Tin ngân hàng ngày 3/8: Nhiều ngân hàng siết nợ doanh nghiệp du lịch, khách sạn
Tin ngân hàng ngày 2/8: 6 tháng đầu năm, Agribank báo lãi trước thuế đạt hơn 15.000 tỉ đồng Tin ngân hàng ngày 1/8: Rút tiền trước hạn vẫn được hưởng lãi cao |
Nhiều ngân hàng siết nợ doanh nghiệp du lịch, khách sạn
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (VietinBank Thừa Thiên Huế) cho biết, đang tiến hành các thủ tục bán khoản nợ của Công ty TNHH Doanh Ngân. Theo VietinBank, tổng dư nợ khách hàng tính đến ngày 19/5/2022 là hơn 178 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc hơn 60 tỷ và nợ lãi là gần 118 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản nợ trên là Quyền sử dụng đất và công trình khách sạn gắn liền với đất tại số 16 Nguyễn Thái Học, Phú Hội, TP Huế.
Khách sạn 4 sao Romance là tài sản thế chấp cho khoản nợ của Công ty TNHH Doanh Ngân/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo tìm hiểu, tọa lạc tại địa chỉ trên là khách sạn 4 sao có tên Romance. Như vậy, cá nhân hoặc tổ chức nào mua lại khoản nợ của VietinBank sẽ có quyền xử lý tài sản bảo đảm này.
Trước đó hồi tháng 5, VietinBank cũng rao bán khoản nợ hơn 36 tỷ đồng của Công ty TNHH CoCo City Tour. Trong đó, dư nợ gốc là 26,9 tỷ đồng, nợ lãi 9,4 tỷ đồng (lãi trong hạn 8,7 tỷ đồng, lãi phạt chậm trả 703 triệu đồng).
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất, kinh doanh tại thửa đất số 39 tờ bản đồ số 11 (Khách sạn Cây Thông). Khách sạn này có địa chỉ tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích 1.250 m2, thời hạn sử dụng lâu dài theo hợp đồng thế chấp từ năm 2018. Ngoài ra, khoản nợ này còn được đảm bảo bởi 16 xe buýt mui trần (1 tầng và 2 tầng) thương hiệu THACO, động cơ HINO.
Mới đây, Sacombank cũng rao bán khoản nợ hơn 198 tỷ đồng (tính đến 15/10/2020) của Doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Nhà hàng Thanh Hải. Tài sản bảo đảm là hợp đồng mua bán các căn hộ thuộc Dự án Happy Plaza, Lô A10 đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, TP HCM.
Hồi tháng 4, SHB thông báo bán khoản nợ của Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Nữ Hoàng tại chi nhánh SHB Hoàn Kiếm. Khoản nợ được thế chấp bằng 6 xe ô tô phục vụ việc vận tải hành khách gồm: Tổng giá trị tài sản bảo đảm là gần 18,3 tỷ.
Vietcombank cũng nhiều lần rao bán tài sản đảm bảo là khách sạn Hemera Boutique Hotel, nằm gần bãi biển Mỹ An - Đà Nẵng để thu hồi nợ. Khách sạn này được Vietcombank chào bán với giá khởi điểm gần nhất 74,3 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của SHB đạt gần 5,9 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 với các kết quả kinh doanh ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 84% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành trên 50% kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra.
Theo đó, tính đến hết 30/06/2022, tổng tài sản của SHB đạt 522.131 tỷ đồng, hoàn thành 91,7% kế hoạch năm 2022. Vốn điều lệ đạt 26.674 tỷ đồng, vốn tự có đạt 58.763 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II đạt gần 12%, xếp hạng tín nhiệm của Moody’s đạt B1 – triển vọng tích cực. Tổng vốn huy động của SHB đạt 471.160 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 390.554 tỷ đồng, cả 2 chỉ tiêu đều hoàn thành 93% kế hoạch năm 2022.
Các chỉ tiêu tài chính cơ bản của SHB đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 đã đưa Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 của SHB đạt gần 5,9 nghìn tỷ đồng (tăng 84%), tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 9,5 nghìn tỷ đồng (tăng 113%).
Đặc biệt, SHB đã kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động và là một trong những ngân hàng TMCP kiểm soát chi phí tốt trong hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam.
Dự kiến trong quý 3, SHB sẽ được NHNN cấp phép để hoàn thành giao dịch bán Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHBFC), dự kiến thu về nguồn thặng dư vốn đáng kể trong năm 2022 và 3 năm tiếp theo, góp phần nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB.
