Tin ngân hàng ngày 5/9: Ngân hàng, doanh nghiệp cùng ngóng nới room tín dụng
Tin ngân hàng ngày 3/9: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng trong đầu tháng 9 Tin ngân hàng ngày 2/9: Khách hàng an tâm giao dịch xuyên lễ cùng Nam A Bank |
Ngân hàng, doanh nghiệp cùng ngóng nới room tín dụng
Mới đây, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Phú Thọ cho biết, room tín dụng được ngân hàng cấp cho chi nhánh ngân hàng ông là 4%, nhưng 6 tháng đầu năm đã “xài” hết 3,8%. Room tín dụng còn lại nửa cuối năm quá ít, khiến chi nhánh phải xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng từ Tổng giám đốc, song nhận được câu trả lời là toàn hệ thống cũng đang cạn room và đang chờ Ngân hàng Nhà nước nới thêm room.
|
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay. Vừa qua, một ngân hàng đã thông báo các chi nhánh lùi thời hạn giải ngân tín dụng sang đầu tháng 9/2022.
Ngân hàng thiếu room đồng nghĩa với doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt (hoạt động trong lĩnh vực du lịch) cho hay, công ty ông đã bị ngân hàng từ chối cho vay với lý do "hết hạn mức tăng trưởng tín dụng".
Trước tình hình căng thẳng room tín dụng của các ngân hàng, cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, muộn nhất là đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay (trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% của năm 2022), nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước không công khai mức nới room cho từng ngân hàng, song khả năng chỉ một số ngân hàng thương mại được nới room. Theo đó, các ngân hàng có khả năng được nới room cao là Vietcombank, MB (nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc), VPBank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB...
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng cơ hội phục hồi. Nếu chờ đợi đến quý IV/2022 mới nới room là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, lạm phát của Việt Nam là do lạm phát chi phí đẩy (chủ yếu lạm phát nhập khẩu), chứ không phải lạm phát do cầu kéo. Chính vì vậy, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam không thể dùng chính sách tiền tệ, mà phải dùng biện pháp thuế (giảm thuế nhập khẩu để giảm giá hàng hóa). Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng. Theo chuyên gia này, tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15-16% là có thể chấp nhận được.
Thu thập thông tin cá nhân dự hội thảo đầu tư để lừa đảo vay tín dụng
Công an quận Hà Đông vừa ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Duy Quyền (SN 1977, quê quán: Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, khoảng tháng 11/2020, Phạm Duy Quyền lên mạng xã hội Facebook đăng lên các nhóm “Chạy tiệc cưới Hà Nội”, “Phát tờ rơi Hà Nội”… với nội dung: tuyển người nghe hội thảo Credit nhằm mục đích lấy thông tin cá nhân của những người đến tham dự hội thảo để làm hồ sơ vay tiền qua Công ty VietCredit. Để thu hút người đến dự hội thảo, Quyền thông báo: ai đến dự sẽ được nhận 80.000 đồng. Khi đến dự hội thảo, Quyền yêu cầu các khách hàng chụp ảnh 2 mặt CMND, CCCD gửi qua số điện thoại mà Quyền đang sử dụng.
Trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2021, Quyền lấy danh nghĩa tổ chức hội thảo tại 2 địa điểm: số 229 Tây Sơn, Quang Trung và số 131 Trần Phú, Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội). Khi những người đến dự hội thảo, Quyền nói “mọi người đến dự hội thảo phải ngồi nghe 1 đến 2 tiếng nhưng giờ chỉ cần điểm danh bằng cách cầm CMND và CCCD chụp ảnh” và hướng dẫn 3 bước như sau: Chụp ảnh CMND/CCCD hai mặt với thẻ nhân viên của VietCredit; chụp ảnh với nhân viên của VietCredit; chụp ảnh cầm 1 thẻ ATM in logo VietCredit. Rất nhiều người đã làm theo những hướng dẫn này.
Sau khi có được các thông tin cá nhân trên, Quyền mua nhiều sim điện thoại, lấy thông tin cá nhân từ các khách hàng rồi tự mình viết hợp đồng, tự ký tên của các khách hàng, sau đó làm hồ sơ vay tín dụng của Công ty VietCredit. Trong thời gian từ tháng 11/2020 đến nay, với phương thức thủ đoạn trên, Phạm Duy Quyền đã lấy thông tin của 139 nạn nhân là sinh viên để làm hồ sơ vay tín dụng của Công ty VietCredit, chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng.
Đến ngày 29/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hà Đông đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Duy Quyền về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đang tiếp tục làm việc với những người liên quan trong vụ án.
