Tin ngân hàng tuần qua: NHNN sắp sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng
Tin ngân hàng ngày 29/12: Yêu cầu tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền |
Ngân hàng Nhà nước sắp sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo NHNN, từ đầu tháng 12/2023 đến nay, giá vàng quốc tế tăng mạnh trên mức 2.000 USD/ ounce. Riêng ngày 26/12/2023, giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.063 USD/ ounce, tăng 232 USD/ ounce (tương đương tăng 12,7%) so với đầu năm.
Trước đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo. Riêng trong ngày 26/12/2023, giá vàng miếng SJC biến động mạnh, gần trưa lên đến 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến giờ giao dịch buổi chiều, giá mua bán vàng miếng SJC đã giảm nhanh trở lại, xuống mức 77,4-79,23 triệu đồng/lượng.
Ngày 28/12/2023, giá vàng quốc tế tăng 19 USD/ounce, giá mua bán vàng SJC trong nước quanh mức 78,2/79,87 triệu đồng/lượng.
Trước biến động mạnh của giá vàng quốc tế và trong nước những ngày gần đây, khối lượng giao dịch cả chiều mua, lẫn chiều bán vàng đều tăng nhẹ, tuy nhiên thị trường vàng miếng SJC nhìn chung không biến động bất thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao như giai đoạn trước đây.
Nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng.
Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.
Giao dịch vàng từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Ngày 28/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản số 10064/NHNN- TTGSNH về việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh kim khí quý, đá quý bao gồm các công ty kinh doanh vàng, các công ty trung gian thanh toán tăng cường thực hiện nhận biết khách hàng (gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng) theo quy định về phòng chống rửa tiền. Điều này nhằm đảm bảo việc nhận biết khách hàng và giao dịch của khách hàng được thực hiện phù hợp với các thông tin về khách hàng, hoạt động kinh doanh, mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng.
NHNN cũng yêu cầu các đơn vị trên phải báo cáo về giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại Điều 25 Luật phòng, chống rửa tiền, Quyết định số 11 và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử theo quy định tại Điều 34 Luật phòng, chống rửa tiền và Điều 9 Thông tư số 09.
Theo Quyết định số 11 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ đầu tháng 12 năm nay, các giao dịch giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp qua nhận biết khách hàng và giám sát giao dịch phát hiện có dấu hiệu bất thường, thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cục Phòng, chống rửa tiền) giao dịch đáng ngờ theo quy định tại các điều từ Điều 26 đến Điều 33 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch đáng ngờ, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Những chỉ đạo của NHNN được đưa đưa ra trong bối cảnh giá vàng trong nước tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Lãi suất cuối năm 2023 giảm về đáy
Sau nhiều tháng liền điều chỉnh giảm, trong những ngày cuối tháng 12/2023, lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn tiếp tục xuống thấp kỷ lục.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo ghi nhận, lãi suất ở nhóm Big4 (4 ngân hàng thương mại nhà nước) cũng bắt đầu có sự cách biệt. Agribank là ngân hàng tiếp theo giảm lãi suất mạnh tay hơn thời gian qua.
Hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thấp nhất tại ngân hàng này là 2,2%/năm cho các kỳ hạn 1-2 tháng. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên lãi suất là 5%/năm và cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Trong khi đó, VietinBank và BIDV áp dụng biểu lãi suất huy động giống nhau, với mức lãi suất kỳ hạn ngắn 1-2 tháng là 2,3%/năm. Khách hàng gửi kỳ hạn dài hơn lãi suất sẽ tăng lên như từ 3-6 tháng là 2,9%/năm.
Lãi suất cao nhất tại 2 ngân hàng này là 5,3%/năm khi khách gửi từ 24 tháng trở lên.
Đặc biệt, tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, giảm thêm 0,3 điểm % so với trước đó. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Ở các kỳ hạn khác, Vietcombank không thay đổi mức lãi suất. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này là 4,8%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.
Hiện tại, mặt bằng chung lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại là trên dưới 5,5%/năm. Chỉ một vài đơn vị có lãi suất cao vượt trội. Đó là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Đặc điểm chung của các mức ưu đãi này là chỉ dành cho giới siêu giàu.
