Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: TPBank hút tiền gửi mạnh nhất trong năm 2022
Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: SCB khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Kiến nghị cần có biện pháp sớm dẹp nạn cho vay qua app |
Yêu cầu NHNN tiếp tục tháo gỡ khó khăn tín dụng bất động sản
Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2023 trực tuyến với địa phương, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP trong tháng 02/2023 để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ chi hoặc hình thức hỗ trợ phù hợp khác.
Nghị quyết giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Điều hành tỷ giá phù hợp; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2023.
Nghị quyết giao Bộ Tài chính căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo các nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị quyết cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp đồng bộ giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở cho người lao động, bảo đảm "an cư lạc nghiệp"; báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo.
TPBank hút tiền gửi mạnh nhất trong năm 2022
Theo thống kê theo báo cáo tài chính vừa được 28 ngân hàng công bố, tính đến cuối năm 2022, các nhà băng đã huy động được hơn 8,3 triệu tỷ đồng từ tiền gửi khách hàng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh tăng trưởng tiền gửi có sự phân hóa mạnh khi có một số ngân hàng tăng trưởng trên 20% như MSB, ABBank, VPBank, LienVietPostBank, trong khi một số khác tăng trưởng không đến 5%.
Đặc biệt, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi mạnh nhất trong năm qua, nâng từ 139,56 nghìn tỷ lên 194,96 nghìn tỷ, tăng hơn 55,4 nghìn tỷ (tương đương tăng 40%). Riêng trong quý 4/2022, tiền gửi tại nhà băng này đã tăng 9,8%. Trước đó, năm 2021, TPBank cũng lọt top những ngân hàng hút tiền gửi nhất, ghi nhận mức tăng trưởng tới gần 21%.
Theo báo cáo tài chính, nhóm khách hàng hộ kinh doanh, cá nhân là động lực chính, với số dư tiền gửi tăng gần 28.300 tỷ (tương đương tăng 46%) lên gần 90.000 tỷ đồng. Hiện nhóm khách hàng này chiếm tỷ trọng 46% trong tổng tiền gửi.
Về cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn, số dư tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn tại TPBank đều tăng trong năm qua. Trong đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng thêm hơn 1.700 tỷ đồng lên 32.525 tỷ.
Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), mức tăng trưởng huy động tới 40% của TPBank đến từ việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi thu hút người gửi tiền và số lượng tài khoản khách hàng tăng mạnh (tăng 38% trong 11 tháng đầu năm).
TPBank cho biết, ngân hàng đã thu hút được nguồn vốn huy động lớn từ dân cư, chính bởi niềm tin và sự ghi nhận từ khách hàng vào một định chế tài chính vững mạnh. Ngân hàng cũng liên tục duy trì thanh khoản lành mạnh: trên thị trường 1, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi (LDR) của TPBank ở mức khoảng 85%.
Về kết quả kinh doanh của TPBank, trong năm 2022, ngân hàng này đã mang về hơn 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Tổng tài sản của ngân hàng ghi nhận tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329.000 tỷ đồng.
Bảo hiểm PVI dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ
Kết thúc năm 2022, Bảo hiểm PVI đã cùng lúc hoàn thành 2 mục tiêu: tăng vốn điều lệ lên 3.300 tỷ đồng và vững vàng ví trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trên tất cả các chỉ tiêu tài chính tích cực.
Bảo hiểm PVI dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Bằng những chính sách điều hành và kinh doanh linh hoạt, quyết liệt, kết thúc năm 2022, Bảo hiểm PVI đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đã đề ra, trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trên tất cả các chỉ tiêu tài chính.
Cụ thể, tổng doanh thu đạt 12.765 tỷ đồng, hoàn thành 120,2% kế hoạch và tăng trưởng 25,1% so với năm trước, trong đó: doanh thu bảo hiểm gốc đạt 10.032 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm trước; dẫn đầu thị trường với 14,8% thị phần. Lợi nhuận trước thuế tiếp tục dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 680 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận hoạt động bảo hiểm đạt 245 tỷ đồng, với tỷ lệ kết hợp là 94,05%.
Với kết quả ấn tượng trong hoạt động kinh doanh, Bảo hiểm PVI tự hào lần thứ 2 liên tiếp là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất được tôn vinh trong trong Top 50 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021, 2022, theo công bố mới đây của Vietnam Report. Đây là kết quả dựa trên nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report, ghi nhận những đại diện có hoạt động kinh doanh tốt và tiềm năng tăng trưởng cao, không ngừng tìm tòi, sáng tạo và linh biến trong kinh doanh, có trách nhiệm xã hội và trách nhiệm cộng đồng, từ đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển và phồn vinh của nền kinh tế nước nhà.
