Tin ngân hàng ngày 6/10: VietinBank được tăng vốn điều lệ lên hơn 53.700 tỷ đồng
Tin ngân hàng ngày 5/10: Gần 120.000 tỷ đồng “bơm” ra nền kinh tế trong 9 ngày Tin ngân hàng ngày 4/10: Quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo |
VietinBank được tăng vốn điều lệ lên hơn 53.700 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tăng vốn điều lệ thêm gần 5.643 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức tiền mặt năm 2020.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trước đó, phương án tăng vốn này đã được HĐQT phê duyệt vào cuối tháng 8.Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành gần 564,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7415% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới).
Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ VietinBank sẽ tăng thêm gần 5.643 tỷ đồng, từ 48.057 tỷ đồng lên hơn 53.700 tỷ đồng.
Thời gian phát hành dự kiến là trong quý III - quý IV/2023.
Theo VietinBank, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VietinBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020.
Ngoài kế hoạch tăng vốn này, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016. Cụ thể, ngân hàng sẽ dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ đơn vị. Với tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 22,96%, vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.
Về việc phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận riêng lẻ sau thuế là 16.379 tỷ đồng, ngân hàng sẽ trích 5% cho quỹ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và hơn 2.300 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi. Sau khi trích các quỹ bắt buộc, lợi nhuận còn lại là 11.521 tỷ đồng sẽ được dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tín dụng tại TP HCM 9 tháng tăng trưởng chậm
Nhu cầu vốn yếu khiến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP HCM 9 tháng năm 2023 tăng chậm hơn năm ngoái và có xu hướng thấp hơn so với bình quân chung cả nước
Theo thông tin từ UBND TP HCM, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng tại địa bàn này đến cuối tháng 9/2023 dự kiến đạt 3.365.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm trước và tăng 5,89% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng trung và dài hạn chiếm tỷ trọng 53,1% tổng dư nợ, tăng 1,37% so với cuối năm và tăng 1,43% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm tỷ trọng 46,9%, tăng 7,84% so với cuối năm và tăng 11,42% so với cùng kỳ.
NHNN cũng thông báo đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, cao hơn so với dự báo ban đầu của Ngân hàng Nhà nước là 6,1-6,2%.
Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, đã chia sẻ rằng, đến cuối tháng 8/2023, tín dụng tại TP HCM chỉ tăng 3,26% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong tháng 8, đã có mức tăng trưởng gần 1%, và tăng trưởng tiếp tục tích cực trong tháng 9. Đây được xem là một tín hiệu tích cực.
Cũng theo ông Lệnh, còn 3 tháng nữa để kết thúc năm 2023, và đã có sự đồng bộ trong việc áp dụng các giải pháp từ cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong số các biện pháp này, tăng trưởng tín dụng được coi là quan trọng và trực tiếp.
Ông Lệnh cũng nêu rõ, tình hình kinh tế phức tạp và khó đoán định, cùng với tác động từ bên ngoài, đang gây ra những khó khăn và thách thức, và việc sử dụng các yếu tố nội lực và giải pháp chủ động là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Ông cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và thực hiện cải cách hành chính trong ngành ngân hàng để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho lâm, thủy sản đã triển khai được 5,5 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu của NHNN, gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho lĩnh vực lâm, thủy sản mới triển khai từ tháng 7/2023 đến nay nhưng đã đạt giá trị khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng.
Với tiến độ này, gói tín dụng nông thủy sản đã triển khai được khoảng hơn 36% trong tổng giá trị toàn gói tín dụng này.
Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024.
Đây là chương trình tín dụng được NHNN thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng (ban đầu dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng) để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Theo văn bản hướng dẫn của NHNN đối với các ngân hàng thương mại triển khai chương trình này, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.
Các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Agribank cho vay trả nợ trước hạn khoản vay tại các ngân hàng khác
Với mong muốn hỗ trợ khách hàng trả nợ trước hạn khoản vay cũ phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh, nhu cầu đời sống, Agribank triển khai cho vay khách hàng cá nhân trả nợ trước hạn khoản vay tại các ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,0%/năm, áp dụng từ ngày 03/10/2023.
Agribank cho vay trả nợ trước hạn khoản vay tại các ngân hàng khác/Ảnh minh họa//https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, khách hàng được vay vốn lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc và số tiền cam kết còn lại chưa giải ngân (nếu có) của khoản vay cũ và phù hợp với quy định của Agribank.
Hiện tại, Agribank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng cá nhân chỉ từ 6,0 %/năm trong 06 tháng đầu hoặc chỉ từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc chỉ từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu. Agribank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Khách hàng được sử dụng đa dạng các loại tài sản để bảo đảm cho khoản vay, như: Bất động sản (quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nhà, nhà dự án hình thành trong tương lai), số dư tiền gửi, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do ngân hàng thương mại phát hành, trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán, tín phiếu Kho bạc Nhà nước.
Với lãi suất ưu đãi này, khách hàng sẽ có thêm lựa chọn vay vốn tại Agribank với lãi suất thấp, ổn định giúp khách hàng chủ động trong các kế hoạch tài chính của cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, với vai trò chủ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Agribank triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ khách hàng thông qua liên tục giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, cán bộ công nhân viên.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 6/10: VietinBank được tăng vốn điều lệ lên hơn 53.700 tỷ đồng