Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Người dân gửi thêm hơn 300 nghìn tỷ đồng vào ngân hàng
Người dân gửi thêm hơn 300 nghìn tỷ đồng vào ngân hàng
Theo số liệu mới nhất của NHNN cho thấy, tại ngày 30/6/2022, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,46 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 92.400 tỷ so với cuối tháng 5/2022 và tăng hơn 522.500 tỷ so với cuối năm 2021.
Người dân gửi thêm hơn 300 nghìn tỷ đồng vào ngân hàng |
Trong đó, tiền gửi của khách hàng là tổ chức kinh tế đạt gần 5,85 triệu tỷ đồng, tăng gần 42 nghìn tỷ trong tháng 6 và tăng hơn 200 nghìn tỷ trong nửa đầu năm.
Tiền gửi của dân cư tăng trưởng mạnh hơn, đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng hơn 50 nghìn tỷ trong tháng 6 và tăng gần 320 nghìn tỷ trong nửa đầu năm.
Xu hướng này trái ngược hoàn toàn với 2 năm Covid. Giai đoạn 2020-2021, do môi trường lãi suất thấp, tiền gửi ngân hàng kém cạnh tranh hơn các kênh đầu tư khác khiến người dân rút tiền để rót vào chứng khoán, bất động sản. Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp lại tăng mạnh do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến họ không dám mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau dịch bệnh, nền kinh tế mở cửa và phục hồi mạnh mẽ đã khiến dòng tiền đảo chiều rõ rệt. Các ngân hàng cũng liên tục tăng lãi suất từ đầu năm đến nay để thu hút tiền gửi của khách hàng cá nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đạt 4,77%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (3,83%).
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn còn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo NHNN, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 6/2022 đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,44% so với đầu năm.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, mặc dù đã tăng thời gian qua nhưng lãi suất tiền gửi vẫn còn kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác khiến cho tăng trưởng tiền gửi còn chậm trong 7 tháng đầu năm. Đây sẽ là một trong những áp lực khiến cho lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Báo cáo tài chính quý 2/2022 cũng cho thấy có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Có nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi đạt trên 10% trong nửa đầu năm như TPBank, VIB, VPBank, HDBank… Trong đó, VPBank có tốc độ tăng trưởng cao nhất, lên tới 22%.
Ở chiều ngược lại, có nhiều nhà băng thậm chí ghi nhận sụt giảm tiền gửi, như VieABank, NCB, PGBank…
BIDV sắp bán nợ gần 40 tỷ đồng thế chấp bằng nhà máy gạch tại Thái Nguyên rộng 18.000 m2
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của CTCP Lan Thái tại BIDV Thái Nguyên.
Giá trị khoản nợ tính đến hết ngày 10/7 là 37,5 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 19,4 tỷ đồng, còn lại là lãi và lãi phạt.
Khoản nợ được thế chấp bằng hai tài sản, trong đó tài sản thứ nhất là tài sản gắn liền với đất, hệ thống máy móc thiết bị, hệ thống điện phục vụ sản xuất của nhà máy gạch Lan Thái có địa chỉ tại thôn Lân Hát, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tổng diện tích khu đất là 18.055 m2. Ngoài ra tài sản đảm bảo còn là quyền sử dụng đất lô đất có diện tích 200 m2 tại tổ 5, phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Giá khởi điểm đấu giá ngân hàng đưa ra cho toàn bộ tài sản trên là 19,4 tỷ đồng, tương đương với toàn bộ dư nợ gốc.
Riêng cụm tài sản liên quan đến nhà máy gạch Lan Thái, cụm tài sản này từng được BIDV nhiều lần rao bán. Trong một thông báo hồi đầu tháng 4, tài sản này được rao bán với giá khởi điểm 12,9 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6, giá khởi điểm giảm còn 11,8 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, CTCP Lan Thái là chủ đầu tư dự án đầu tư nhà máy gạch xây dựng Lan Thái, doanh nghiệp được cấp số chứng nhận đầu tư từ tháng 1/2010. Đây là dự án đầu tư dây truyền sản xuất gạch với công suất 9 triệu viên/năm với tổng mức đầu tư hơn 15,6 tỷ đồng.
