Tin ngân hàng ngày 30/11: Doanh thu từ bán bảo hiểm giảm sâu
Tin ngân hàng ngày 29/11: Ồ ạt giải ngân tín dụng tháng cuối năm Tin ngân hàng ngày 28/11: Tiền gửi của người dân lập kỷ lục mới |
Doanh thu từ bán bảo hiểm của ngân hàng giảm sâu
Hậu quả từ cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành bảo hiểm có thể được nhìn thấy qua thu nhập từ bảo hiểm của một số ngân hàng trong 9 tháng năm 2023.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong số các nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, chỉ có 8 ngân hàng đưa ra thông tin chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm nằm trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, ngoại trừ PG Bank, tất cả đều ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm giảm. Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu bảo hiểm của 8 ngân hàng trên đạt 9.409 tỷ đồng, giảm 26,1% so cùng kỳ năm trước. Tình trạng này tương tự quý II/2023, khi các nhà băng trên ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm giảm 24,2% so với cùng kỳ.
MB, ngân hàng dẫn đầu trong danh sách, đã chứng kiến doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm giảm 16,9%, còn 5.989 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023. Doanh thu đi xuống kéo theo lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm giảm 28,21%, còn 2.105 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, bảo hiểm từng giúp MB mang về hơn 7.200 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.900 tỷ đồng lãi thuần.
Các ngân hàng còn lại đều ghi nhận doanh thu từ hoạt động bảo hiểm sụt giảm sâu. Tỷ trọng doanh thu từ bảo hiểm trên tổng doanh thu dịch vụ đã giảm từ 38,7% trong 9 tháng đầu năm trước, xuống còn 27,8% trong cùng kỳ năm nay.
Chẳng hạn, tại SeABank, bảo hiểm từng chiếm gần 30% nguồn thu từ dịch vụ vào năm ngoái, thì trong nửa đầu năm nay, nguồn thu này giảm hơn 81% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ chiếm 9% doanh thu dịch vụ.
Một số ngân hàng như Techcombank, TPBank cũng chứng kiến tỷ trọng của bảo hiểm giảm sâu.
Ngân hàng hạ giá gần 200 tỷ đồng một bất động sản tại Nha Trang
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa có thông báo bán đấu giá khoản nợ lần 4 của CTCP Khách sạn Bến du thuyền (Marina Hotel).
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này của Khách sạn Bến Du Thuyền là dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) - Khu B, tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, TP Nha Trang.
Dự án bao gồm 690 căn hộ và sân vườn Penthouse tầng 36; tầng hầm và 35 tầng kinh doanh thương mại. Tất cả đều là những tài sản hình thành trong tương lai. Hợp đồng thế chấp được Agribank Chi nhánh Đống Đa và khách hàng ký ngày 16/10/2018.
Theo thông báo, Agribank đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 948 tỷ đồng, giảm đáng kể so mức 1.145 tỷ đồng hồi tháng 9 vừa qua, tức hạ gần 200 tỷ đồng.
Buổi đấu giá sẽ được tổ chức vào lúc 08 giờ 30 phút ngày 06/12/2023 tại trụ sở Công ty Đấu giá Hợp danh Thắng Lợi - Tầng 4, Tháp 2, Tòa nhà Times Tower, số 35 phố Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Trước đó, dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia - Swisstouches Laluna Resort - Khu A cũng từng được VietinBank rao bán để xử lý thu hồi nợ vay. Tổng dư nợ tín dụng tại thời điểm rao bán (tháng 8/2022) là hơn 540 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất rộng gần 6.000m2 tại dự án xây dựng khách sạn, căn hộ du lịch có thời hạn sử dụng đến năm 2064.
Theo kế hoạch, dự án Swisstouches La Luna Resort được vận hành vào quý 4/2019, có diện tích khoảng 4,74ha, sau khi hoàn thành sẽ cung cấp hơn 1.000 căn condotel cao cấp và các căn penthouse. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao nhà cho khách hàng theo cam kết.
