Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp
Tin ngân hàng ngày 22/4: Đại hội cổ đông MSB không thông qua kế hoạch sáp nhập ngân hàng khác Tin ngân hàng ngày 21/4: Năm 2023, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiểu 15% |
Cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sửa quy định cho phép tổ chức tín dụng được mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính họp với Ngân hàng Nhà nước về sửa quy định trái phiếu và khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021 về tổ chức tín dụng, mua bán trái phiếu doanh nghiệp theo hướng cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp.
Theo quy định áp dụng từ 2021, ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết sau 12 tháng từ khi trái phiếu này được bán và chỉ được mua lại chính loại tổ chức tín dụng đã bán trước đó. Còn dự kiến sửa mới đây của Ngân hàng Nhà nước là cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết nhưng phải trước ngày 31/12/2023.
Thủ tướng cũng lưu ý, các quy định sửa đổi cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng đầu tư, cho vay với trái phiếu doanh nghiệp, nhằm tăng nguồn cung, thanh khoản và phát triển thị trường an toàn, hiệu quả.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng trong hai năm 2020 và 2021 với khối lượng phát hành lần lượt gần 462.000 tỉ đồng và 658.000 tỉ đồng, theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Tuy nhiên, thị trường này chững lại sau các vụ bắt giữ liên quan đến vi phạm trong phát hành, dùng vốn sai quy định của một số doanh nghiệp bất động sản lớn giữa năm ngoái.
Trong khi đó, sức ép đáo hạn trái phiếu ngày càng tăng và số sẽ đáo hạn năm nay gần 273.000 tỉ đồng, theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect. Hàng loạt doanh nghiệp, nhất là nhóm bất động sản, đã thông báo vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi.
Trước tình hình này, Chính phủ, các cơ quan đã có loạt động thái gỡ vướng. Đầu tháng 4, Nghị định 08 sửa đổi về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, giúp thị trường này dần ấm trở lại sau gần nửa năm "đóng băng". Ba tháng đầu năm các doanh nghiệp đã huy động hơn 24.700 tỉ đồng từ kênh trái phiếu.
Moody’s hạ thấp xếp hạng tín nhiệm của FE Credit
Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service (Moody’s) vừa cập nhật xếp hạng của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit).
Theo đó, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã có điều chỉnh mức xếp hạng tín nhiệm CFR (Corporate family rating - Đánh giá tín nhiệm dựa trên mối tương quan với các thành viên trong cùng tập đoàn) ở mức B1 đối với công ty tài chính FE Credit.
Việc điều chỉnh xếp hạng của FE Credit phản ánh chất lượng tài sản yếu đi do tỉ lệ nợ xấu tăng cao trong bối cảnh vĩ mô gặp nhiều khó khăn.
Moody’ cho biết FE Credit sở hữu phân khúc khách hàng chính là những cá nhân có thu nhập thấp - là đối tượng chịu tổn thương lớn nhất với những biến động tiêu cực của kinh tế vĩ mô nên khả năng trả nợ giảm xuống thấp trong thời gian qua. Hiện tại, công ty đang thực hiện việc tái cơ cấu danh mục cho vay theo hướng tập trung vào các phận khúc khách hàng ít rủi ro hơn cũng như điều chỉnh các tiêu chí cho vay từ đó giúp cải thiện chất lượng tài sản.
Tuy nhiên, theo Moody’s, điều này cần thêm thời gian để hiện thực hóa. Cụ thể là chi phí tín dụng và rủi ro về tài sản dự báo vẫn ở mức cao trong 12-18 tháng tới khi những khó khăn về vĩ mô vẫn đang tiếp diễn.
Mặc dù vậy, Moody’s vẫn đánh giá tích cực về khả năng thanh toán cũng như thanh khoản của FE Credit nhờ sự hỗ trợ đặc biệt từ Ngân hàng mẹ VPBank và SMFG, lần lượt sở hữu 50% và 49% vốn của công ty này.
Bảng đánh giá xếp hạng lần này của Moody's đã phản ánh đầy đủ những thách thức của ngành tài chính ngân hàng và thị trường tài chính tiêu dùng. Trước đó, trong bảng đánh giá vào tháng 6/2022, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm CFR của FE Credit ở mức Ba3.
Được biết, trong kế hoạch 2023, FE Credit xác định nhiệm vụ trọng tâm là đánh giá, rà soát lại phân khúc khách hàng kém hiệu quả, từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng danh mục cho vay. Công ty cũng đưa ra các sáng kiến về bán hàng, phê duyệt cấp tín dụng, quản trị rủi ro nhằm giảm thiểu chi phí rủi ro và tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn.
Techcombank tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức
Sáng ngày 24/4, Techcombank tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Vấn đề chia cổ tức, giá cổ phiếu là một trong những chủ đề nóng tại đại hội. Năm nay, Techcombank tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, cổ tức có 2 phần, là chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu. Đối với chia cổ tức bằng cổ phiếu, năm 2017, Techcombank đã thực hiện chia với tỉ lệ tới 200%. Ông cho rằng phương án này chỉ nên thực hiện khi có những đòi hỏi về góc độ cải thiện các chỉ số. Khi trả cố tức theo hình thức này, cổ đông vẫn sẽ phải đóng 5% thuế thu nhập cá nhân khi bán cổ phiếu.