CTCP Lan Thái hoạt động từ năm 2009 hiện đang trong quá trình giải thể, doanh nghiệp có trụ sở tại cụm công nghiệp Trúc Mai, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hữu Sơn.
Cạn room tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh thu ngoài lãi
Với nguồn thu của một ngân hàng đến từ 2 nguồn. Trung bình, 75% đến từ hoạt động chính là cho vay (tín dụng), 25% còn lại là phi tín dụng (nguồn thu ngoài lãi). Đó có thể là thu từ dịch vụ bảo hiểm, từ phí thẻ tín dụng, từ chuyển tiền, thanh toán quốc tế hay từ sự chuyển đổi số của các ngân hàng.
Cạn room tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh thu ngoài lãi |
Đặc biệt, có những ngân hàng tỷ lệ này đã tăng lên 35%, thậm chí hơn 50%. Nguồn thu hàng chục tỷ đồng của ngân hàng đôi khi đến từ việc các gia đình cho con em đi du học.
Sau kỳ thi tốt nghiệp cấp 2, cấp 3, nhiều học sinh đang được gia đình định hướng du học tại nước ngoài như Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ. Với chi phí một năm học tại Mỹ từ 50.000-80.000 USD/năm, tương đương khoảng từ 1,1-1,8 tỷ đồng/năm, mỗi lần thanh toán, ngân hàng có thêm một khoản thu.
Chị V, Quản lý tư vấn du học, Công ty TNHH Fourdozen, Inc, cho biết: "Học sinh sẽ phải chịu một mức phí cho mỗi lần chuyển tiền tại ngân hàng, đó là 22 USD cộng 0,2% số tiền thực tế mà học sinh muốn nộp".
Ngoài chuyển tiền để thanh toán du học, các cá nhân còn chuyển tiền để du lịch, chữa bệnh. Còn với các doanh nghiệp là thư tín dụng, hay là thanh toán xuất nhập khẩu khi 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 371 tỷ USD.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), cho hay: "Hiện doanh số mua bán ngoại tệ, thanh toán quốc tế của ngân hàng đã lên đến 6-7 tỷ USD. Đó là con số lớn so với quy mô của ngân hàng".
Giá trị thanh toán qua thẻ tín dụng tại Việt Nam trong nửa đầu năm cũng tăng mạnh trên 70%, nhất là ở các lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng, ăn uống.
Ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (TechcomBank), cho biết: "Khi áp dụng số hóa, việc phê duyệt thẻ tín dụng chỉ mất khoảng vài giây thay vì mất 2-3 ngày, từ đó thúc đẩy việc tiêu dùng của khách hàng, gắn liền hoạt động thanh toán của khách hàng trên thẻ tín dụng. Do vậy, những hoạt động liên quan đến thẻ tín dụng cũng tăng khoảng 45%".
Nhiều ngân hàng có nguồn thu ngoài lãi tăng mạnh gấp 2 so với cùng kỳ năm 2021. Trong bối cảnh room tín dụng 5 tháng cuối năm sắp cạn, thu nhập ngoài lãi sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt, trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận.
Ứng dụng vay vốn trực tuyến mở rộng kinh doanh và mua sắm
Sự hợp tác giữa Buy2Sell Việt Nam và Ngân hàng KASIKORN (KBank) - Ngân hàng hỗ trợ vốn SME hàng đầu Thái Lan, uy tín, bảo mật và an toàn nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng có thu nhập từ 5 triệu đồng, đang kinh doanh nhỏ hoặc nhân viên văn phòng đang cần vốn mở rộng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhờ vào ứng dụng cho vay trực tuyến KBank Biz Loan.
Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikorn (KBank) là ngân hàng dẫn đầu dành cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Thái Lan. Năm 2015, KBank bước chân vào thị trường Việt Nam. Năm 2021, Kbank có trụ sở đại diện chính tại TP HCM và Hà Nội.
KBank có thế mạnh trong lĩnh vực dịch vụ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, triển khai dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn bằng công nghệ số. Với mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân… KBank đưa ra giải pháp tài chính thuận tiện, linh hoạt và phù hợp với thị trường Việt Nam.
