Tin ngân hàng ngày 22/8: Ngân hàng mua lại gần 77.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Tin ngân hàng ngày 21/8: Ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng mạnh Tin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm |
Ngân hàng mua lại gần 77.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Mới đây, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 695 tỷ đồng trái phiếu tính từ đầu tháng 8 đến ngày công bố thông tin 11/8/2023.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/8 là 145.267 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 53% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng 76.968 tỷ đồng.
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 127.816 tỷ đồng. Có 49% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 62.657 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 24.910 tỷ đồng, chiếm 19,5%.
Báo cáo của Bộ Tài chính ngày 3/8 về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, từ đầu năm đến 28/7, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62.300 tỷ đồng, giảm 77,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản (chiếm 54,2%), tiếp đến là tổ chức tín dụng (chiếm 31,6%). Có 60,5% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh thị trường biến động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn, khối lượng mua lại trước hạn là 135.300 tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Về phát hành trái phiếu, VBMA cho biết, tính đến ngày công bố thông tin 11/8/2023, đã có 4 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 8 với tổng giá trị 2.300 tỷ đồng.
Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,8%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 3-5 năm. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/8, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 97.488 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng, chiếm 17,3% tổng giá trị phát hành và 76 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 81.012 tỷ đồng, chiếm 83,1%.
Đề xuất tiếp tục giảm lãi suất điều hành
Ngân hàng Nhà nước vừa nhận được nhiều kiến nghị của cử tri các tỉnh về vấn đề giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, cử tri tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong việc giảm lãi suất điều hành của ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trả lời kiến nghị trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Qua đó, tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: Chỉ đạo tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường 1; kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường 2.
Khuyến khích ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh;
Qua đó, các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới; đồng thời, cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5%/năm trong 6 tháng cuối năm 2023 tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực.
Tính đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
“Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới” - Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Thêm 4 ngân hàng giảm lãi suất huy động
Ngày 21/8, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), điều chỉnh giảm 0,2 điểm % lãi suất các kỳ hạn từ dưới 12 tháng, giảm 0,3-0,4 điểm % kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất cao nhất đang được ngân hàng này huy động là 7,1%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng, theo hình thức gửi tiền online.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Trong đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,5 điểm % so với trước đó. Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng áp dụng là 6,45%/năm, dành cho các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng theo hình thức gửi tiền online. Các kỳ hạn còn lại được áp dụng mức lãi suất 6,35%/năm.
GPBank cũng giảm mạnh 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất tiền gửi cao nhất của GPBank đã giảm từ 6,95%/năm xuống còn 6,45%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Đây là đợt giảm lãi suất thứ 2 của ngân hàng này trong vòng 1 tuần qua với tổng mức giảm khoảng 0,9 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
LPBank cũng giảm 0,1-0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng chỉ còn 6,8%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online. Như vậy, LPB là ngân hàng tiếp theo đưa lãi suất huy động xuống dưới mức 7%.
MB Cần Thơ khẳng định không ép mua bảo hiểm nhân thọ
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - chi nhánh Cần Thơ đã có văn bản phúc đáp gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ về việc giải quyết đơn của bà H.T.T.D mua hợp đồng bảo hiểm.
MB Cần Thơ khẳng định không ép mua bảo hiểm nhân thọ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
MB Chi nhánh Cần Thơ khẳng định: Không có việc ép mua bảo hiểm nhân thọ. Việc mua bảo hiểm nhân thọ là hoàn toàn tự nguyện từ khách hàng, không có việc đánh tráo khái niệm giữa gửi tiết kiệm và bảo hiểm nhân thọ. MB Cần Thơ đã thực hiện giới thiệu khách hàng tới nhân viên của Công ty MB Ageas Life để được thực hiện tư vấn, mua bảo hiểm theo đúng quy định.
Quá trình phối hợp kiểm tra thực trạng hợp đồng bảo hiểm của khách hàng H.T.T.D, MB Cần Thơ xác định hợp đồng được phát hành đầy đủ. Khách hàng đã tự nguyện đóng phí và ký đầy đủ hồ sơ khi tham gia trên cơ sở nhu cầu thật của khách hàng.
MB Cần Thơ và Công ty MB Ageas Life đã phối hợp làm việc, tư vấn rõ ràng, đầy đủ quyền lợi cho khách hàng và giải thích thỏa đáng các nội dung vướng mắc của khách hàng.
Công ty MB Ageas Life cũng đã có văn bản ngày 09/08/2023 phúc đáp khách hàng các vướng mắc và quyền lợi theo hợp đồng bảo hiểm.
Liên quan đến nội dung hợp đồng bảo hiểm, MB Cần Thơ cho biết khách hàng đóng bảo hiểm là bà H.T.T.D, người được bảo hiểm chính là con gái của bà D., chị Đ.T.G.H. Ngày gửi của hợp đồng bảo hiểm này là 27/09/2022, thời gian đóng phí của hợp đồng là 6 năm. Số tiền bảo hiểm tham gia là 52 triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 07/08/2023, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ cho biết đã tiếp nhận đơn của bà H.T.T.D phản ánh về vụ việc “tư vấn gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm 82 năm”, đề nghị MB Cần Thơ xác minh vụ việc khách hàng phản ánh và báo cáo lại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 22/8: Ngân hàng mua lại gần 77.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn