Tin ngân hàng ngày 2/4: TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ đồng
Tin ngân hàng ngày 1/4: Tài sản đảm bảo ở Agribank sắp cán mốc 3 triệu tỷ đồng Tin ngân hàng tuần qua: Thủ tướng đề nghị WB tăng tài trợ vốn cho Việt Nam |
TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Ảnh minh họa |
Theo tài liệu, năm 2023, lợi nhuận trước thuế của TPBank không hoàn thành kế hoạch, chỉ đạt 5.589 tỷ đồng, hoàn thành 64% kế hoạch năm. Theo lãnh đạo TPBank, nguyên nhân do năm 2023 điều kiện kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố không thuận lợi. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên toàn hệ thống điều chỉnh giảm dần qua các quý trong khi nhiều ngành nghề kinh doanh sụt giảm hoạt động nên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm sụt giảm do khủng hoảng của ngành và việc siết chặt của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực bán bảo hiểm nhân thọ. Tăng trưởng tín dụng mới gặp khó khăn do tác động của tình hình kinh tế và chính sách của cơ quan quản lý. Nợ xấu, nợ quá hạn có xu hướng tăng nhanh làm gia tăng việc trích lập dự phòng.
Năm 2024, TPBank đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ là 7.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng 9,36% lên 390.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp tăng 15,75% lên 251.821 tỷ đồng, huy động vốn tăng 3,31% lên 327.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 2,5%.
Cũng theo TPBank, năm 2024 sẽ rà soát và kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy trên toàn hệ thống, đề xuất kế hoạch phát triển mạng lưới năm 2024 theo quy định của NHNN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng, kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngân hàng cũng tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu Công ty tài chính cổ phần Handico (Hafic) để TPBank có công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Về phương án phân phối lợi nhuận, báo cáo tài chính sau kiểm toán ghi nhận lợi nhuận trước thuế của TPBank là 5.589 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.463 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận để lại chưa phân phối còn 3.697 tỷ đồng.
Năm 2023, nhà băng này đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 25% cho cổ đông. TPBank cũng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ hơn 39%, nâng vốn điều lệ từ 15.818 tỷ đồng lên 22.016 tỷ.
Agribank tiếp tục ưu đãi vốn cho “Tam nông”
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò dẫn đầu trong đầu tư phát triển Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn, Agribank tiếp tục triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Theo đó, sẽ góp phần giúp ngành lâm sản, thủy sản đạt được kỳ vọng phát triển năm 2024, nâng quy mô chương trình tín dụng dành cho ngành từ 15 nghìn tỉ đồng lên 30 nghìn tỉ đồng.
Và với tinh thần “Tam nông” tiếp tục triển khai chương trình tới cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhu cầu vay vốn trên cả nước. Chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm thủy sản tại Agribank có tổng quy mô chương trình 8.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu 1 đến 2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Chương trình có thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024 (hoặc đến khi đạt quy mô chương trình).
Theo đó, chương trình dành cho khách hàng có dự án/phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực gồm: Lĩnh vực lâm sản như (Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, Thu mua, tiêu thụ lâm sản, Chế biến, bảo quản lâm sản). Lĩnh vực thủy sản như (Khai thác, nuôi trồng thủy sản, Thu mua, tiêu thụ thủy sản, Chế biến, bảo quản thủy sản).
Ngoài ra, khi tham gia chương trình, khách hàng còn được giảm tối đa đến 50% phí dịch vụ đối với các loại phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại (phí phát hành L/C nhập khẩu, phí thông báo L/C xuất khẩu, phí ký hậu vận đơn đường biển, phí thanh toán L/C xuất khẩu…) và miễn, giảm một số loại phí dịch vụ khác.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp đồng hành tháo gỡ khó khăn, chỉ trong 5 tháng triển khai chương trình, Agribank đã thực hiện giải ngân hết 3.000 tỉ đồng vốn tín dụng ưu đãi tới hơn 2000 lượt khách hàng là cá nhân, hộ sản xuất, doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, 2.300 tỉ đồng hỗ trợ khách hàng khai thác, nuôi trồng, thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản và hơn 700 tỉ đồng tài trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.
Vietcombank điều chỉnh lãi suất tiết kiệm từ 1/4
Theo đó, Lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng Vietcombank được điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm tại kỳ hạn từ 1 tháng - 9 tháng. Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 và 2 tháng, Vietcombank niêm yết lãi suất ở mức 1,6%/năm, giảm 0,1 điểm phần trăm so với lần điều chỉnh trước đó.m Tương tự, tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất niêm yết ở mức 1,9%/năm. Khách hàng gửi tiền các kỳ hạn từ 6 - 9 tháng nhận lãi suất ở mức 2,9%/năm.
Vietcombank giữ nguyên lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn từ 12 - 60 tháng, hiện đang ở mức 4,7%. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng có lãi suất là 0,2%/năm
Đối với khách hàng tổ chức, Vietcombank cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm trung bình 0,1 điểm % từ kỳ hạn 1-12 tháng. Cụ thể, lãi suất được áp dụng cho kỳ hạn gửi 1 - 2 tháng là 1,5%/năm; kỳ hạn là 3 tháng là 1,8%/năm; kỳ hạn 6 và 9 tháng là 2,8%/năm. Ở kỳ hạn gửi 12, lãi suất tiết kiệm niêm yết ở mức 4,1%/năm.
Ở kỳ hạn từ 24 tháng - 60 tháng, lãi suất tiết kiệm giữ nguyên ở mức 4,2%/năm.
Trước đó trong tháng 3, Ngân hàng Agribank, BIDV và Vietinbank cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo chiều hướng giảm.
MB ra mắt giải pháp thanh toán một chạm Garmin Pay
Mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã chính thức giới thiệu tới chủ thẻ MB Visa ứng dụng thanh toán Garmin Pay - một phương thức thanh toán siêu tiện lợi, nhất là cho người dùng đam mê dịch chuyển, yêu thích các hoạt động thể thao. Đặc biệt, Garmin Pay là một nền tảng mở, không giới hạn trên hệ điều hành Android hay iOS, cho phép chủ thẻ có thể dễ dàng thanh toán một chạm chỉ với một chạm trên chiếc đồng hồ nhỏ gọn trên cổ tay. Hiện phương thức thanh toán này đang được hỗ trợ trên 22 dòng đồng hồ thông minh của Garmin có tích hợp NFC và được đón nhận ở 94 quốc gia trên thế giới.
MB ra mắt giải pháp thanh toán một chạm Garmin Pay tới chủ thẻ MB Visa |
Chỉ với vài thao tác đơn giản để liên kết ngay thẻ MB Visa trong ứng dụng Garmin Connect, chủ thẻ đã có thể tự do thanh toán tại tất cả các điểm chấp nhận thanh toán chạm. Nếu chủ thẻ tháo đồng hồ ra khỏi tay hoặc tắt thiết bị theo dõi nhịp tim, Garmin Pay sẽ yêu cầu nhập lại mật khẩu trước khi thực hiện giao dịch thanh toán. Ngoài ra, trong trường hợp người dùng nhập sai mật khẩu ba lần liên tiếp, hệ thống sẽ tự động khóa ví. Để có thể tiếp tục sử dụng tính năng thanh toán, chủ thẻ sẽ cần đặt lại mật khẩu trong ứng dụng Garmin Connect.
Không chỉ tận hưởng phương thức thanh toán tiện lợi và bảo mật, MB Visa còn đem tới cho chủ thẻ hàng loạt ưu đãi chất khi liên kết thẻ MB Visa vào Garmin Pay thành công. Có thể kể đến như hoàn ngay 100.000VND khi thực hiện từ 2 giao dịch chi tiêu qua Gamrin Pay (tối thiểu 100.000VND/giao dịch).
Ngoài ra, chủ thẻ MB Visa còn được hưởng trọn kho ưu đãi chất lượng của MB từ hàng ngàn đối tác, nhãn hàng nổi tiếng, áp dụng tại 100.000++ điểm ưu đãi. Các đối tác khuyến mãi dành cho chủ thẻ MB trải dài trên nhiều lĩnh vực như mua sắm, ăn uống, du lịch, di chuyển, có thể kể đến các thương hiệu lớn như Shopee, Starbucks, Agoda, VietnamAirlines, Qatar Airways... giúp đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Thông qua việc hợp tác cùng Garmin giới thiệu phương thức thanh toán Garmin Pay, MB hướng tới đem tới ngày càng nhiều giải pháp tài chính tiện ích cho khách hàng trên nền tảng công nghệ, hướng tới thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những bước đi về chuyển đổi số mạnh mẽ của MB.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 2/4: TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ đồng