Tin ngân hàng ngày 5/12: Techcombank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động
Tin ngân hàng ngày 4/12: Ngân hàng Bản Việt hoàn tất mua lại trước hạn 100 tỷ đồng trái phiếu Tin ngân hàng tuần qua: Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN |
Techcombank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân từ ngày 4/12/2023. Lần điều chỉnh này, ngân hàng tiếp tục giảm 0,2 điểm % ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên tại Techcombank hiện nay chỉ còn 4,75-5%/năm. Trong đó, khách hàng thường được áp dụng lãi suất 4,75-4,85%/năm. Khách hàng Insipre được áp dụng lãi suất 4,8-4,9%/năm. Khách hàng Priority có lãi suất 4,85-4,95%/năm. Khách hàng Private có lãi suất cao nhất 4,9-5%/năm. Đối với mỗi nhóm khách hàng, người gửi tiền từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất cao nhất đối với nhóm đó.
Techcombank giữ nguyên lãi suất kỳ hạn gửi 6 tháng vẫn là 4,55-4,8%/năm. Trong đó, khách hàng thường được áp dụng mức lãi suất 4,55-4,6-4,65%/năm, tương ứng với mốc tiền gửi dưới 1 tỷ đồng – từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng – từ 3 tỷ đồng trở lên. Mức lãi suất cao nhất là 4,8% tại kỳ hạn này được áp dụng cho khách hàng Private gửi số tiền từ 3 tỷ đồng.
Trước đó, cũng trong phiên giao dịch đầu tuần trước (28/11), Techcombank cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở loạt kỳ hạn.
Bên cạnh Techcombank, trong tuần trước còn có Vietcombank cũng giảm lãi suất huy động. Nhà băng này đã giảm 0,2 điểm % lãi suất ở hầu hết kỳ hạn. Theo đó, lãi suất cao nhất ở Vietcombank chỉ còn 4,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn gửi từ 12 tháng trở lên.
Hiện nay trong nhóm ngân hàng lớn, ACB và Vietcombank là những ngân hàng niêm yết mức thấp nhất ở dưới 5%/năm. ACB hiện niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 4,7-4,9%/năm, trong đó mức 4,9% chỉ dành cho khách hàng gửi tiền online số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên.
Cùng trong nhóm Big 4, VietinBank, BIDV và Agribank có lãi suất cao hơn đáng kể so với Vietcombank. Ba ngân hàng này đang có lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,3%/năm, áp dụng với khách hàng gửi tiền từ 12 tháng trở lên.
Tại VPBank, lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên đều từ 5%/năm. Trong đó, mức cao nhất là 5,4%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền từ 10 tỷ đồng, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
MB có biểu lãi suất khá khác biệt so với ngân hàng lớn khác. Tại Techcombank, Vietcombank, ACB,…lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều cùng chung một mức. Trong khi đó tại MB, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 5,1%/năm, nhưng gửi 36 tháng sẽ có lãi suất tới 6,4%/năm.
SCB tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch tại TP HCM
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông thông báo chấm dứt hoạt động 6 phòng giao dịch tại TP HCM.
Cụ thể, SCB chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Bảy Hiền - Chi nhánh Thống Nhất từ ngày 2/12; Chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Nguyễn Thông - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch từ ngày 2/12; Chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Thị Nghè - Chi nhánh Tân Định từ ngày 6/12; Chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Hiệp Thành - Chi nhánh Hóc Môn từ ngày 6/12; Chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch An Hội - Chi nhánh Hóc Môn từ ngày 6/12; Chấm dứt hoạt động của Phòng giao dịch Lũy Bán Tích - Chi nhánh Thống Nhất từ ngày 6/12.
Trước đó, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa 21 phòng giao dịch tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, TP HCM và Hà Nội trong tháng 10 và tháng 11.
Thống kê từ website của SCB, từ đầu tháng 6 đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 39 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố là TP HCM (27 PGD), Hà Nội (5 PGD), Hải Phòng (1 PGD), Nghệ An (1 PGD), Bình Định (1 PGD), Đồng Nai (1 PGD), Đà Nẵng (1 PGD), Gia Lai (1 PGD) và Long An (1 PGD).
