Tin ngân hàng ngày 27/7: 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được tín dụng chính thức
Tin ngân hàng ngày 26/7: Nợ xấu của ABBank gần 1.790 tỷ đồng, tăng 10,7% Tin ngân hàng ngày 25/7: Người dân bị lừa đảo, đánh cắp hàng trăm tỷ đồng |
75% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được tín dụng chính thức
Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức vào ngày 26/7.
75% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được tín dụng chính thức/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, chỉ khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn tài chính chính thống. 75% còn lại phải tiếp cận từ các nguồn khác như từ bạn bè, gia đình và vay ngoài ngân hàng.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng là do, năng lực tài chính của các chủ doanh nghiệp chưa cao do hạn chế về quản lý dòng tiền, về minh bạch chứng từ, báo cáo tài chính. Cùng với đó, doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, về phương án kinh doanh khả thi, lịch sử trả nợ và các điều kiện, thủ tục vay vốn khác.
Trước nhu cầu và sự cần thiết này, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với USAID thông qua Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME), triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết quả, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số
Cục Phát triển doanh nghiệp và Dự án USAID LinkSME cũng đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, 14 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD.
6 tháng đầu năm, Sacombank lãi trước thuế hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 20%
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank ) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, trong 6 tháng qua, mặc dù đối mặt với bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, Sacombank vẫn duy trì kết quả hoạt động tốt, giữ được đà tăng trưởng ổn định.
Lợi nhuận trước trích lập Đề án của Sacombank đạt hơn 10.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và đạt 55,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Các chỉ số an toàn hoạt động luôn tuân thủ quy định và cải thiện tích cực, đặc biệt là hệ số CAR luôn duy trì trên mức 9%, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu an toàn hoạt động và khai thác hiệu quả nguồn vốn.
Quy mô hoạt động của Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ, tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 551.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt gần 415.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,22% (từ mức 1,47% hồi đầu năm). Chỉ số ROA, ROE tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt mức 0,77% và 11,86%.
Tổng thu nhập tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 11.200 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ tăng gần 85% với sự đóng góp lớn từ mảng dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng điện tử. Hiệu suất lao động được cải thiện, tỷ lệ CIR đạt mức 48,3%, giảm 8% so với cùng kỳ.
Prudential Việt Nam nhận 2 giải thưởng cho kênh phân phối qua hợp tác ngân hàng
Mới đây, Prudential Việt Nam đã liên tiếp đón nhận hai tin vui khi được Global Business Outlook (GBO) và International Finance Magazine (IFM) – hai tạp chí hàng đầu tại Anh Quốc trao 2 giải thưởng.
Đó là giải thưởng “Công ty Bancassurance tốt nhất” năm 2022 tại Việt Nam nhằm ghi nhận sự phát triển cho kênh phân phối bảo hiểm thông qua hợp tác ngân hàng.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm phân phối qua kênh hợp tác ngân hàng (bancassurance) năm 2021 chiếm khoảng 39% tổng doanh thu khai thác mới. Tại Việt Nam, Prudential là doanh nghiệp tiên phong đưa mô hình này vào hoạt động phân phối bảo hiểm.
Tính đến năm 2022, kênh Bancassurance của Prudential Việt Nam đã có 20 năm hoạt động, luôn dẫn đầu thị trường phân phối bảo hiểm qua kênh này với mức tăng trưởng tốt qua từng năm. Đến nay, Prudential Việt Nam có quan hệ hợp tác đồng thời với 7 ngân hàng, gồm: UOB, Standard Chartered, Shinhan Bank, PVcomBank, SeABank, MSB và VIB. Bất chấp những thách thức do COVID-19 gây ra vừa qua, Prudential đã kết thúc năm 2021 với nhiều thành tích giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường Bancassurance Việt Nam, tăng trưởng 18% so với năm 2020 và đạt được 2.906 tỷ đồng APE, chiếm hơn 50% tổng doanh thu của Prudential Việt Nam.
Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 17.300 tỷ đồng
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 với lợi nhuận trước thuế 17.373 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng 28% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 17.300 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Như vậy, tính đến thời điểm này Vietcombank tạm thời giữ vị trí "quán quân" về con số lợi nhuận. Ngân hàng này còn gây chú ý khi nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên hơn 500%, cao nhất từ trước đến nay.
Riêng trong quý 2, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng gấp rưỡi lên 7.423 tỷ đồng với động lực tăng trưởng đến từ nhiều mảng. Trong khi thu nhập lãi thuần tăng khiêm tốn 15,3% thì các mảng dịch vụ, ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư, kinh doanh... đều tăng mạnh từ hơn 49% trở lên.
Tăng trưởng lợi nhuận một phần đến từ việc ngân hàng cắt giảm hơn 15% chi phí dự phòng rủi ro từ 3.225 tỷ đồng xuống 2.733 tỷ đồng trong quý 2 (luỹ kế 6 tháng giảm 9%).
Tính đến 30/6, tổng tài sản của Vietcombank tăng mạnh 13,3% lên 1,6 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này tăng tới 14,6% so với đầu năm lên 1,1 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn ngành (9,35%).
Tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank tăng 5,3% lên hơn 1,19 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 402.345 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Tiền gửi vốn chuyên dùng lại giảm 64% xuống 11.326 tỷ đồng, tiền gửi ký quỹ tăng 49% lên 9.416 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng đạt 35,4%, giảm nhẹ so với mức 35,7% hồi đầu năm.
Lũy kế 6 tháng, lĩnh vực thế mạnh kinh doanh ngoại hối của Vietcombank thu về lợi nhuận gần 3.000 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng cuối tháng Sáu là 6.694 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 4.668 tỷ đồng, tăng 6,3%. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietcombank giảm từ 0,64% hồi đầu năm xuống 0,61% vào cuối tháng 6/2022.
Đặc biệt, ngân hàng thiết lập kỷ lục mới về tỷ lệ bao phủ nợ xấu khi nâng từ 424% hồi đầu năm lên 506% vào cuối tháng Sáu. Cứ một đồng nợ xấu thì ngân hàng đã dự phòng tới 5 đồng. Đây cũng là tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành ngân hàng từ trước đến nay./.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 27/7: 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được tín dụng chính thức