Theo đó, mức lãi suất huy động cao nhất thị trường đang thuộc về PVComBank với 10,5%/năm. Ưu đãi này áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng với số tiền gửi lên đến 2.000 tỷ đồng.
Từ ngày 18/12/2023, HDBank công bố biểu lãi suất mới và sự sụt giảm ở đa số kỳ hạn. Tuy nhiên, mức cao nhất tại HDBank vẫn là 8,4%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 300 tỷ đồng. Ngoài ra, HDBank còn có lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và số tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.
Theo biểu niêm yết mới nhất của DongA Bank, lãi suất cao nhất tại nhà băng này chỉ là 5,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, nếu có số tiền gửi trên 200 tỷ đồng, khách sẽ được hưởng mức cao hơn, lên đến 7,5%/năm.
Năm 2023, kiều hối về TP HCM dự kiến đạt gần 9 tỷ USD
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, số liệu kiều hối chuyển về trên địa bàn thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ cả năm 2023 dự kiến đạt khoảng 8,92 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022.
Trước đó, tại báo cáo "Điểm lại tháng 8/2023", Ngân hàng Thế giới dự báo kiều hối của Việt Nam năm 2023 đạt 14 tỷ USD và 14,4 tỷ USD trong năm 2024, giảm mạnh so với con số kiều hối năm 2022 là 19 tỷ USD.
Việc dự báo lượng kiều hối giảm có cơ sở vì các nước hiện nay tăng lãi suất lên cao, đặc biệt ở Mỹ đã lên trên 5%/năm. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của kiều bào, nhất là những người đang có những khoản vay tại ngân hàng đã phải trả lãi nhiều hơn trước.
Riêng lượng kiều kiều gửi về TP HCM tăng cao trong năm 2023 cho thấy, mặc dù kiều bào gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song vẫn quan tâm, hướng về quê hương hỗ trợ giúp đỡ thân nhân và gia đình. Lượng kiều hối gửi về không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước, mà còn là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Trước đó, năm 2022, Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới với khoảng 19 tỷ USD. Từ năm 2012 đến nay, số lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vượt qua con số 10 tỷ USD/năm và mỗi năm tăng khoảng 7 - 10%. Dự báo trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về sẽ tăng khoảng 20% so với năm nay, khi cả thế giới đều đang kỳ vọng vào sự chuyển mình sau đại dịch.
Vietcombank cố định lãi suất cho vay trong 10 năm
Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank - VCB) vừa thông báo chương trình cho vay áp dụng trong tháng 1/2024. Cụ thể, ngân hàng này triển khai cho vay trung và dài hạn với thời hạn lên tới 30 năm và cố định lãi suất trong một thời gian nhất định.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, người vay vốn để mua nhà - đất, mua xe hơi, đầu tư sản xuất kinh doanh…có quyền chọn lãi suất ưu đãi cố định trong 18 tháng đầu tiên là 6,7%/năm, 2 năm 6,8%/năm, 3 năm 7,5%/năm, 5 năm 9,5%/năm, 7 năm 10,5%/năm và 10 năm lãi suất cố định 11%/năm.
Sau thời gian ưu đãi lãi suất cố định, Vietcombank sẽ áp dụng lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3,5%.
Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết năm 2023, tín dụng chỉ tăng đối với các khoản cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng), còn dư nợ cho vay trung và dài lại sụt giảm.
Mặt khác, sự biến động lãi suất vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khiến hoạt động đầu tư của người vay từ có lãi chuyển thành không lãi, thậm chí có trường hợp thua lỗ.
Trong khi đó, Chính phủ định hướng ngành ngân hàng tập trung cho vay dài hạn để khuyến khích đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thế nên, theo ông Tùng, Vietcombank đã tính toán, cân đối chi phí kinh doanh, chấp nhận sự biến động của lãi suất tiền gửi để cố định lãi suất cho vay trung và dài hạn lên tới 10 năm. Từ đó, người vay sẽ an tâm về chi phí vay vốn để "chốt" tổng vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh lâu dài, giảm thiểu rủi ro nếu lãi suất có biến động.
Nguồn:Tin ngân hàng tuần qua: NHNN sắp sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng