Tin ngân hàng ngày 6/2: Ngân hàng Nhà nước sẽ họp khẩn về tín dụng bất động sản
Tin ngân hàng ngày 4/2: Năm 2022, lợi nhuận BAOVIET Bank tăng hơn 10% Tin ngân hàng ngày 3/2: Sắp có thông tư mới về thông tin tín dụng ngân hàng |
Ngân hàng Nhà nước sẽ họp khẩn về tín dụng bất động sản
Dự kiến ngày 6/2, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về tình hình vốn cho thị trường bất động sản. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng…
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Được biết, cuộc họp nhằm ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương tháng 1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải xác định khó khăn của thị trường bất động sản là nút thắt cần sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực khác, như trái phiếu doanh nghiệp.
Thủ tướng "chốt" trong tháng 2 phải tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…
Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, khó phát hành trái phiếu và huy động vốn từ khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho là quỹ đất và các dự án xây dựng dở dang lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng, tăng rất mạnh so với trước đó. Điều này có nghĩa số vốn rất lớn đang nằm trong đất nhưng doanh nghiệp lại không xoay được tiền để triển khai tiếp.
Năm 2023 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Nền kinh tế cần nhiều hơn nữa những giải pháp hỗ trợ để hóa giải khó khăn, thách thức và hồi phục, tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh vẫn có nhiều ý kiến phản ánh khó khăn về vốn, cần thêm nhiều các chính sách hỗ trợ của nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh...
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tăng lên 13%
Sau 5 phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần (3/2).
Theo đó, cơ quan này đã mở lại hoạt động phát hành tín phiếu sau khi tạm từ ngày 19/1, hút 15.000 tỷ từ 3 thành viên với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5,79%/năm. Đồng thời, không có hợp đồng bán tín phiếu trước đó đáo hạn trong phiên 3/2.
Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, NHNN cho 2 ngân hàng vay mới 2.408 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%/năm. Trong khi không có hợp đồng cũ đáo hạn.
Tính chung, cơ quan quản lý tiền tệ đã hút ròng 12.592 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng trong phiên giao dịch 3/2. Trước đó, Nhà điều hành đã liên tục bơm thanh khoản trong 5 phiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết với tổng khối lượng cung ứng ròng đạt gần 70.800 tỷ đồng.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 2/2, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch) ở mức 6,26%/năm, tăng thêm 0,17 điểm% so với mức ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết và cao hơn khoảng 1,7 điểm % so với cuối năm 2022.
Lãi suất tại các kỳ hạn dài hơn như 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng biến động trái chiều.
Trong khi lãi suất kỳ hạn 9 tháng bất ngờ tăng lên 13%/năm từ mức 9,61% ghi nhận trước đó. Dù vậy, doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ ở mức 200 tỷ, chiếm chưa đến 0,1% quy mô giao dịch liên ngân hàng trong phiên 2/2.
Trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu vẫn có thể tiếp diễn, giới phân tích dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ khó hạ nhiệt trong thời gian tới.
Năm 2023, VCBS cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ là đảm bảo tính hấp dẫn trong việc nắm giữ VND, hạn chế dòng vốn chảy khỏi Việt Nam khi lãi suất huy động USD vẫn luôn được duy trì ổn định ở mức 0%.
Do đó, đánh giá từ giả định mức lãi suất mục tiêu mà Fed hướng đến có thể dao động quanh 5% trong năm 2023, VCBS cho rằng để đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, mặt bằng trung bình khả năng cao neo quanh 7% đối với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Các thời điểm căng thẳng thanh khoản dự báo rơi nhiều hơn vào nửa đầu năm. Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.
BAC A BANK huy động hơn 1.800 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu
BAC A BANK vừa thông báo chào bán hơn 122 triệu cổ phiếu phổ thông (122.007.951 cổ phiếu) với giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị vốn huy động thông qua đợt chào bán là 1.830 tỷ đồng.
Phương thức phân phối là phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện 15%, tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng 15 quyền, 1 quyền được mua 1 cổ phiếu mới.
Thời gian nhận đăng ký mua và nhận tiền mua cổ phiếu là từ ngày 22/2/2023 đến ngày 14/3/2023.
Đối với chứng khoán lưu ký, người sở hữu làm thủ tục chuyển nhượng quyền mua, đăng ký đặt mua và nộp tiền đặt mua cổ phiếu tại các thành viên lưu ký nơi mở tài khoản lưu ký.
Đối với chứng khoán chưa lưu ký, người sở hữu làm thủ tục chuyển nhượng quyền mua, đăng ký đặt mua và nộp tiền đặt mua cổ phiếu tại Văn phòng Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bắc Á - Tầng 6, Tòa nhà Opera Business Center, Số 60 Lý Thái Tổ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào các ngày làm việc trong tuần và xuất trình CMND/CCCD/Hộ chiếu.
Đợt chào bán trên nhằm triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ đợt 2/2022 nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của BAC A BANK.
Cụ thể: Nâng cao năng lực tài chính để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, xây dựng trụ sở, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, công tác quản trị ngân hàng và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới; Đảm bảo tuân thủ, đáp ứng tốt các chỉ tiêu đảm bảo an toàn, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động của Ngân hàng; Nâng cao khả năng mở rộng và phát triển mạng lưới; Bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Năm 2022, MSB lãi trước thuế 5,787 tỷ đồng, tăng 14%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho thấy, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5,787 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, nhờ giảm mạnh dự phòng rủi ro.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong năm 2022, hoạt động chính của MSB tăng 34% so với năm trước khi thu về gần 8,322 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Nguồn thu nhập phi tín dụng cho kết quả không đồng nhất ở các mảng. Lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 61%, còn 1,113 tỷ đồng, do giảm 85% thu từ nghiệp vụ ủy thác và đại lý (còn 269 tỷ đồng).
Hoạt động khác cũng báo lỗ 423 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gần 663 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, kinh doanh ngoại hối thu được 1,000 tỷ đồng tiền lãi, gấp 2.6 lần, nhờ thu về kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng 999 tỷ đồng (gấp 2.1 lần), thu từ công cụ phái sinh tiền tệ 4,367 tỷ đồng (gấp 3 lần).
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu được số lãi 683 tỷ đồng, tăng đến 95% so với năm trước.
MSB giảm 69% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 479 tỷ đồng trong năm 2022, nhờ vậy Ngân hàng thu được hơn 5,787 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 14%. Con số này cũng chỉ bằng 85% mục tiêu 6,800 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm 2022.
Quy mô tổng tài sản của MSB tăng trưởng 5% so với đầu năm, tính đến thời điểm 31/12/2022 đạt 213,394 tỷ đồng. Tiền gửi tại các TCTD khác tăng 47% (29,363 tỷ đồng), cho vay TCTD khác lại giảm 27% (còn 9,879 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 19% (120,643 tỷ đồng)…
Về phần nguồn vốn, tiền gửi của các TCTD khác giảm 14% (còn 29,339 tỷ đồng), tiền vay TCTD khác cũng giảm 38% (còn 21,034 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng tăng 24% (117,120 tỷ đồng)…
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2022 gần 2,057 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1.74% đầu năm xuống còn 1.7%.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 6/2: Ngân hàng Nhà nước sẽ họp khẩn về tín dụng bất động sản