Tin ngân hàng ngày 27/7: Vì sao ngân hàng tích cực mua lại đồng thời phát hành mới trái phiếu?
Tin ngân hàng ngày 26/7: "Big 4" đồng loạt giảm lãi suất huy động Tin ngân hàng ngày 25/7: ACB muốn phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu |
Vì sao ngân hàng tích cực mua lại, đồng thời phát hành mới trái phiếu?
Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài (cùng một số điều kiện khác) là một cách phổ biến để ngân hàng tăng vốn cấp 2, từ đó cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng chuẩn mực về quản trị rủi ro theo Basel II. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài cũng giúp ngân hàng cân đối tốt hơn cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa vừa được điều chỉnh từ 34% xuống 30% từ ngày 1/10/2023.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ tìm cách mua lại trước hạn các trái phiếu này để có dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm, nhằm tăng giá trị được tính vào vốn tự có cấp 2 nhiều hơn.
Nói một cách khác, việc mua lại trước hạn các trái phiếu để đảm bảo đủ điều kiện cho kế hoạch phát hành mới là cách mà các ngân hàng tái cơ cấu lại kỳ hạn của trái phiếu theo hướng dài hơn, nhằm duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao, cũng như đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Chứng khoán VnDirect cho rằng, nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện và động lực để các ngân hàng thực hiện mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình.
Theo số liệu tổng hợp của công ty chứng khoán này trong quý II, nhóm ngân hàng mua lại tổng cộng 39.842 tỷ đổng trái phiếu trước hạn, chiếm 63,7% tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn của toàn thị trường. Trước đó, nhóm này chỉ mua lại trước hạn 330 tỷ đồng trái phiếu trong quý I.
MSB điều chỉnh giảm 1% lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp
Cụ thể, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có món vay giải ngân bằng VND từ ngày 19/07/2023 tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB )sẽ được giảm lãi suất đến 1%/năm ở tất cả các kỳ hạn (áp dụng với khách hàng có doanh thu hàng năm từ 10 đến 1.000 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, MSB vẫn đang tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng cho các SME tiềm năng thuộc lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất và xây dựng.
Không chỉ dừng lại ở việc giảm lãi suất, hàng loạt sản phẩm và giải pháp số hóa đáp ứng những nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp như: mở tài khoản thanh toán online, nộp hồ sơ vay vốn online, chuyển tiền nhanh, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền quốc tế, bán ngoại tệ, giải ngân trực tuyến, bảo lãnh L/C… cũng được MSB áp dụng nhằm tối đa hóa lợi ích cho doanh nghiệp. Ngoài ra, với tiềm lực hiện có, MSB cũng áp dụng một số giải pháp tài chính linh hoạt, giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai.
Nổi bật trong số đó là M.Power - giải pháp cấp tín dụng tín chấp của MSB được số hóa toàn diện cho KHDN với hạn mức cấp tối đa lên đến 15 tỷ đồng. Với gói giải pháp này khách hàng có thể Chủ động tra cứu hạn mức dự kiến được cấp chỉ trong vòng 60 giây tại website cho vay doanh nghiệp chuyên biệt của MSB (https://vaydoanhnghiep.msb.com.vn/); Thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến hoàn toàn và cực kỳ nhanh chóng 4 bước thay vì tới quầy; Sử dụng chữ ký để xác thực và không cần cung cấp hồ sơ bản giấy; Chủ động tra cứu và được cập nhật trạng thái xử lý khoản vay liên tục trên hệ thống online. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chọn M-Supreme của MSB - Giải pháp cấp tín dụng online toàn diện đến 200 tỷ đồng, tối đa 280% giá trị tài sản bảo đảm với thời hạn vay đến 84 tháng cùng đa dạng hình thức tài trợ, sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Với M.Power và M-Supreme, MSB hiện là ngân hàng tiên phong trên thị trường Việt Nam cung cấp giải pháp tài chính hoàn toàn trực tuyến, đáp ứng nhu cầu về vốn cũng như đồng hành phát triển "vươn tầm" của mỗi doanh nghiệp trong tương lai.
