Tin ngân hàng ngày 26/10: Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng
Tin ngân hàng ngày 25/10: ACB lãi trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng trong quý III Tin ngân hàng ngày 24/10: Kiều hối về TP HCM 9 tháng tăng 40% |
Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng
Vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, nhà đầu tư cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng; đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. TPDN riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Nguồn vốn tín dụng dành cho đối tượng này là không nhiều do phải ưu tiên cho các ngành sản xuất kinh doanh và trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp nhằm kiểm soát lạm phát và rủi ro an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. “Thị trường chứng khoán không còn sôi động như giai đoạn trước nên huy động vốn qua kênh này còn khó khăn. Việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng do thị trường BĐS đang trầm lắng, phục hồi chậm. Một bộ phận doanh nghiệp nhất là BĐS có tiềm ẩn nguy cơ, xảy ra hiện tượng chậm trả trái phiếu trong thời gian qua”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án BĐS, Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, theo Bộ Tài chính, kể từ quý II/2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện, khối lượng phát hành tăng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý: TPDN riêng lẻ là sản phẩm tài chính mà theo quy định của pháp luật chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khi mua và giao dịch TPDN phải tiếp cận đầy đủ hồ sơ phát hành, đánh giá mức độ rủi ro khi mua trái phiếu và chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình.
Agribank rao bán 37 xe bus Bắc Hà để xử lý nợ xấu
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Ninh vừa thông báo bán đấu giá 37 xe buýt là tài sản thế chấp của Công ty TNHH Bắc với tổng giá khởi điểm là gần 13,5 tỷ đồng.
Cụ thể, 37 chiếc xe này gồm hai loại, sản xuất năm 2013 được bán giá khởi điểm khoảng 320 triệu đồng, sản xuất năm 2014 được bán giá khởi điểm khoảng 420 triệu đồng một chiếc.
Công ty TNHH Bắc Hà có khoảng 200 nhân viên, là nhà thầu từng khai thác 5 tuyến xe buýt tại Hà Nội, gồm tuyến số 41 (Nghi Tàm - bến Giáp Bát); số 42 (bến xe Giáp Bát - Đức Giang); số 43 (Công viên Thống Nhất - thị trấn Đông Anh); số 44 (Trần Khánh Dư - bến Mỹ Đình); số 45 (Times City - Nam Thăng Long). Đầu tháng 7 năm ngoái, doanh nghiệp này xin dừng khai thác 5 tuyến buýt do doanh thu sụt giảm, thiếu vốn.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Bắc Hà, qua 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, lĩnh vực vận tải bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đợt bùng dịch lần thứ 4 ở Việt Nam (27/4/2021), tâm dịch ban đầu chính là ở Bắc Giang, nơi Công ty Bắc Hà đặt trụ sở chính nên hoạt động kinh doanh dừng hẳn trong thời gian dài.
Do không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải duy trì hoạt động làm cạn kiệt vốn lưu động, hạn mức vay sử dụng hết dẫn đến việc mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu như lương, nhiên liệu, sửa chữa, bến bãi cũng như các khoản nợ đến hạn của ngân hàng.
Toàn bộ 57 ôtô phục vụ 5 tuyến buýt số 41 đến 45 đều được Công ty Bắc Hà thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bắc Ninh để vay vốn kinh doanh.
Ngày 24/6/2022, Công ty Bắc Hà nhận được thông báo đã nợ quá hạn 55 ngày đối với số tiền gốc hơn 56,511 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chuyển sang bơm ròng
Phát hành tín phiếu giảm xuống dưới 1.000 tỷ đồng mỗi phiên từ đầu tuần này, nếu tính cả lượng đáo hạn, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển trạng thái sang bơm ròng.
Con số 1.000 tỷ này thấp hơn đáng kể so với quy mô hút về 10.000-20.000 tỷ đồng mỗi phiên giai đoạn cuối tháng 9 - đầu tháng 10.
Khối lượng trúng thầu có xu hướng giảm liên tục và ngược lại, lãi suất trúng thầu tăng. Từ 19/10 đến nay, lãi suất tín phiếu trúng thầu giữ ở mức 1,45% trên năm, so với lãi suất trúng thầu đợt chào bán đầu tiên là 0,69%.
Theo đó, cùng với việc đáo hạn các đợt phát hành từ cuối tháng 9, mỗi phiên hiện có hàng nghìn tỷ đồng được bơm lại hệ thống ngân hàng.
Động thái giảm hút ròng diễn ra khi lãi suất tiền đồng bình quân liên ngân hàng đang tăng mạnh trở lại. Theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước tại phiên 23/10, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 2,22% từ mức 1,47% ghi nhận vào phiên 20/10. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 và gấp nhiều lần mức đáy ghi nhận cuối tháng 9.
Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tăng lên giúp thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Hoạt động bơm, hút tiền qua kênh tín phiếu là nghiệp vụ thông thường của Ngân hàng Nhà nước tác động đến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng (nơi các nhà băng cho vay lẫn nhau), không lưu thông trên thị trường dân cư.
Tín phiếu phát hành trong các đợt này đều có kỳ hạn 28 ngày, được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất. Theo đó, thông tin về loại giấy tờ có giá này được chuyển đến cho các ngân hàng qua Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước để đăng ký đấu thầu. Ngân hàng trúng thầu sẽ nộp tiền mua tín phiếu cho Ngân hàng Nhà nước và hết kỳ hạn tín phiếu, được "trả gốc và lãi" tương tự như gửi tiết kiệm. Số tiền hút về qua kênh tín phiếu theo đó sẽ được bơm trả ra thị trường liên ngân hàng sau 28 ngày kể từ lúc phát hành.
BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu tài trợ cho các dự án vì môi trường
Ngày 25/10/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước. Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phù hợp với Khung trái phiếu xanh của BIDV.
BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu tài trợ cho các dự án vì môi trường/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đây là lần đầu tiên thị trường vốn Việt Nam chứng kiến một đợt phát hành trái phiếu trong nước có khung trái phiếu xanh được xếp hạng bởi Moody’s - tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu. BIDV đã đạt được mức xếp hạng rất cao mà Moody’s đã xếp hạng đối với Khung Trái phiếu xanh của các tổ chức tín dụng, qua đó xác nhận sự tuân thủ, minh bạch ở cấp độ cao trong việc lựa chọn dự án, thẩm định, cho vay, các chế độ về quản trị, báo cáo của BIDV.
Đợt phát hành trái phiếu của BIDV cũng là đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên tại Việt Nam có cấu trúc không tài sản bảo đảm, không phải nợ thứ cấp và không cần bảo lãnh thanh toán, thể hiện mức độ tín nhiệm cao về năng lực và uy tín của tổ chức phát hành. Theo đó, toàn bộ nhà đầu tư tham gia giao dịch đều là các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ thuộc các tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới.
Sự thành công của đợt phát hành trái phiếu xanh đánh dấu cột mốc quan trọng trên hành trình “Kiến tạo giá trị bền vững” của BIDV, tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong và dẫn đầu thị trường trong các hoạt động phát triển xanh và bền vững.
Tính đến 30/9/2023, BIDV đã tài trợ cho khoảng 1.500 khách hàng với 1.900 dự án/phương án tín dụng xanh với tổng dư nợ lên tới 71.000 tỷ đồng chiếm xấp xỉ 5% tổng dư nợ của BIDV, tăng 11% so với năm 2022. Đồng thời, BIDV có bề dày kinh nghiệm và năng lực hàng đầu trong việc tiếp nhận và triển khai các nguồn vốn ủy thác quốc tế với các chương trình và dự án vì mục tiêu phát triển bền vững.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 26/10: Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng