Tin ngân hàng tuần qua: Đã xử lý 350 đơn tố cáo liên quan bán bảo hiểm qua ngân hàng
Tin ngân hàng ngày 6/5: Sẽ tiếp tục giảm lãi suất Tin ngân hàng ngày 5/5: BIDV đạt lợi nhuận gần 6.920 tỷ đồng trong quý I/2023 |
Tin ngân hàng ngày 5/5: BIDV đạt lợi nhuận gần 6.920 tỷ đồng trong quý I/2023 |
Đã xử lý 350 đơn tố cáo liên quan bán bảo hiểm qua ngân hàng
Ngày 5/5, Bộ Tài chính cho biết thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm. Trong đó, chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng.
Ảnh minh họa//https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bên cạnh đó, tổ chức làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp bảo hiểm có phản ánh của khách hàng và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và quy định pháp luật.
Cũng theo Bộ Tài chính, thông qua đường dây nóng, đến cuối tháng 4, đã tiếp nhận 192 kiến nghị, phản ánh và 299 kiến nghị, phản ánh qua email liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng.
Bộ Tài chính cũng phân loại xử lý 350 đơn đề tố cáo liên quan đến phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance). Thanh tra Bộ đã chủ trì buổi tiếp dân với sự tham gia của đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm làm việc với 5 công dân đại diện cho nhóm người đến Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính cũng thu thập hồ sơ, tài liệu, phân tích, đánh giá 5 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023 theo kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã được Bộ phê duyệt.
Đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát.
NHNN mua được 6 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối
Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN mua khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN đưa tiền ra nền kinh tế cùng với các kênh khác của chính sách tiền tệ.
Với giá chào mua 23.450 đồng/USD duy trì suốt từ đầu năm đến nay, ước tính khoảng 140.000 tỷ VND được Nhà điều hành bơm đối ứng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh mua ngoại tệ.
Trước đó, NHNN phải bán một lượng lớn ngoại tệ để ổn định tỷ giá trong 10 tháng đầu năm 2022, ước khoảng 20% dự trữ ngoại hối. Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF (thấp hơn 3 tháng nhập khẩu).
Từ giữa tháng 12/2022, NHNN đã phát tín hiệu quay trở lại hoạt động mua ngoại tệ khi giá đồng USD hạ nhiệt trên thị trường quốc tế giúp giảm áp lực lên tỷ giá.
Theo Chứng khoán MB (MBS), trong 2 tháng đầu năm, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ lớn lên tới 3,5 tỷ USD, khiến lượng dự trữ ngoại hối quốc gia nhanh chóng được bổ sung đáng kể, sau chuỗi ngày phải bán ra nhằm bình ổn thị trường tỷ giá và tạo ra lượng tiền đồng dồi dào trong hệ thống thanh khoản.
Chứng khoán BIDV cũng cho biết, NHNN bắt đầu mua vào ngoại tệ kể từ tháng 1/2023. Tính riêng trong tháng 1, NHNN đã mua thêm 2,78 tỷ USD và trong tháng 2 là khoảng 0,65 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối tháng 2 đạt khoảng 92,43 tỷ USD.
Chứng khoán VNDirect kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3,3 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, NHNN có thể chuyển ưu tiên sang ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Để bơm thanh khoản VND ra thị trường nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất, Nhà điều hành có thể xem xét mua vào dự trữ ngoại hối.
Dragon Capital mua thêm cổ phiếu Sacombank, nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 6%
Sau khi mua thêm 1 triệu đơn vị, nhóm quỹ Dragon Capital sở hữu tổng cộng 113,6 triệu cổ phiếu Sacombank, tương đương hơn 6% vốn điều lệ ngân hàng.
Đại diện của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn vừa có báo cáo về thay đổi sở hữu tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB).
