Tin ngân hàng ngày 22/7: HSBC “thu xếp” khoản vay hợp vốn cho Techcombank trị giá 1 tỷ USD
Tin ngân hàng ngày 21/7: NHNN giảm quy mô hút tiền, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh Tin ngân hàng ngày 20/7: Khuyến cáo cảnh giác với các cuộc gọi mạo danh nhân viên ngân hàng |
HSBC “thu xếp” khoản vay hợp vốn cho Techcombank trị giá 1 tỷ USD
Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) (HSBC Việt Nam) cùng với một số định chế tài chính khác đã hợp tác cung cấp khoản vay hợp vốn trị giá 700 triệu USD, kèm quyền chọn gia tăng (greenshoe option) thêm 300 triệu USD, dành cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
HSBC “thu xếp” khoản vay hợp vốn cho Techcombank trị giá 1 tỷ USD/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Khoản vay gồm 3 cấu phần khác nhau, với các kỳ hạn 3, 4 và 5 năm. Giao dịch này là khoản vay hợp vốn trung và dài hạn lớn nhất được thu xếp cho một ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
HSBC đóng vai trò là ngân hàng đồng Bảo lãnh phát hành, thu xếp vốn và dựng sổ trong giao dịch mang tính lịch sử này và đã thành công khi thu hút được sự quan tâm vượt mức của thị trường. Kết quả, giao dịch này có sự tham gia của 26 ngân hàng, với quy mô khoản vay tăng lên 1 tỷ USD từ mục tiêu 700 triệu USD ban đầu.
Bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam chia sẻ: “Đây là thành quả tuyệt vời dành cho khách hàng nói riêng và Việt Nam nói chung, chứng tỏ sức hút của thị trường đối với nhà đầu tư ngay cả khi môi trường vĩ mô toàn cầu đang bất ổn. HSBC rất tự hào vì những gì mà chúng tôi đã đóng góp cho giao dịch này”.
Ông Alex Macaire, Giám đốc Tài chính của Techcombank cũng tự hào khi tiếp cận thành công thị trường hợp vốn quốc tế và thiết lập các cột mốc mới trong ba năm liên tiếp. Vượt qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng của các tổ chức cho vay, thành công của giao dịch huy động vốn lần này là minh chứng cho sự tin tưởng của nhà đầu tư quốc tế đối với Techcombank và thị trường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế xã hội toàn cầu còn rất nhiều khó khăn và thách thức.
Khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD này là giao dịch vay hợp vốn thứ ba của Techcombank chỉ trong vòng 2 năm gần đây. Giao dịch cũng là minh chứng về tiềm năng to lớn của thị trường vốn Việt Nam, cho thấy một nền kinh tế đang trên đà phục hồi tốt và khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam đối với thị trường toàn cầu.
Trong năm 2022, HSBC cũng đã thu xếp thành công một số khoản vay hợp vốn cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, đặc biệt là khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên trị giá 500 triệu USD cho Vingroup và Vinfast.
MSB sắp tăng vốn điều lệ lên 20 nghìn tỷ
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố Nghị quyết của HĐQT về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Thực hiện phương án đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua vào tháng 4/2022, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo quản trị rủi ro theo các tiêu chuẩn cao nhất nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và hướng tới vị thế các ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, MSB sẽ phát hành thêm tối đa 472.500.000 cổ phần phổ thông, trong đó bao gồm: 458.250.000 cổ phần phổ thông phát hành cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% so với vốn điều lệ hiện tại; 14.250.000 cổ phần phổ thông phát hành cho người lao động MSB theo Chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022.
Tổng giá trị phát hành thêm theo mệnh giá là 4.725 tỷ đồng.
Theo đó, số lượng cổ phiếu sau phát hành sẽ tăng lên 2 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng. Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ là nguồn vốn chủ sở hữu, cụ thể là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần có thể sử dụng để tăng vốn điều lệ sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Dự kiến, việc tăng vốn điều lệ sẽ được thực hiện trong năm 2022 sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.
Với một nền tảng vững chắc sau 31 năm phát triển, MSB không chỉ ghi dấu ấn trên thị trường qua những bước chuyển mình mạnh mẽ về kết quả kinh doanh mà còn là ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số. Hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng, MSB đã đầu tư mạnh mẽ cho chiến lược số hóa với việc thay thế ngân hàng lõi (Core Banking) phiên bản hiện đại nhất hiện nay và dự án nhà máy số (Digital Factory). Đây là động lực quan trọng giúp số lượng giao dịch số hóa tại MSB tăng gấp 4 lần chỉ trong thời gian từ 2019-2021, nâng số lượng khách hàng cá nhân lên 3 triệu và khách hàng doanh nghiệp lên trên 63 nghìn doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm 2022, ABBank lãi trước thuế gần 1662 tỷ đồng, tăng 39%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 vừa được công bố, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) báo lãi trước thuế hơn 1.086 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ.
