Tin ngân hàng ngày 4/1: Không còn cơ chế xin - cho room tín dụng
Tin ngân hàng ngày 3/1: Định hướng tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng ngay đầu năm |
Không còn cơ chế xin - cho room tín dụng
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng sáng 3/1, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức 15% và được giao toàn bộ ngay từ đầu năm.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Với mức tăng trưởng tín dụng này, tương đương sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế qua kênh cho vay của hệ thống ngân hàng. Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước còn nhấn mạnh đây là mức tăng trưởng định hướng và sẽ có điều chỉnh theo tình hình thực tế thị trường. “Nếu cầu tín dụng tốt, nhu cầu vốn nền kinh tế cao, mức tăng trưởng tín dụng có thể là 16% chứ không chỉ 15%”.
Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, hạn mức tín dụng là bước thay đổi về cơ chế điều hành, trước đây xem là khoản cấp phát nay là cơ chế giao. Bởi năm ngoái có ngân hàng tăng hết room, thậm chí âm.
“Chúng tôi đặt ra phải làm sao tăng, đây là thông điệp vốn đưa vào nền kinh tế phải mạnh mẽ hơn. Nếu ngân hàng nào hết hạn mức có thể Ngân hàng Nhà nước xem xét gia tăng làm sao vào đúng chưa không phải được ít vốn ném hết vào sân sau, sinh thái. Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát việc này. Chúng tôi khẳng định năm 2024 không còn cơ chế xin - cho room tín dụng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường; các tổ chức tín dụng cũng được chỉ đạo tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Theo NHNN, đến cuối năm 2023, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở mức 0,2%-0,5%/năm. Lãi suất huy động mới bình quân của toàn hệ thống là 3,5%/năm. Lãi suất bình quân cho vay mới là 6,7%/năm. Riêng lãi suất cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ chỉ còn dưới 4%/năm.
"Lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm vừa qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Tinh thần chỉ đạo của NHNN là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để lấy cơ sở hỗ trợ nền kinh tế. Về mặt điều hành, NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Nhận định kinh tế năm 2024 còn nhiều khó khăn nên NHNN dự kiến kéo dài chính sách giãn, hoãn nợ cho người dân và doanh nghiệp theo Thông tư 02 trong năm 2024.
"Nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn nợ…rất có ý nghĩa cho cả ngân hàng thương mại lẫn doanh nghiệp, khách hàng vay vốn. Nếu đến 30/6/2024, nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn cần chính sách giãn hoãn nợ thì chúng tôi sẽ kéo dài thời hạn thực hiện Thông tư 02", ông Tú cho biết.
Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh thêm rằng nhà điều hành sẽ cân đối để một mặt khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế nhưng cũng đảm bảo nợ xấu được phản ánh khách quan, tránh nợ xấu âm ỉ trong nền kinh tế.
Cho năm 2024, bên cạnh việc điều hành hiệu quả lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng nhà nước sẽ quyết liệt hơn trong xử lý ngân hàng yếu kém.
VIB hé lộ kết quả kinh doanh năm 2023
Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã hoàn tất việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Theo đó, ngân hàng đã thông qua phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 6%.
VIB cho biết, kết thúc quý 3/2023, nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng là 7.133 tỷ đồng. Theo quy chế tài chính, VIB sẽ trích lập tối thiểu 15% nguồn lợi nhuận sau thuế trong năm cho các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu (bao gồm 5% cho quỹ dự phòng bổ sung vốn điều lệ và 10% cho quỹ dự phòng tài chính), số tiền trích lập các quỹ tính trân lợi nhuận 3 quý đầu năm 2023 là 992 tỷ đồng. Như vậy, nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi thực hiện trích lập các quỹ là 6.141 tỷ đồng, do đó VIB có thể sử dụng một phần số tiền này để thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ tạm ứng cổ tức tiền mặt trên vốn điều lệ là 6% và vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn về vốn và thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, theo mô hình tài chính và dự báo khả thi, VIB dự kiến sẽ đạt lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 là 8.640 tỷ đồng và nguồn lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 dự kiến đạt 9.159 tỷ đồng. VIB có thể chủ động thực hiện việc tạm ứng cổ tức tiền mặt tỷ lệ 6% mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng tới nguồn vốn chủ sở hữu và tiếp tục đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn, nguyên tắc kế toán theo quy định.
Việc thực hiện chia cổ tức tiền mặt, trong đó có tạm ứng cổ tức của năm tài chính trước liên kề vào quý 1 hàng năm, thể hiện sự nhất quán trong chính sách chi trả cổ tức của VIB, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Trước đó, VIB là ngân hàng đầu tiên thực hiện chia cổ tức tiền mặt trong năm 2023. Hồi đầu năm, nhà băng này đã chi gần 2.108 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5% cho cổ đông vào ngày 3/3. Sau đó tiếp đến ngày 5/5, VIB tiếp tục trả cổ tức tiền mặt năm đợt 2 với tỷ lệ 10%. Như vậy, tổng tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt trong năm 2023 mà VIB thực hiện lên tới 15%. Trong năm 2023, VIB cũng đã hoàn tất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% để nâng vốn điều lệ thêm 4.215 tỷ đồng lên mức 25.292 tỷ.
Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ đầu năm 2024
Thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ, NHNN về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Theo đó, từ ngày 01/01/2024, Agribank tiếp tục điều chỉnh chính sách lãi suất đối với cho vay trung hạn, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Đồng thời điều chỉnh giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank tiếp tục thông điệp mạnh mẽ chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Trước đó, trong năm 2023, trên cơ sở tiết giảm chi phí huy động đầu vào, Agribank đã thực hiện tám lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, theo đó lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ 1,3-4%/năm so với đầu năm. Bên cạnh đó, Agribank còn triển khai nhiều chương trình chính sách lãi suất cho vay như cho vay lĩnh vực lâm thủy sản, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP, cho vay hỗ trợ các cá nhân hưởng lương ngân sách, cho vay hỗ trợ đối với cán bộ nhân viên y tế; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ngành lúa gạo Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long…
Cùng với giảm lãi suất cho vay, Agribank đã triển khai 03 chương trình giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu của gần 2 triệu khách hàng với số tiền giảm lãi ước tính lên tới hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2023 và sẽ tiếp nối thực hiện trong năm 2024.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 4/1: Không còn cơ chế xin - cho room tín dụng