KBank Loan là một ứng dụng vay vốn trực tuyến tại Việt Nam, cung cấp tài chính trực tuyến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc cá nhân cần vốn để chi tiêu cho các mục tiêu kinh doanh, mua sắm… cho cả chu kỳ ngắn và dài hạn.
Buy2Sell là nền tảng thương mại điện tử B2B tiên phong có nguồn hàng nhập khẩu lớn nhất Việt Nam hiện nay, tập trung vào các thương hiệu nhập khẩu có chất lượng cao, Buy2Sell đáp ứng nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu thông qua hệ thống phân phối đa dạng ngành hàng như: mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, thiết bị công nghệ... đến từ hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Sự hợp tác giữa Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikorn (KBank) và Buy2Sell Việt Nam, là một cơ hội để phát triển chuyển đổi số thị trường tài chính Việt Nam, và hỗ trợ các thương nhân tiếp cận nguồn vốn kinh doanh trực tuyến được dễ dàng hơn, từ đó tăng thu nhập cho SMEs Việt Nam.
Để sử dụng KBank Biz Loan các thương nhân, cá nhân có thể dễ dàng đăng ký qua ứng dụng KBank Loan hoặc liên hệ với Ngân Hàng KASIKORN và Buy2Sell để được hỗ trợ trực tiếp.
Sacombank tổ chức Chương trình hiến máu "Chia sẻ từ trái tim" lần thứ 10
Ngày 19/8/2022, hơn 400 cán bộ nhân viên tại Sacombank đã đóng góp gần 600 đơn vị máu khởi động chương trình hiến máu nhân đạo “Sacombank - Chia sẻ từ trái tim” năm 2022. Đây là năm thứ 10 Sacombank triển khai chương trình trên quy mô toàn quốc với mong muốn chia sẻ trách nhiệm và lan tỏa nghĩa cử cao đẹp này đến cộng đồng.
Sacombank tổ chức Chương trình hiến máu "Chia sẻ từ trái tim" lần thứ 10 |
Theo đó, từ ngày 19/8 - 15/10/2022, chương trình hiến máu “Sacombank - Chia sẻ từ trái tim” 2022 được triển khai lần lượt ở các tỉnh, thành có chi nhánh, phòng giao dịch Sacombank hoạt động trên toàn quốc. Chương trình được Sacombank tổ chức hàng năm nhằm đồng hành cùng “Hành trình đỏ” - chiến dịch nhân đạo cấp Quốc gia do Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Việt Nam chỉ đạo với sự bảo trợ của các cơ quan Bộ, Ngành Trung ương. Sau khi kết thúc chương trình, toàn bộ số lượng máu sẽ được Trung tâm hiến máu nhân đạo các tỉnh thành tiếp nhận để chuyển về Trung tâm truyền máu huyết học, từ đó góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trong công tác điều trị, cứu chữa bệnh nhân tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
Ông Đào Nguyên Vũ - Chủ tịch Công đoàn Cơ sở - Phó Tổng Giám đốc Sacombank phát biểu tại lễ khai mạc chương trình: “Hành trình đỏ là chiến dịch nhân đạo mang ý nghĩa từ thiện nhân văn sâu sắc và được phát động bởi Ban chỉ đạo Quốc gia nhằm vận động hiến máu tình nguyện Việt Nam. Đây là một hành trình vô cùng ý nghĩa và Sacombank tự hào được đồng hành suốt 10 năm liền kể từ năm 2013”.
Bên cạnh chương trình hiến máu nhân đạo “Sacombank - Chia sẻ từ trái tim”, ngân hàng còn tổ chức nhiều hoạt động vì cộng đồng khác, trong đó có học bổng “Sacombank ươm mầm ước mơ” góp phần hỗ trợ phát triển giáo dục, chương trình “Ấm tình mùa Xuân” mang Tết ấm áp đến người già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giải việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng” kêu gọi, khuyến khích tinh thần rèn luyện sức khỏe, chương trình “Cùng Sacombank khởi tạo tương lai” tạo điều kiện cho các sinh viên năm cuối khối ngành kinh tế cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc thực tế và phát triển chuyên môn bản thân.
Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Người dân gửi thêm hơn 300 nghìn tỷ đồng vào ngân hàng