Với kết quả kinh doanh tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022, mục tiêu tổng lợi nhuận tối thiểu 11.686 tỷ trong năm 2022 của SHB là hoàn toàn khả quan.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ lần thứ 30, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng trên 12%, vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%.Bên cạnh việc phát triển kinh doanh, SHB luôn lấy khách hàng làm trọng tâm và đề cao trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Eximbank có lợi nhuận tăng mạnh nhất quý 2/2022
Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng, bức tranh kết quả kinh doanh quý 2/2022 có sự phân hóa mạnh khi 17 nhà băng tăng trưởng dương và 10 nhà băng còn lại tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Trong đó, Eximbank là ngân hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong quý 2 vừa qua khi báo lãi trước thuế đạt 1.094 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Có 2 nguyên nhân chính tạo nên kết quả ấn tượng này là hoạt động kinh doanh cốt lõi khả quan và kiểm soát chi phí hoạt động chặt chẽ hơn.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý 2 của Eximbank đạt 1.418 tỷ, tăng 44% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng tốt (8,6%), chi phí lãi được tối ưu. Các khoản trả lãi tiền gửi, trả lãi tiền vay trong quý 2/2022 ở mức 1.525 tỷ đồng, giảm 8,5% so với quý 2/2021.
Các mảng kinh doanh khác cũng có kết quả khả quan. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 46,6% lên 124 tỷ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 16,2%, đạt 119 tỷ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi thuần 89 tỷ đồng, gấp 13 lần mức cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác đạt 272 tỷ, gấp 4 lần cùng kỳ.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động quý 2 của nhà băng này đạt 2.022 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí hoạt động tăng nhẹ 2,8% lên 799 tỷ đồng. Chi lương và phụ cấp cho nhân viên trong quý 2/2022 của Eximbank giảm đáng kể so với cùng kỳ (giảm 10,5% xuống 414 tỷ đồng).
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm xuống còn 39% trong quý 2 năm nay. Trước đó, tỷ lệ này lên tới hơn 50% trong năm 2021 và thậm chí trên 65% năm 2018.
Chi phí dự phòng rủi ro quý 2/2022 của Eximbank cũng chỉ tăng 6% lên 130 tỷ. Nhờ vậy, ngân hàng báo lãi quý 2 năm nay cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.902 tỷ đồng, tăng 243% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất trong hệ thống.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản Eximbank đạt 174.583 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 124.528 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 141.495 tỷ đồng.
Nợ xấu của Eximbank tăng 4,3% trong 6 tháng đầu năm lên 2.344 tỷ, mức tăng thấp hơn so với toàn danh mục cho vay. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm từ 1,96% xuống 1,88%.
NCB ra mắt sản phẩm tiết kiệm “Rút gốc linh hoạt”
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa ra mắt sản phẩm tiết kiệm “Rút gốc linh hoạt”. Theo đó, “Rút gốc linh hoạt” là sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn gửi từ 1 tháng đến 60 tháng với lãi suất hấp dẫn, cho phép khách hàng được rút một phần hoặc toàn bộ số tiền gốc trước hạn, số tiền gốc còn lại vẫn được NCB bảo toàn lãi suất có kỳ hạn như ban đầu.
NCB ra mắt sản phẩm tiết kiệm “Rút gốc linh hoạt”/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đại diện NCB chia sẻ: “Trước đây, khi cần rút tiền trước hạn thì người gửi tiền phải rút toàn bộ số tiền gửi và chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, điều này khiến người gửi không mạnh dạn chọn các kỳ hạn dài hơn. Sản phẩm tiết kiệm “Rút gốc linh hoạt” của NCB triển khai sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn linh hoạt của khách hàng. Giờ đây, khi cần tiền đột xuất, khách hàng hoàn toàn có thể rút một phần tiền gửi của mình để tiêu dùng mà không phải tất toán trước hạn toàn bộ số tiền gửi”.
Việc ra mắt sản phẩm tiết kiệm “Rút gốc linh hoạt” phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư số 04/2022/TT-NHNN mới được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, hứa hẹn sẽ đem đến những trải nghiệm gửi tiền thuận tiện, linh hoạt cho khách hàng.
Trong thời gian 3 tháng kể từ ngày ra mắt sản phẩm, NCB đang áp dụng chính sách cộng thêm 0,1%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng gửi tiết kiệm “Rút gốc linh hoạt”.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 3/8: Nhiều ngân hàng siết nợ doanh nghiệp du lịch, khách sạn