Cụ thể, ngày 28/4, Dragon Capital đã mua 1 triệu cổ phiếu STB thông qua quỹ thành viên CTBC Vietnam Equity Fund. Qua đó, nâng số cổ phiếu STB mà nhóm quỹ Dragon Capital nắm giữ lên hơn 113,6 triệu đơn vị, tương đương hơn 6% vốn điều lệ ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu STB đóng cửa phiên 28/4 ở mức 25.300 đồng/cp. Ước tính với giá trị này, Dragon Capital đã chi ra khoảng 25,3 tỷ đồng cho giao dịch trên.
Sacombank mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2023, ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.382 tỷ đồng, tăng 50% so với quý 1/2022.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản Sacombank ở mức 596.694 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,2% lên 448.469 tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 5,3% và đạt 478.789 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng của Sacombank tăng 1.042 tỷ trong 3 tháng đầu năm lên 5.341 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,98% lên 1,19%.
FE Credit bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc mới
Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) vừa công bố Quyết định của Hội đồng Thành viên (HĐTV) về việc thay đổi một số vị trí lãnh đạo cấp cao tại FE Credit.
FE Credit có Quyền Tổng Giám đốc mới/Ảnh minh họa//https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, kể từ ngày 30/4/2023, ông Kalidas Ghose sẽ chính thức thôi vị trí Tổng giám đốc và chuyển sang vai trò mới là cố vấn cấp cao HĐTV của FE Credit, tư vấn cho HĐTV trong các hoạt động về hoạch định chiến lược, phát triển thị trường tài chính tiêu dùng ở thời gian sắp tới.
HĐTV cũng đã thông qua quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc của FE Credit từ ngày 4/5/2023. Trước khi đến với FE Credit, bà Nguyệt là thành viên Ban điều hành Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), giữ vị trí Giám đốc Khối Vận hành. Bà Nguyệt gia nhập VPBank từ năm 2014 và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng.
Bên cạnh thời gian làm việc tại VPBank, bà Nguyệt đã có 17 năm kinh nghiệm tại tổ chức tài chính quốc tế lớn là Ngân hàng ANZ với các vị trí quản lý trong các lĩnh vực Tài chính, Quản trị Rủi ro vận hành, Quản lý dự án, vận hành, kiểm toán nội bộ….
FE Credit cho biết, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt được kỳ vọng sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò trên cương vị mới, dẫn dắt FE Credit vượt qua các thách thức, điều hành hiệu quả, và hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh doanh trong tiến trình tái cấu trúc bền vững.
Yêu cầu các ngân hàng cắt giảm chi phí hạ lãi suất cho doanh nghiệp
Chiều 5/5, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, báo chí đặt câu hỏi về thời gian tới doanh nghiệp có thể kỳ vọng việc lãi suất cho vay sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm nữa hay không?
Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chính sách hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp là một trong tám chính sách được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai trong 4 tháng đầu năm. Theo ông Tú, hạ lãi suất cho vay là chính sách sách quan trọng, có ý nghĩa rất thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí.
Phó Thống đốc cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã thực hiện chính sách hạ lãi suất cho vay bằng việc 2 lần giảm lãi suất điều hành. Theo ông Tú, việc 2 lần hạ lãi suất điều hành trong thời gian ngắn vừa tạo thông điệp, cũng như vừa tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động cũng như hạ lãi suất cho vay.
"Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân từ 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%", Phó Thống đốc thông tin.
Ông Tú cho biết, theo thống kê hiện các khoản tiền gửi mới bình quân có mức lãi suất từ 6,0-6,1% (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân), còn cho vay từ 9-9,2%.
"Những con số này cho thấy tốc độ giảm lãi suất đang khá tích cực thời gian qua", ông Tú nhấn mạnh.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phá, ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo hài hoà giữa tỷ giá và lãi suất. Trong đó, điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để tạo điều kiện hạ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.
Theo Phó Thống đốc, 4 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã có 2 đợt giảm lãi suất cho vay. Sắp tới trên tinh thần chỉ đảo cũng như định hướng, vận động các ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Nguồn:Tin ngân hàng tuần qua: Đã xử lý 350 đơn tố cáo liên quan bán bảo hiểm qua ngân hàng