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã có văn bản chấp thuận việc SCB chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Phương Mai, Phòng giao dịch Hàng Gà tại Hà Nội. Song, SCB hiện chưa có thông báo chính thức về việc chấm dứt hoạt động hai phòng giao dịch này.
Cách đây hơn 1 năm, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này.
Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.
Đại diện SCB cho biết, sau hơn 1 năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Thị trường bảo hiểm còn nhiều dư địa để phát triển
Thị trường bảo hiểm Việt Nam được hình thành từ năm 1993, đến nay đã có bước phát triển đáng ghi nhận khi có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ, phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm được thành lập. Các sản phẩm bảo hiểm phong phú hơn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; doanh thu phí bảo hiểm có sự tăng trưởng khá.
Riêng trong năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế trong nước nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường bảo hiểm cũng gặp không ít thách thức.
Tuy vậy, với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế nói chung và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo hiểm, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì được nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, tạo kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển chất lượng hơn trong thời gian tới.
Thực tế, thời gian qua, thị trường bảo hiểm đã và đang chứng tỏ vai trò góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ an sinh - xã hội và cũng được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển.
Tính đến ngày 30/11/2023, thị trường bảo hiểm có 82 DNBH, trong đó có: 31 DNBH phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước. Các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu các DNBH ước đạt 190.227 tỷ đồng, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng, trong đó, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022. Các DNBH chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.467 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.
VietinBank ưu đãi phí cho doanh nghiệp SME tái sử dụng dịch vụ
Với gói ưu đãi SME Re-connect, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được nhận ưu đãi lên tới 80% phí phát hành bảo lãnh và phí phát hành thư tín dụng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp SME sử dụng dịch vụ phát hành bảo lãnh và phát hành thư tín dụng với mức phí ưu đãi, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) triển khai chương trình SME Re-connect trong 6 tháng, từ 1/12/2023 đến 31/5/2024.
Chương trình dành cho các doanh nghiệp SME đã từng sử dụng dịch vụ phát hành bảo lãnh, phát hành L/C nhập khẩu, thư tín dụng L/C thường nhưng chưa sử dụng lại dịch vụ trong năm 2023 hoặc năm 2024 theo quy định của chương trình. Khi tái sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp SME được hưởng mức phí ưu đãi đến 80% cho 3 giao dịch đầu tiên và giảm đến 50% mức phí cho các giao dịch sau. Thời gian ưu đãi lên đến 3 tháng kể từ ngày khách hàng tái sử dụng dịch vụ.
SME Re-connect là gói ưu đãi được VietinBank triển khai để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ phát hành bảo lãnh và thư tín dụng của doanh nghiệp SME trong giai đoạn cao điểm cuối năm 2023, đầu năm 2024. Với gói SME Re-connect, VietinBank mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp tiết giảm chi phí, vượt qua khó khăn, thách thức để từng bước mở rộng phát triển.
Phân khúc doanh nghiệp SME luôn là phân khúc khách hàng trọng tâm của VietinBank. Để hỗ trợ doanh nghiệp SME dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, VietinBank đã nghiên cứu để tinh gọn quy trình, thủ tục với giải pháp SME SIMPLE+. Đồng thời, trong năm 2023, VietinBank cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi SME UP có quy mô lên đến 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi liên tục được điều chỉnh giảm để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với các gói ưu đãi và giải pháp tín dụng không ngừng được cải tiến, VietinBank còn có danh mục sản phẩm đa dạng, toàn diện, phục vụ đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp SME trên mỗi hành trình, từ khi doanh nghiệp bắt đầu hành trình giao dịch tại Ngân hàng cho đến khi trở thành khách hàng thân thiết. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ xuất sắc đã giúp VietinBank được The Asian Banker bình chọn là Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam trong ba năm liên tiếp 2021 - 2023.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 5/12: Techcombank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động