16 đơn vị bảo hiểm xã hội đã xây dựng đề án chuyển đổi số
Theo ông Lê Nguyên Bồng - Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam), tính đến cuối tháng 7/2022, đã có 16 đơn vị thuộc BHXH Việt Nam xây dựng đề án chuyển đổi số. Về cơ bản, đề án của các đơn vị đã đáp ứng yêu cầu, nội dung đã có cơ sở pháp lý, đánh giá hiện trạng, nhiệm vụ, giải pháp và dự kiến sản phẩm đạt được.
Về triển khai ứng dụng VssID - BHXH số, theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến 31/7, trên toàn quốc đã có hơn 26,3 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 737.807 người với hơn 1,3 triệu lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT.
Về xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ, bổ sung các trường thông tin. Đến hết tháng 7, BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 48,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, chuyển đổi số là một công tác mới, phức tạp, đòi hỏi ngành BHXH phải tiếp tục nắm bắt kịp thời xu thế, liên tục đổi mới, quyết liệt thực hiện trong toàn hệ thống mới có thể thành công. Trên cơ sở những kết quả đạt được, người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam yêu cầu, các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; đặc biệt là triển khai các dự án cần đánh giá, phân loại xem dự án nào cần ưu tiên làm trước, đảm bảo hiệu quả, không dàn trải, bám sát tình hình, đòi hỏi thực tế của ngành. Đồng thời, các đơn vị truyền thông của ngành tiếp tục tuyên truyền, nêu bật lên những cố gắng, sự quyết liệt, kết quả đã đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số, qua đó, thấy được sự quyết tâm của toàn hệ thống BHXH trong nỗ lực chuyển đổi số để phục vụ người dân, người tham gia thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ngày một tốt hơn.
Thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, cung cấp ngày càng nhiều các tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Agribank rao bán hàng nghìn tấn sắt thép “lưu kho” cao hơn giá thị trường
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh An Phú (TP HCM) thông báo bán đấu giá 2 lô hàng hoá thép các loại lên đến hơn 9.000 tấn để thu hồi nợ xấu.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, tài sản mang ra đấu giá lần này là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Gia Vượng tại Agribank chi nhánh An Phú.
Cụ thể, tài sản đảm bảo là các lô hàng thép các loại theo 2 hợp đồng tín dụng. Trong đó, tài sản 1 là 1.858 tấn thép theo hợp đồng cầm tài sản cố ký ngày 17/4/2019. Tài sản còn lại là 1.246 tấn theo hợp đồng cầm cố tài sản ký ngày 9/5/2019.
Phía Agribank chi nhánh An Phú đưa ra mức giá khởi điểm cho tổng tài sản cầm cố là 2 lô thép các loại có tổng trọng lượng 3.104 tấn là gần 51 tỷ đồng.
Theo hợp đồng cầm cố, các lô thép này được cầm cố từ năm 2019, tức đến nay đã hơn 3 năm. Với mức giá trên của phía Agribank, tương ứng giá thép bình quân khởi điểm hơn 16,43 triệu đồng/tấn.
Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh An Phú cũng có thông báo bán đấu giá gần 6.000 tấn sắt thép các loại để thu hồi nợ xấu của CTCP Đầu tư Khang Duy. Công ty này hoạt động từ tháng 2/2015, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất sắt, gang thép, cấu kiện kim loại, vật dụng bằng thép.
Theo thông báo, tài sản đảm bảo là 3 lô thép các loại, gồm các lô thép các loại có trọng lượng 1.250 tấn, cầm cố ngày 17/4/2017; 867 tấn thép cầm cố ngày 30/3/2018 và lô thép có trọng lượng 3.849 tấn cầm cố ngày 11/4/2018. Được biết, thép mang đi thế chấp chủ yếu là thép cuộn cán nóng và thép mạ kẽm.
Giá khởi điểm cho gần 6.000 tấn thép này là 95,6 tỷ đồng, tương đương khoảng 16 triệu đồng/tấn chưa bao gồm VAT và các phí khác. Tài sản được bán được nguyên trạng và theo phương thức có sao bán vậy. Không bán riêng từng tài sản.
Trên thị trường, giá bán thép cuộn cán nóng HRC giao tháng 10/2022 của Hòa Phát hiện đang ở mức 14 triệu đồng/tấn.
Như vậy, mức giá rao bán của hơn 9.000 tấn thép mà Agribank đưa ra hiện cao hơn 2-2,4 triệu đồng/tấn so với giá bán trên thị trường hiện nay.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 5/9: Ngân hàng, doanh nghiệp cùng ngóng nới room tín dụng