày 21/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Quang Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn tài chính HSBC Việt Nam, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước thông tin này, cùng ngày trao đổi với Báo chí, Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) khẳng định không có mối liên hệ với công ty này.
Theo đó, Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) là ngân hàng 100% vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam, hoạt động theo luật pháp và quy định của Việt Nam. Thương hiệu HSBC đã được tập đoàn HSBC đăng ký và bảo hộ trên toàn cầu.
"Trong suốt hơn 150 năm thành lập và hoạt động tại Việt Nam, Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) luôn tập trung phát triển các sản phẩm và giải pháp, mang lại giá trị thiết thực cho người dân Việt Nam cũng như hỗ trợ sự phát triển minh bạch của thị trường tài chính Việt Nam" - thông cáo của ngân hàng này nêu rõ.
Trước đó, theo điều tra của cơ quan công an, ông T.Q.K. (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đ.T.N.) xin cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại tỉnh Sóc Trăng và tìm nguồn vốn để đầu tư.
Năm 2018, thông qua mối quan hệ, ông K. quen Nguyễn Tấn Sự, Tổng giám đốc Công ty Núi Chúa (trụ sở tại quận Tân Bình, TP HCM) và Nguyễn Thụy Long Phượng (Giám đốc Tài chính công ty này).
Sự và Phượng khoe Công ty Núi Chúa có nguồn ngoại tệ 100 tỉ USD từ tổ chức đầu tư tài chính "HSBC Vietnam Finance Group" để đầu tư vào dự án của ông K. Nghe vậy, ông K. chuyển trước cho Phượng 570 triệu đồng và tiếp tục những lần sau ông K. bị lừa thêm 1 tỷ đồng nữa nên làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán ngoại tệ
Trong bối cảnh thị trường ngoại hối có nhiều diễn biến bất lợi, mới đây, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết với quy mô dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD, cơ quan này đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. "Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn", ông cho biết.
Bằng việc bán ngoại tệ, nhà điều hành sẽ tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ của người dân.
Quyết định của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/6 tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm - là mức tăng lớn nhất trong 28 năm qua. Đây là lần thứ ba Fed tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Động thái này khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh (chỉ số DXY tăng khoảng 10% từ đầu năm 2022), đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Những diễn biến trên tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Tuy nhiên, theo ông Quang tỷ giá USD/VND hiện nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021 là phù hợp với điều kiện, diễn biến thị trường trong, ngoài nước. Mặc dù thị trường quốc tế biến động mạnh, ông Quang đánh giá thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt. Nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá năng lượng và giá hàng hóa cơ bản tăng mạnh.
Vụ phó Chính sách tiền tệ chia sẻ thêm, từ đầu năm 2022, nhà điều hành đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Kho bạc mua 700 triệu USD từ các ngân hàng, đưa gần 15.800 tỷ ra thị trường
Theo số liệu của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 24 đồng, từ 23.065 VND/USD lên mức 23.089 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá tại Ngân hàng Thương mại (NHTM) kết thúc tuần cũng tăng 53 đồng, từ mức 23.178 VND/USD lên mức 23.231 VND/USD. Đây là mức tỷ giá NHTM cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Vào ngày 7/6/2022 vừa qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã có thông báo về việc mua ngoại tệ từ NHTM với khối lượng 100 triệu USD. Với tỷ giá mua vào của KBNN ở mức 22.550 VND/USD, 100 triệu USD KBNN mua vào sẽ tương đương với khoảng hơn 2 nghìn tỷ VND được đưa ra ngoài thị trường. Đây là lần thứ 4 trong năm 2022 KBNN thực hiện mua vào ngoại tệ. Lũy kế từ đầu năm tới nay, KBNN đã thực hiện mua vào 700 triệu USD, tương đương với khoảng 15.785 tỷ VND.
Trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng bơm ròng tổng cộng 277 tỷ đồng trên thị trường mở. Trong đó, NHNN bơm 833 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5%) thông qua kênh OMO. Trong khi đó, 556 tỷ OMO kỳ hạn 14 ngày đã đáo hạn trong tuần này. Như vậy, lượng OMO đang lưu hành tăng lên mức 1.854 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tín phiếu đang lưu hành vẫn tiếp tục ở trạng thái đóng băng trong 2 năm nay.