Chủ tịch Techcombank cũng cho biết, tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT ngân hàng đã trình kế hoạch phân phối lợi nhuận, trong đó bổ sung hơn 32 nghìn tỉ vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, theo đó, khi cần thiết sẽ điều chỉnh tăng vốn.
Về cổ tức tiền mặt, việc thực hiện còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng. Với số vốn để lại, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư để tạo ra giá trị. “Tôi từng nói với năm 2013 là 10 năm sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay vừa đúng năm thứ 10, tôi chưa thể nói gì sắp tới, nhưng mọi việc có thể xem xét”. Ông Hùng Anh nhấn mạnh, quan trọng là làm sao đảm bảo quyền lợi dài hạn cho cổ đông, đảm bảo cho ngân hàng hoạt động hiệu quả. Đối với các quyền lợi của cổ đông, như cổ tức, giá cổ phiếu, ngân hàng vẫn luôn quan tâm, xem xét.
NCB bổ nhiệm quyền tổng giám đốc
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố quyết định bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc là ông Tạ Kiều Hưng, hiện đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc của NCB. Ngân hàng cũng đồng thời kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao với sự tham gia của các nhân sự giàu kinh nghiệm.
Theo định hướng tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 diễn ra ngày 8/4 vừa qua, ngân hàng NCB đặt mục tiêu tiếp tục chuyển mình trên mọi phương diện, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, hướng tới những bước tiến mang tính đột phá. Trong đó, công tác phát triển nhân sự, chuyển đổi số trên mọi hoạt động và sản phẩm dịch vụ được coi là những những yếu tố then chốt được chú trọng đầu tư để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, từng bước đạt mục tiêu chiến lược của NCB.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy Ban điều hành với sự tham gia của các nhân sự giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu rộng, ngày 21/4, NCB chính thức bổ nhiệm ông Tạ Kiều Hưng giữ chức quyền Tổng Giám đốc NCB.
Ông Tạ Kiều Hưng sinh năm 1980, là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, với nhiều chức vụ quan trọng tại Techcombank. Tháng 12/2022, ông Hưng gia nhập NCB với vai trò Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông NCB năm 2023 cũng đã thông qua việc kiện toàn Ban Kiểm soát ngân hàng, bầu bổ sung bà Đỗ Thị Đức Minh và ông Nguyễn Văn Quang làm thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025, thay cho bà Trần Thị Hà Giang và bà Trần Thị Minh Huệ, đều có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân - các nhân sự này sau khi được miễn nhiệm vẫn mong muốn được tiếp tục cống hiến cho NCB. Cùng ngày, Ban kiểm soát đã họp và bầu vị trí Trưởng ban Kiểm soát mới, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với bà Đỗ Thị Đức Minh.
ABBank ghi nhận tỉ lệ nợ xấu tăng vọt lên 4% trong quý I/2023
Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã có sự tăng mạnh về tỉ lệ nợ xấu.
ABBank ghi nhận tỉ lệ nợ xấu tăng vọt lên 4% trong quý 1/2023/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tính đến hết ngày 31/3/2023, dư nợ xấu của ngân hàng này tăng vọt 35% lên gần 3.200 tỉ đồng. Mặc dù nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã giảm nhưng nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gấp đôi, từ 540 tỉ đồng lên 1.128 tỉ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng mạnh lên 685 tỉ đồng.
Do đó tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ABBank tăng vọt lên trên 4%. Trước đó, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng tính đến thời điểm cuối năm 2022 chỉ khoảng 2,8%.
Về tình hình kinh doanh tại ABBank, nguồn thu chính của ngân hàng này là thu nhập lãi thuần đã giảm 5% về 790 tỉ đồng trong quý đầu năm.
Ngược lại, các chỉ tiêu kinh doanh khác đều ghi nhận tăng trưởng tốt như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tăng mạnh 80%, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 25%. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu được khoản lãi hơn 2 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 58 tỉ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi gần 91 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 10 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng mạnh, ABBank cũng tăng chi phí dự phòng lên 116,9 tỉ đồng, do đó lợi nhuận trước thuế chỉ tăng nhẹ 6%, lũy kế quý I/2023, ngân hàng báo lãi đạt 612 tỉ đồng.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 được tổ chức vào ngày 28/4 tới đây, ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.826 tỉ đồng. Như vậy, ABBank đã thực hiện được 22% sau quý đầu năm.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của ABBank tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên gần 134.283 tỉ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 47% còn 1.422 tỉ đồng), tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 38% lên 28.025 tỉ đồng và cho vay tín dụng giảm 3% còn hơn 79.453 tỉ đồng.
Về nguồn vốn, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng 61%, đạt 31.680 tỉ đồng và tiền gửi khách hàng giảm 10%, còn 75.430 tỉ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ABBank đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 2.826 tỉ đồng, tăng 68% so với năm 2022. ROE sau thuế dự kiến tăng từ 10,98% (năm 2022) lên 16% (năm 2023).
Nguồn:Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp