Tin ngân hàng tuần qua: Dùng ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư giảm rủi ro khi cho vay
Tin ngân hàng ngày 16/9: NHNN có giảm lãi suất điều hành ngay trong cuối quý III? Tin ngân hàng ngày 15/9: Gói hỗ trợ lãi suất mới giải ngân khoảng 681 tỷ đồng |
Dùng ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư giảm rủi ro khi cho vay
Trong thời gian vừa qua, tình hình hoạt động tội phạm tín dụng đen đang là vấn đề nổi cộm gây xôn xao dư luận xã hội. Trong thời gian từ năm 2015 đến 2018, toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ việc liên quan tới tín dụng đen, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như: các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, đòi nợ trái pháp luật.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trước thực tế đáng báo động này, đầu năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm tín dụng đen.
Theo thống kê của Bộ Công an trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 12, từ 2019 đến 2022, Cơ quan điều tra đã tiếp nhận, phát hiện 2.740 vụ, 4.941 đối tượng liên quan đến tín dụng đen. Trong số này đã khởi tố, điều tra 1.575 vụ, với 3.399 bị can. Riêng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ, 2.771 đối tượng; đã khởi tố 1.038 vụ, 2.025 bị can.
Hiện nay, đa số người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống, phải vay vốn tín dụng đen, với mức lãi suất vượt quá quy định của pháp luật, vay 7 ngày lãi suất từ 5-12%/ngày, tương đương 150-360%/tháng chẳng hạn như vay 15 triệu đồng, giải ngân 9 triệu, 7 ngày lãi 6 triệu đồng.
Thủ đoạn phổ biến của tội phạm tín dụng đen là đưa ra nhiều gói vay để nạn nhân thấy số tiền lãi nhỏ nhưng phần chi phí, phí dịch vụ tiền phạt cao. Do đó lãi suất sẽ được nâng lên tính theo năm, có thể lên đến từ 300% đến 500% thậm chí có vụ 1.000% đến 1.200%.
Để khắc phục, giải quyết tình trạng này, cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã có thêm công điện 766/CĐ-Ttg chỉ đạo về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động tín dụng đen.
Một trong những giải pháp được ứng dụng là khai thác dữ liệu dân cư để xây dựng giải pháp đánh giá khả tín trong việc cho khách hàng vay và thu hồi nợ. Cơ sở pháp lý của việc ứng dụng này là quy định tại các nghị định 137/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 37/2021/NĐ-CP, nghị định 13/2023/NĐ-CP và thông tư số 48/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo thông tư 48/2022/TT-BTC, thì từ ngày 17-9-2022, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể được cung cấp với hình thức thu phí nếu được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.
Phó Chủ tịch HĐQT PG Bank xin từ nhiệm
Ngày 14/9/2023, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) đã nhận được Đơn xin từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và xin rút khỏi vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Tiến Dũng vì lý do cá nhân.
Được biết, ông Nguyễn Tiến Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ tài chính ngân hàng tại CFVG (Centre Franco-Vietnamien de Formation à la Gestion) và Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2009, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc PG Bank kiêm Giám đốc Khối Dịch vụ Khách hàng Doanh nghiệp. Với 11 năm kinh nghiệm làm Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT PG Bank kể từ ngày 02/11/2020.
Trước ông Dũng, 2 thành viên HĐQT người nước ngoài là ông Oliver Schwarzhaupt và ông Nilesh Ratilal Banglorewala (thành viên độc lập) cũng đã có đơn xin từ nhiệm khỏi HĐQT hôm 25/8/2023. Bên cạnh đó, bà Dương Ánh Tuyết, thành viên vừa được bổ nhiệm lên làm Trưởng Ban Kiểm soát hồi cuối tháng 7 cũng có đơn xin từ nhiệm.
Hiện HĐQT của PG Bank có 6 thành viên. Sau khi ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Oliver Schwarzhaupt và ông Nilesh Ratilal Banglorewala từ nhiệm thì chỉ cón 3 người là ông Nguyễn Phi Hùng (Chủ tịch HĐQT), ông Đinh Thành Nghiệp và ông Nguyễn Mạnh Hải.
PG Bank đang chứng kiến những thay đổi lớn về mặt nhân sự cấp cao thời gian gần đây. Hồi tháng 7, nhà băng này đã thay Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc, đồng thời Trưởng Ban Kiểm soát cũng nhiệm.
Ngày 23/10 tới đây, PG Bank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023. Cuộc họp dự kiến tổ chức tại Khách sạn G3, G4 - The Five Villas & Resort Ninh Bình, xã Yên Thắng, huyện Yên Mỗ, tỉnh Ninh Bình. Nội dung ĐHĐCĐ là để kiện toàn nhân sự thuộc Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát; tăng vốn điều lệ; thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính. Ngoài ra ĐHĐCĐ cũng sẽ thông qua phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Nam A Bank chung tay cùng TP HCM phát triển xanh
Từ ngày 13 đến 17/09, trong nỗ lực chung tay cùng thành phố và cộng đồng doanh nghiệp để phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Diễn đàn này, do Ủy ban Nhân dân TP HCM tổ chức, thu hút sự tham gia của các diễn giả và chuyên gia trong và ngoài nước để đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế-xã hội của TP HCM và các chương trình quan trọng của thành phố.
Chương trình Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm nay có chủ đề là "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không." Đây là một phần của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. TP HCM, với vai trò trung tâm kinh tế, công nghệ, và cửa ngõ giao lưu quốc tế của Việt Nam, đang tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam đã có 40 tổ chức tín dụng cấp vốn xanh, với tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh vượt quá 20% mỗi năm. Tín dụng xanh tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và các doanh nghiệp quan tâm đến các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Nam A Bank đã đóng góp tích cực trong Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm nay thông qua nhiều hoạt động, như triển lãm sản phẩm và dịch vụ tăng trưởng xanh, sự tham gia vào CEO 100 Tea Connect và chương trình chính của diễn đàn. Ngân hàng này đã "xanh hóa" danh mục tín dụng, tập trung vào lĩnh vực xe ô tô điện, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.
Ngoài ra, Nam A Bank đã triển khai các hoạt động để đánh giá và tính toán mức độ phát thải CO2 vào các sản phẩm tín dụng xanh, và đã đạt cấp độ 3 của ngân hàng xanh. Họ cũng đang nghiên cứu và triển khai sáng kiến cân bằng sinh thái tầm chiến lược, mở rộng hoạt động ngân hàng xanh và tập trung vào ứng dụng công nghệ trong việc quản lý dữ liệu thông tin.
Nam A Bank cũng đã ký kết hợp tác với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) để triển khai chương trình "Tín dụng xanh" và thúc đẩy phát triển bền vững. Họ cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty quản lý quỹ ResponsAbility (Thụy Sĩ) để thúc đẩy phát triển bền vững và tín dụng xanh tại Việt Nam.
Với những hoạt động thiết thực, Nam A Bank đã đạt nhiều giải thưởng về tín dụng xanh và đang tập trung vào việc xây dựng mô hình quản lý khí nhà kính ISO 14097:2021.
Kiến nghị tăng cường thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Trong kiến nghị gửi đến Bộ Tài chính, cử tri TP HCM kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có trả lời kiến trị của cử tri TP HCM về việc quản lý hoạt động của thị trường bảo hiểm.
Trước đó, cử tri TP HCM kiến nghị Bộ Tài chính và bộ ngành có liên quan, cử tri cho rằng, một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không minh bạch và có thể gây rủi ro cho người mua bảo hiểm. Do đó, cử tri đề xuất tăng cường quản lý nhà nước và kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ liên kết với ngân hàng.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, việc phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng, nó có thể hữu ích cho khách hàng, ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm khi các giao dịch được thực hiện dưới nguyên tắc tự nguyện và công bằng. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng còn đối mặt với những vấn đề như ép khách hàng mua bảo hiểm hoặc tư vấn không đầy đủ, vi phạm các nguyên tắc quy định.
Bộ Tài chính cũng nhắc nhở rằng bảo hiểm nhân thọ là cam kết dài hạn của cả doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm, và các quy tắc và điều khoản của các sản phẩm này phải tuân theo các nguyên tắc quốc tế.
Trước kiến nghị của cử tri TP HCM, Bộ Tài chính cho biết, đã và đang đã tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, tập trung vào doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng. Họ cũng đề xuất các biện pháp để kiểm soát việc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và an toàn tài chính của doanh nghiệp, và nếu có vi phạm, các doanh nghiệp phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chuyển các đơn thư có nội dung phản ánh các hành vi có dấu hiệu hình sự sang cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
VPBank sắp thu về 1,5 tỷ USD từ bán cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC
Ngân hàng TMCP VPBank (HoSE: VPB) vừa công bố thông tin bất thường về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản xác nhận về việc nhận đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của VPBank.
VPBank sắp thu về 1,5 tỷ USD từ bán cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ của ngân hàng được thực hiện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và các nghị quyết của HĐQT đã được công bố trước đó. Theo đó, VPBank sẽ phát hành 1,19 tỷ cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC với giá 30.159 đồng/cổ phiếu (tương ứng 15,005% vốn VPBank sau khi hoàn thành phát hành riêng lẻ).
Cách đây một tháng (15/8), Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn gửi Ngân hàng SMCB (Nhật Bản), chấp thuận đề nghị mua cổ phần mới phát hành của VPBank theo hồ sơ của ngân hàng này. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu SMBC phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ , trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung) và các thông tư, nghị định liên quan.
Trước đó, VPBank ước tính thời gian thực hiện chào bán riêng lẻ cho SMBC thực hiện trong quý III và quý IV/2023 sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận SMBC mua cổ phiếu VPBank, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký bán cổ phiếu riêng lẻ.
Sau khi bán xong 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC, VPBank dự kiến thu về 35.904 tỷ đồng để nâng tổng vốn chủ sở hữu lên gần 140.000 tỷ đồng.
Với số tiền bán cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC, VPBank sẽ sử dụng gần 35.000 tỷ đồng bổ sung vốn trung và dài hạn để cho khách hàng vay, phần còn lại 905 tỷ đồng sẽ đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong quý IV/2023 và cả năm 2024.
VPBank cho biết, với mô hình hoạt động kinh doanh đặc thù là tổ chức tín dụng, VPBank luôn cần tăng trưởng năng lực tài chính và nguồn vốn để phục vụ cho việc mở rộng các hoạt động cho vay/cấp tín dụng cho Khách hàng.
Vừa qua, HĐQT VPBank cũng đã thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 30% vốn điều lệ để đảm bảo thực hiện phương án chào bán riêng lẻ.
Nguồn:Tin ngân hàng tuần qua: Dùng ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư giảm rủi ro khi cho vay