Tin ngân hàng ngày 29/3: Techcombank dự kiến tăng vốn lên hơn 70.450 tỷ đồng trong năm 2024
Tin ngân hàng ngày 28/3: OCB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20% trong năm 2024 Tin ngân hàng ngày 27/3: LPBank dự kiến mua 20 triệu cổ phiếu của công ty chứng khoán |
Techcombank dự kiến tăng vốn lên hơn 70.450 tỷ đồng trong năm 2024
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2024 với kế hoạch tăng vốn khủng từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Ảnh minh họa |
Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ bao gồm: lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank.
Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới).
Thời gian dự kiến thực hiện là trong năm 2024 hoặc cho đến khi ngân hàng hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu của pháp luật.
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa hiện tại và sau khi tăng vốn sẽ không đổi là 22,486% vốn điều lệ. Số vốn tăng thêm dự kiến sẽ được sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của Techcombank.
Bên cạnh việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, HĐQT Techcombank cũng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu (tương ứng 1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng), tương ứng số tiền phải chi là gần 5.284 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý 2 hoặc quý 3/2024.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,2% (theo phê duyệt của NHNN), lợi nhuận trước thuế đạt 27.100 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước. Đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%.
Trong năm 2023, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 22.900 tỷ đồng, tương đương khoảng 104% kế hoạch trước đó. Tổng tài sản đạt 849.500 tỷ đồng, tăng 21,5% so với hồi đầu năm 2023. Trong đó, huy động tiền gửi từ khách hàng tăng 26,9%, đạt 454.700 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 4/2023, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng này đã tăng 3 quý liên tiếp, đạt 181.500 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022, giúp đưa tỷ lệ CASA cả năm 2023 lên mức 39,9%.
Vốn FDI tiếp tục tăng mạnh, đạt hơn 6,17 tỷ USD
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm.
Theo đó, tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (vốn góp) của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính lũy kế đến ngày 20/3, cả nước có 39.758 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 475,83 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 301,8 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm.
Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 970,8 triệu USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 6,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do Hà Nội có dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới ở Hà Nội.
Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 745,2 triệu USD, chiếm gần 12,1% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tp.HCM, Đồng Nai…
Nếu xét về số dự án, Tp.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 38,4%), điều chỉnh vốn (chiếm 17,3%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 72,7%).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 3,93 tỷ USD, chiếm gần 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 224,8 triệu USD và gần 190,2 triệu USD.
VietBank miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc đối với Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm
HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank ) vừa có quyết định miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc VietBank đối với bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm
Được biết, bà Trần Thị Lâm được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc ngân hàng Vietbank từ ngày 19/5/2023. Bà cũng là một trong những cổ đông sáng lập đầu tiên của VietBank bên cạnh những pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.
Bà Trần Thị Lâm sinh năm 1959, tại huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Bà tốt nghiệp cử nhân Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Năm 1993, bà cùng chồng là ông Dương Ngọc Hòa thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Nhất Nguyên, sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm).
Năm 1998 bà độc quyền bán xe máy của hãng Daelim (Hàn Quốc). Trong giai đoạn 1999-2004, Hoa Lâm sản xuất và kinh doanh xe gắn máy với thương hiệu chính là Halim, sau đó thành lập liên doanh Hoa Lâm - Kymco chuyên sản xuất lắp ráp và kinh doanh xe tay ga thương hiệu Kymco.
Tuy nhiên sau đó, bà quyết định thoái dần 70% vốn trong liên doanh Hoa Lâm - Kymco cho đối tác nước ngoài và rút ra hoàn toàn vào năm 2007 vì nhận ra không thể cạnh tranh được với Nhật Bản.
Cuối năm 2006, Tập đoàn Hoa Lâm cùng các cổ đông khác thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank), với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng.
Thời điểm đó, chồng bà Lâm làm Chủ tịch VietBank. Đến tháng 4/2021, con trai bà Lâm là ông Dương Nhất Nguyên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VietBank cho đến nay.
Sau khi bà Lâm rời ghế Phó tổng giám đốc, ban điều hành VietBank còn lại 7 người, trong đó bà Trần Tuấn Anh là Tổng giám đốc ngân hàng.
6 Phó tổng giám đốc lần lượt là các ông Đỗ Khoa Hiệp, Nguyễn Tiến Sỹ, Phạm Danh, Nguyễn Trọng Phúc, bà Ngô Trần Đoan Trình và bà Phạm Thị Mỹ Chi.
Về tình hình kinh doanh, thu nhập lãi thuần năm 2023 của VietBank đạt 1.999 tỉ đồng, tăng 10% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 647 tỉ đồng, tăng 24%.
HSBC dành 1 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nền tảng số tại ASEAN
Để giúp các doanh nghiệp nền tảng số của khu vực đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, phát triển danh mục tài sản và tăng trưởng trong suốt vòng đời của doanh nghiệp, HSBC công bố một quỹ tín dụng chuyên biệt trị giá 1 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp, Khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “Cũng như các doanh nghiệp có hoạt động trên quy mô quốc tế khác, chúng tôi rất hào hứng với nền kinh tế số đang bùng nổ tại ASEAN. Với lực lượng lao động thuần thục về số hóa, đang trên đà tăng trưởng và sẵn sàng tiêu thụ nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn - đặc biệt là trên nền tảng thương mại điện tử - ASEAN có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Chúng tôi rất vui mừng khi ra mắt Quỹ Tăng trưởng ASEAN đầu tiên và hợp tác với các công ty số hóa khi họ mở rộng kinh doanh trong khu vực và trên thế giới”.
Quỹ Tăng trưởng ASEAN của HSBC cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp đang gia tăng quy mô thông qua các nền tảng số trên khắp Đông Nam Á. Quỹ hỗ trợ những doanh nghiệp kinh tế mới, các doanh nghiệp lâu đời hơn và các tổ chức tài chính phi ngân hàng thông qua đánh giá các chỉ số hoạt động liên quan đến danh mục tài sản sinh dòng tiền của họ, thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào các chỉ số tài chính truyền thống.
Tại ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2022, 2023 và dự kiến sẽ duy trì vị trí này cho đến năm 2025. Kinh tế số Việt Nam hiện được dẫn dắt bởi thương mại điện tử, du lịch trực tuyến và truyền thông trực tuyến. Với dự báo số người dùng điện thoại thông minh sẽ đạt 67,3 triệu vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng Internet, Việt Nam đã trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành công nghiệp số và cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trong ngành.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 29/3: Techcombank dự kiến tăng vốn lên hơn 70.450 tỷ đồng trong năm 2024