Theo tìm hiểu, CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền được thành lập tháng 11/2016, hiện công ty có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Bến Du Thuyền là ông Lã Quang Bình (SN1979) từng là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Điện lực (ECInvest, UPCoM: EIN) - chủ sở hữu hàng loạt khách sạn như Khách sạn Du lịch Điện lực (Quận 1, TP HCM), Khách sạn Du lịch Điện lực Vũng Tàu, Dự án Chung cư cao tầng An Dương Vương - Điện lực (Peridot Building, Quận 8, TP HCM).
Yêu cầu xử lý nghiêm sở hữu chéo, doanh nghiệp "sân sau" ngân hàng
Sáng 29/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực.
Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tập trung ưu tiên, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập cho người lao động. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về lĩnh vực tài chính, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước. Rà soát, hoàn thiện pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Quốc hội yêu cầu lĩnh vực ngân hàng hoàn thiện pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nhất là cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng.
Mở thẻ tín dụng BIDV được tặng tới 2 triệu đồng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây công bố chính sách ưu đãi đối với thẻ tín dụng, thời gian từ nay đến 31/12/2023 hoặc tới khi ngân sách hết hạn, tùy điều kiện nào đến trước.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, khi khách hàng mở mới thẻ tín dụng quốc tế BIDV JCB Ultimate sẽ được tặng 2 triệu đồng (tương đương phí thường niên 1,5 triệu đồng và thêm 500.000 đồng) khi khách hàng chi tiêu từ 5 triệu đồng trong vòng 30 ngày kể từ ngày mở thẻ.
Còn khi mở thẻ tín dụng hạng Platinum thì được tặng 1 triệu đồng (tương đương phí thường niên 1 triệu đồng) khi khách hàng chi tiêu từ 2 triệu đồng trong vòng 30 ngày kể từ ngày mở thẻ; Tặng thêm 500.000 đồng khi khách hàng chi tiêu thêm từ 1 triệu đồng trong vòng 30 ngày kể từ ngày mở thẻ.
Ngoài ra, BIDV còn đang triển khai hàng loạt các loại thẻ tín dụng khác cũng với nhiều ưu đãi như miễn phí thường niên, hoàn tiền khi chi tiêu tại nhà hàng, khách sạn và các giao dịch khác.
Đặc biệt, riêng nhóm khách hàng ưu tiên, BIDV triển khai nguyên gói đặc quyền thượng lưu cho các chủ thẻ BIDV Premier. Theo đó, chủ thẻ quyền lực này sẽ được miễn 3 loại phí gồm phí phát hành, phí thường niên, phí phạt chậm thanh toán. Trong đó phí phạt chậm thanh toán là ưu đãi hấp dẫn mà hầu như không ngân hàng nào áp dụng và các chủ thẻ thường cũng không có cơ hội trải nghiệm.
Với thẻ BIDV Premier, khách hàng còn được tận hưởng đặc quyền ưu tiên tại các dịch vụ Golf, Spa, Ẩm thực, Du lịch, Sức khỏe, Phòng chờ cao cấp và được phát hành thẻ nhận diện khách hàng ưu tiên của BIDV trên toàn quốc.
Đồng thời chủ thẻ Premier cũng được hoàn tương đương 2% tại lĩnh vực golf, spa, nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp khi chi tiêu tại nước ngoài; 0,3% khi chi tiêu ngoại tệ và 0,15% cho các chi tiêu khác.
Khi đặt vé máy bay, khách hàng sẽ được giảm 10% cho chặng bay nội địa và 5% cho chặng bay quốc tế; hoàn đến 10% khi đặt phòng tại Booking.com/VisaVN; được tặng 01 lượt sử dụng dịch vụ đón tiễn ưu tiên sân bay Fasttrack khi cài đặt UrBox và chi tiêu nước ngoài đạt mức chi tiêu 20 triệu đồng/tháng. Khi đi du lịch nước ngoài, BIDV sẽ hoàn 50% phí giao dịch nước ngoài với chủ thẻ cho phần tăng thêm khi cán mốc chi tiêu từ 100 triệu đồng trở lên.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 30/11: Doanh thu từ bán bảo hiểm giảm sâu