Bảo hiểm PVI cũng được vinh danh tại các lễ trao tặng danh hiệu, giải thưởng uy tín: Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín, năm thứ 7 liên tiếp; Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, 9 năm liên tiếp.
Ngân hàng Nhà nước không siết, thắt chặt tín dụng bất động sản
Ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị về tín dụng bất động sản (BĐS). Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó khó khăn, vướng mắc về pháp lý là chủ yếu, vướng mắc về tín dụng chỉ là một trong các vướng mắc của thị trường BĐS.
Theo bà Hồng, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã quan tâm và dành một lượng vốn lớn cho lĩnh vực bất động sản, tỷ trọng tín dụng BĐS ở mức 21,2%, ba năm qua đều có sự tăng trưởng cao. Đây là sự cố gắng bởi ngoài BĐS, ngành Ngân hàng còn cung ứng vốn cho nhiều ngành nghề khác, vì vậy, cần cân đối hợp lý, hài hòa giữa các ngành kinh tế.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cần cân nhắc thận trọng từ góc độ an toàn hệ thống và kiểm soát nợ xấu. Văn bản pháp lý liên quan đến BĐS rất nhiều, lại hay thay đổi, có những quy định có cách hiểu khác nhau, Hiệp hội BĐS cần xây dựng danh mục chung về cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc cấp tín dụng. Mặt khác, Bộ xây dựng cần làm rõ khái niệm đầu cơ BĐS để các tổ chức tín dụng (TCTD) mạnh dạn hơn trong việc cấp tín dụng.
Người đứng đầu ngành Ngân hàng khẳng định, thời gian qua, áp lực lớn đối với tín dụng từ ngân hàng không phải do điều hành tín dụng (NHNN không siết, không thắt chặt) mà do những khó khăn trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đặc biệt, ngân hàng cho rằng, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để phát triển BĐS nhưng chọn điều kiện phát hành dễ và không quản lý tốt dòng tiền nên bị động khi có sự cố xảy ra. Doanh nghiệp cần cơ cấu sản phẩm hợp lý, sử dụng vốn phù hợp, cân nhắc giảm giá BĐS để bán và có dòng tiền.
"NHNN không có văn bản về siết hoặc thắt chặt tín dụng BĐS, việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực BĐS hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các TCTD, chỉ có điều cấp tín dụng làm sao vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của chính TCTD và không ảnh hưởng tới an toàn hệ thống", bà Hồng nhấn mạnh.
IFC đầu tư 100 triệu USD vào SeABank nhằm gia tăng tín dụng nhà ở
Vừa qua, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã quyết định đầu tư 100 triệu USD của IFC vào Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), với mục đích nhằm gia tăng số lượng các khoản vay mua nhà.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Với việc nhận khoản đầu tư này, SeABank cho biết dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp đôi số lượng các khoản vay mua nhà trung cấp và bình dân vào năm 2026.
Với tốc độ đô thị hóa hàng năm nhanh lên đến 3%, một nửa dân số Việt Nam - khoảng 50 triệu người, dự kiến sẽ sống ở các khu vực đô thị vào năm 2040. Điều này tạo ra nhu cầu khoảng 374.000 đơn vị nhà ở mới mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn vốn dài hạn hạn chế đã khiến các ngân hàng trong nước gặp khó khăn trong việc phát triển danh mục cho vay dài hạn, bao gồm cả các khoản cho vay mua nhà ở. Do đó, việc tiếp cận vốn vay mua nhà trở nên đặc biệt khó khăn đối với những gia đình có thu nhập trung bình và thấp, vốn là nhóm cần tìm kiếm nguồn tài chính dài hạn hơn do mức thu nhập hàng tháng thấp.
IFC cũng sẽ tư vấn cho SeABank phát triển các sản phẩm tài chính chuyên về nhà ở nhằm phục vụ tốt hơn người dân có thu nhập trung bình và thấp - ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam. Trước đó kể từ năm 2021, IFC đã tư vấn cho ngân hàng trong các lĩnh vực tài chính khí hậu, chương trình ngân hàng dành cho phụ nữ, và môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Đại diện IFC cho biết thông qua việc hỗ trợ một ngân hàng thương mại tư nhân hàng đầu, IFC sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu các giải pháp tài chính phát triển nhà ở vừa túi tiền và gửi tín hiệu tích cực đến thị trường về tiềm năng của phân khúc chưa được khai thác đầy đủ này.
Nguồn:Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: TPBank hút tiền gửi mạnh nhất trong năm 2022