HDBank triển khai toàn diện Basel III
HDBank là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam vừa hoàn thành triển khai toàn diện Basel III.
Đây là kết quả tích cực của sự phối hợp giữa HDBank và các công ty tư vấn hàng đầu thế giới.
Theo đó, HDBank đã hoàn thành triển khai nâng cấp toàn diện Basel II lên Basel III Reforms ở tất cả các chỉ số và tuân thủ theo các yêu cầu khắt khe được Ủy ban Basel khuyến nghị các ngân hàng quốc tế áp dụng từ 01/01/2023.
Với việc áp dụng chuẩn mực Basel III Reforms, HDBank hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững như: Nâng cao năng lực tài chính, thông qua áp dụng chỉ số CAR (chỉ số an toàn vốn) – với yêu cầu tối thiểu cao hơn so với Basel II, và Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP); Tỷ lệ đòn bẩy (Leverage Ratio); Nâng cao khả năng thanh khoản, thông qua áp dụng LCR, NSFR; hoàn thiện hơn hệ thống kiểm soát nội bộ (Internal Control System).
Đây là các cơ sở giúp HDBank phát triển hiệu quả và vững chắc, nhất là trước bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động và có xu hướng tiếp tục khó khăn. Bước tiến quan trọng này tiếp tục khẳng định nền tảng quản trị rủi ro vững chắc của HDBank trong hoạt động, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai toàn diện Basel III Reforms, từ tháng 7/2023, HDBank chính thức triển khai thành công chuẩn mực theo Basel III Reforms với sự tư vấn của Công ty Cổ phần tư vấn EY Việt Nam.
Trước đó, từ giữa năm 2019, HDBank đã triển khai việc hoàn thiện và nâng cấp Basel III theo từng hạng mục, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống phương pháp luận, các chính sách, cơ cấu tổ chức và các công cụ tính toán khá phức tạp về quản lý rủi ro thanh khoản, quản lý rủi ro thị trường…
Để triển khai áp dụng Basel III, HDBank đã chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tăng cường nền tảng số hoá, công bố thông tin minh bạch, hoàn thiện cơ chế chính sách...
Việc triển khai toàn diện tiêu chuẩn Basel III Reforms cho thấy HDBank đang là một trong những ngân hàng tiên phong, áp dụng tiêu chuẩn hàng đầu về quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.
Ngân hàng BIDV được cấp room kịch trần
Lãnh đạo ngân hàng BIDV vừa cho biết ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận điều chỉnh tỉ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14% năm 2023.
|
Cụ thể, đầu tháng 7 vừa qua, BIDV được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận điều chỉnh tỉ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14% năm 2023. Ngay lập tức, BIDV đã phân bổ giới hạn này trên toàn hệ thống nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.
Ngoài BIDV, ngân hàng VietinBank cũng được nới room tín dụng lên đến 14%. Trong khi đó, Vietcombank và Agribank không đề nghị nới room tín dụng lần này.
Lãnh đạo BIDV cho biết, với việc triển khai các giải pháp đồng bộ, trong nửa đầu năm nay, toàn hệ thống BIDV đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 7% (cao hơn mức chung toàn ngành ngân hàng 4,73%), tương ứng dư nợ khoảng 1,6 triệu tỉ đồng.
Trong đó tín dụng doanh nghiệp tăng trưởng 7,3%, tương ứng với mức tăng tuyệt đối 60.000 tỉ đồng. Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng 40% tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cuối năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay 4 lần với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm. Đồng thời, chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm, quy mô lên tới 253.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhằm cung ứng vốn cho nền kinh tế, vào ngày 10/7, NHNN cũng đã chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống là 14%.
Trước đó, vào cuối tháng 2, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng với tỉ lệ khoảng 11%.
Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng tương đối thấp so với cả giai đoạn 2018-2022 và chỉ tương đương với cùng kỳ của năm 2020.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc tín dụng nửa đầu năm nay tăng trưởng chậm chủ yếu là do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 27/7: Vì sao ngân hàng tích cực mua lại đồng thời phát hành mới trái phiếu?