Còn lãi từ dịch vụ quý này chỉ tăng 3%, ghi nhận 87 tỷ đồng và lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 48%, đạt 486 tỷ đồng.
Trong quý này, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của ABBank lại lỗ 7,4 tỷ đồng và hoạt động chứng khoán đầu tư lỗ 11 tỷ đồng.
Các hoạt động khác đem về khoản lãi gấp 2.5 lần cùng kỳ, ghi nhận gần 217 tỷ đồng.
Trong quý II/2022, ABBank chỉ dành ra gần 174 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 13% so cùng kỳ, kết quả Ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 1.086 tỷ đồng, tăng 52% so cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng dành hơn 218 tỷ đồng để trích dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 32% so cùng kỳ, do đó lãi trước thuế tăng 39%, lên mức gần 1.662 tỷ đồng.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ABBank đã được đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thông qua ước đạt 3.079 tỷ đồng, cao hơn năm 2021 hơn 1.000 tỷ đồng; thu từ phí dịch vụ đạt 1.482 tỷ đồng.
Năng suất lao động bình quân đạt 733 triệu đồng/người/năm (tương đương tăng 44% so với năm 2021) và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức dưới 3% theo quy định.
Như vậy, nếu so với kế hoạch 3.079 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022 đã được ĐHĐCĐ thông qua, ABBank đã thực hiện được 54% sau nửa đầu năm.
Tính đến cuối quý II/2022, tổng tài sản của ABBank tăng 9% so với đầu năm, lên mức 131.321 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 71%, còn 1.259 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 54% lên 26.159 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 13% lên 77.706 tỷ đồng…
Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng tăng 9% so với đầu năm, lên mức 73.707 tỷ đồng, phát sinh khoản mục các công cụ tài chính phái sinh và các khoản nợ tài chính phái sinh 23.45 tỷ đồng…
LienVietPostBank lãi trước thuế quý 2/2022 gần gấp đôi cùng kỳ
Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.
LienVietPostBank lãi trước thuế quý 2/2022 gần gấp đôi cùng kỳ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, quý 2/2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.793 tỷ đồng, tăng tới 94% so với cùng kỳ năm 2021. Các mảng kinh doanh của LienVietPostBank đều tăng trưởng cao.
Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 39,7% lên 3.045 tỷ đồng trong quý 2/2022. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 33% lên 303 tỷ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán bị lỗ trong cùng kỳ nhưng trong quý 2 năm nay đều có lãi lớn, lần lượt là 52 tỷ và 356 tỷ đồng.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động quý 2 của LienVietPostBank tăng 55%, đạt 3.773 tỷ đồng. Chi phí hoạt động ở mức 1.342 tỷ đồng, tăng 23%. Tỷ lệ CIR (chi phí/tổng thu nhập) cải thiện mạnh từ 44,9% xuống còn 35,5%.
Ngân hàng tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng khi chi phí dự phòng quý 2 năm nay là 637 tỷ, tăng 57% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, mức trích lập là 949 tỷ, tăng 54% so với nửa đầu năm 2021.
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của LienVietPostBank đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chính chủ yếu đến từ việc hoạt động kinh doanh cốt lõi có lãi tăng mạnh và ngân hàng lãi đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 300.910 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6%, đạt 226.915 tỷ đồng.
LienVietPostBank không tham gia rót vốn vào trái phiếu doanh nghiệp. Danh mục trái phiếu do ngân hàng nắm giữ chủ yếu là trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Về huy động vốn, tiền gửi của khách hàng tăng 3,1% lên 185.788 tỷ đồng, chủ yếu nhờ loại tiền gửi có kỳ hạn. Tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng lại sụt giảm 21% xuống 14.148 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 7,7%.
Nợ xấu nội bảng của LPB tăng từ 2.863 tỷ đồng hồi đầu năm lên 3.183 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Trong đó, nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm mạnh 46% xuống 574 tỷ đồng, trong khi nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 38% lên 1.837 tỷ.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của LPB cuối tháng 6 là 1,40%, không có nhiều thay đổi so với mức 1,37% hồi đầu năm.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 22/7: HSBC “thu xếp” khoản vay hợp vốn cho Techcombank trị giá 1 tỷ USD