Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tiền gửi dân cư tiếp tục "chảy" mạnh vào ngân hàng
Tiền gửi dân cư tiếp tục chảy mạnh vào ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã công bố dữ liệu tiền gửi khách hàng vào hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 10/2022.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, tổng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã đạt hơn 11,42 triệu tỉ đồng, tăng 5.766 tỉ đồng so với cuối tháng 9. Trong đó, động lực chính đến từ nhóm khách hàng dân cư.
Cụ thể, tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm 15.811 tỉ đồng trong tháng 10 xuống còn hơn 5,76 tỉ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi dân cư tăng 21.577 tỉ đồng tháng 10 lên hơn 5,66 triệu tỉ đồng. Đây cũng mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7. Trước đó, mặc dù vẫn có tăng trưởng trong các tháng của quý 3 nhưng mức tăng đã chậm lại rõ rệt so với đầu năm, chẳng hạn như trong tháng 9 chỉ tăng thêm hơn 1.400 tỉ đồng.
Kể từ cuối tháng 9 đến nay, các ngân hàng đã đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, đưa lãi suất kỳ hạn dài lên mức 9-10%/năm. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã tăng khoảng 3-4%/năm so với cuối năm 2021 và cao hơn so với trước dịch Covid-19. Lãi suất cao, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản kém hấp dẫn hơn trước đã khiến dòng tiền nhàn rỗi của người dân chảy mạnh vào ngân hàng.
Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng cao cũng đã tác động tới lãi suất cho vay trên thị trường. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã vận động các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ danh nghiệp.
Theo thông tin tại “Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh” sáng 15/12, đến nay đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm.
Song song với đó, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức cuộc họp kêu gọi các ngân hàng thương mại thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Cổ đông HDBank thông qua phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế
Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HSX), Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) vừa hoàn thành việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế và nâng room ngoại từ 18% lên 20%.
Phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế của HDBank nhận được sự đồng thuận cao với tỉ lệ tán thành đạt 79,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Trái phiếu chuyển đổi bổ sung vốn tự có cấp 2 của HDBank có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của nhà băng này.
Trước đó HDBank đã phát hành thành công 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế cho các định chế tài chính uy tín hàng đầu thế giới.
Vốn từ đợt phát hành sẽ giúp HDBank bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, phục vụ các kế hoạch tăng trưởng theo chiến lược đề ra. Đồng thời, Ngân hàng sẽ nâng cao hơn nữa các chỉ số chất lượng tài sản, tỉ lệ an toàn vốn, sẵn sàng áp dụng sớm chuẩn mực Basel III.
Tờ trình về việc sửa đổi bổ sung điều lệ, bao gồm nội dung cập nhật vốn điều lệ mới 25.303 tỉ đồng và tăng tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài cũng được thông qua với tỉ lệ tán thành 83,50%. Việc nới room ngoại lên 20% vốn điều lệ mới sẽ giúp các quỹ đầu tư chuyên nghiệp quốc tế có thêm cơ hội gia tăng đầu tư và đồng hành với ngân hàng.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg mới đây, Chủ tịch HĐQT Kim Byoungho cho biết, 9 tháng đầu năm 2022 HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay, tăng trưởng cao cả về quy mô và chất lượng. Trong bối cảnh thị trường biến động, xếp hạng tín nhiệm B1 của HDBank được giữ vững, tỉ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành, hiệu quả hoạt động tốt, an toàn vốn trong top dẫn đầu.
NHNN niêm yết giá mua USD trở lại
Sau hơn 3 tháng ngừng niêm yết tỉ giá mua USD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trở lại kênh giao dịch mua ngoại tệ với tỉ giá tham khảo ở mức 23,450 đồng/USD.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trước đó, hồi 07/09/2022, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biểu niêm yết giá bán USD giao ngay từ 23,400 đồng/USD lên mức 23,700 đồng/USD. Đồng thời, nhà điều hành bắt đầu ngừng niêm yết tỉ giá mua can thiệp.
Từ thời điểm đó đến nay, trong khi giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN biến động mạnh (tăng lên đỉnh 24,870 đồng/USD rồi giảm về 24,830 đồng/USD) thì giá mua vào USD này vẫn bị NHNN bỏ trống.
Sau hơn 3 tháng “để ngỏ” tỉ giá mua can thiệp USD, nhà điều hành đã quay trở lại kênh giao dịch mua ngoại tệ với tỉ giá tham khảo ở mức 23,450 đồng/USD, tăng 900 đồng/USD so với thời điểm trước khi NHNN ngừng niêm yết giá mua vào USD. Trong đó, lần gần nhất NHNN niêm yết giá mua vào đồng bạc xanh tại Sở giao dịch đã diễn ra từ ngày 06/09 với mức 22,550 đồng/USD.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index duy trì ở mức thấp nhất trong hơn 4 tháng trở lại đây, ở mức 104.27 điểm.
Sức mạnh đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế suy yếu vì dữ liệu lạm phát Mỹ thấp hơn dự kiến và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0.5 điểm phần trăm như mong đợi.
Theo đó, có thể lý giải rằng quyết định quay trở lại kênh giao dịch mua USD của NHNN đến từ thị trường ngoại hối đang dần ghi nhận những dấu hiệu ổn định khi sức mạnh đồng bạc xanh đã suy yếu trên thị trường quốc tế.
16 ngân hàng cam kết giảm 3.500 tỉ đồng tiền lãi cho vay
Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện đã có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi cho vay với số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm. Đa số các khoản giảm lãi này được áp dụng trong tháng 12/2022 đến hết tháng 1/2023.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, mặc dù tỉ giá đã bớt căng thẳng, thị trường tiền tệ ổn định trở lại nhưng mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao, phổ biến từ 9-10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5-12%/năm.
Cũng theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, một số ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.
Trước đó, ngày 7/12, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn, tối đa là 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mãi cộng lãi suất) nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, thông qua tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động ở mức phù hợp, còn giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. NHNN nhấn mạnh, đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN, còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để có biện pháp hỗ trợ.
Tính đến nay đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm.
Đề nghị chấn chỉnh hoạt động môi giới của ngân hàng về trái phiếu doanh nghiệp
Thực hiện công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao Vụ Tài chính ngân hàng có công văn tới Ngân hàng Nhà nước đề nghị yêu cầu các tổ chức tín dụng có phát hành trái phiếu cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ trái phiếu.
Chấn chỉnh hoạt động môi giới trái phiếu doanh nghiệp/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Những tổ chức tín dụng thời gian qua có hoạt động môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người gửi tiền mua trái phiếu doanh nghiệp cần có biện pháp cương quyết chấn chỉnh và có trách nhiệm với nhà đầu tư, đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ.
Bộ Tài chính cũng giao Vụ Tài chính ngân hàng thực hiện phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phù hợp với tình hình thực tiễn.
Vụ Tài chính ngân hàng cũng chủ trì phối hợp với Ủy ban chứng khoán nghiên cứu, tham mưu các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợ pháp chính đáng của nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Tài chính giao Ủy ban chứng khoán tiếp tục tổ chức làm việc với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn và các doanh nghiệp có lượng trái phiếu sắp đáo hạn lớn để có kế hoạch, giải pháp cụ thể chủ động thanh toán cho nhà đầu tư.
Ủy ban chứng khoán cũng được giao làm việc và yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát toàn diện hoạt động kinh doanh, môi giới, phân phối, bảo lãnh, tư vấn phát hành trái phiếu…
Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tiền gửi dân cư tiếp tục "chảy" mạnh vào ngân hàng