Trong bối cảnh đó, lãi suất liên ngân hàng (LSLNH) các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tiếp tục có chung diễn biến giảm, lần lượt ở mức 0,01% và 0,04% xuống mức 0,37% và 0,8%/năm. Trong khi đó, LSLNH kỳ hạn 2 tuần tăng 1,05% lên mức 2,29%/năm.
Theo thông tin từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 9/6/2022 đạt mức 8,15% so với cuối năm trước. Trước đó, tới cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,04%. Như vậy, trong 9 ngày đầu tiên của tháng 6, tín dụng chỉ tăng thêm 0,11 điểm %(tương đương với 0,3 – 0,4 điểm %/tháng).
Như vậy, tốc độ tăng của tín dụng đang giảm rõ rệt so với các tháng trước (5,97% tới cuối tháng 3; 6,75% tới cuối tháng 4; 8,04% tới cuối tháng 5). Mức tăng trưởng hiện tại cũng không còn là mức cao nhất trong vòng 10 năm (cùng kỳ năm 2017 đã tăng 9%). Việc các NHTM đều tiến sát tới mức room tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm nhiều khả năng là lý do chính khiến cho khả năng cho vay thêm của các NHTM giảm xuống, làm tăng trưởng tín dụng chững lại, đồng thời kéo theo việc LSLNH tiếp tục duy trì mặt bằng thấp trong các tuần gần đây.
5 tháng PNJ báo lãi ròng 1.006 tỷ đồng, hoàn thành 76,5% kế hoạch năm
Vừa qua, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) công bố báo cáo kết quả kinh doanh tháng 5/2022 ghi nhận doanh thu tăng 67,7% và lợi nhuận tăng 65,9% so với cùng kỳ năm trước.
5 tháng PNJ báo lãi ròng 1.006 tỷ đồng, hoàn thành 76,5% kế hoạch năm |
Cụ thể, dù sức mua chung của ngành bán lẻ sụt giảm nhưng với sự nỗ lực và ứng biến, PNJ ghi nhận doanh thu thuần tháng 5 đạt 2.671 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế 141 tỷ đồng, tăng 66%.
Lũy kế 5 tháng, doanh thu thuần đạt 15.583 tỷ đồng, tăng 46,6%; lãi sau thuế 1.066 tỷ đồng, tăng 46,9%. Công ty thực hiện được 60,3% kế hoạch doanh thu và 76,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Về tăng trưởng doanh thu theo từng kênh, doanh thu kênh bán lẻ tăng 51,3% nhờ vào các đơn vị kinh doanh tốt, tăng trưởng cao so cùng kỳ và vượt kế hoạch; các nhãn hàng ghi nhận mức tăng ấn tượng, đặc biệt là style by PNJ và Disney; các hoạt động quảng bá nhãn hàng mang lại hiệu quả tốt.
Doanh thu kênh bán sỉ cũng có mức tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vàng miếng lũy kế 5 tháng tăng 59,4% so với cùng kỳ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu vẫn chưa hạ nhiệt và kinh tế vĩ mô đối diện với áp lực lạm phát.
Biên lợi nhuận gộp trung bình tháng 5 đạt 18,2%, tương đương cùng kỳ năm trước; lũy kế 5 tháng giảm từ mức 18,4% xuống 17,8% do tăng trưởng trong doanh thu vàng miếng và thay đổi cơ cấu hàng hóa của kênh bán lẻ.
Tổng chi phí hoạt động trong tháng 5 tăng 68,7% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 5 tháng, chi phí hoạt động tăng 35,2% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp đạt 51,7%, giảm so với mức 54,2% cùng kỳ 2021. Hiệu quả sử dụng chi phí được cải thiện nhờ vào việc tối ưu hóa vận hành bằng các ứng dụng công nghệ vào bán hàng và quản lý.