Tin ngân hàng tuần qua: Thủ tướng giao NHNN phối hợp Bộ Công an ngăn chặn tín dụng đen
Tin ngân hàng ngày 13/1: Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trung bình từ 15-17% năm 2024 Tin ngân hàng ngày 12/1: Làm sạch hơn 42 triệu hồ sơ khách hàng vay |
Thủ tướng giao NHNN phối hợp Bộ Công an ngăn chặn tín dụng đen
Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 06/TB-VPCP kết luận Hội nghị đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06) giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Thông báo nêu, kết quả triển khai Đề án 06 đến nay mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm. 2024 sẽ là năm "Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp".
Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã đề ra 20 nhiệm vụ chung, 61 nhiệm vụ cụ thể để triển khai trong năm 2024. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh thành cùng với lực lượng công an tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, nhiều nhiệm vụ cấp bách phải triển khai từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cụ thể, về chi trả an sinh xã hội, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh thành chỉ đạo chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 1.058.569 người đã có tài khoản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Về việc tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước được giao phối hợp Bộ Công an triển khai giải pháp chấm điểm khả tín, đảm bảo hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2024.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung giải quyết 09 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 16 nhiệm vụ chậm tiến độ theo các nghị quyết, chỉ thị, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nêu trước đó. Đồng thời, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình của Đề án 06 năm 2024.
Ngoài ra, Thủ tướng giao Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu cấp "Tài khoản an sinh xã hội" gắn với số định danh cá nhân của mỗi người dân Việt Nam, cung cấp trên ứng dụng VNeID.
Đề xuất bãi bỏ 6 Thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư bãi bỏ các Thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Dự thảo đề xuất bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
1. Thông tư số 120/2016/TT-BTC ngày 14/7/2016 của Bộ Tài chính về Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xổ số điện toán Việt Nam.
2. Thông tư số 15/2018/TT-BTC ngày 07/02/2018 quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
3. Thông tư số 127/2012/TT-BTC ngày 8/8/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp.
4. Thông tư số 205/2014/TT-BTC ngày 24/12/2014 ngày 24/12/2014 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 127/2012/TT-BTC ngày 8/8/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp.
5. Thông tư số 26/2012/TT-BTC ngày 23/2/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh.
6. Thông tư số 76/2015/TT-BTC ngày 19/05/2015 của Bộ Tài chính quy định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư.
Đối với chi phí hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-BTC ngày 07/02/2018 của Bộ Tài chính quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương áp dụng như đối với các chi phí đối với hoạt động bảo lãnh trái phiếu Chính phủ.
Đồng Nai chuyển cơ quan điều tra 11 vụ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm
Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đồng Nai cho biết, năm 2023 BHXH tỉnh đã chuyển 11 vụ có dấu hiệu tội phạm qua cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai; phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu, dữ liệu để phục vụ công tác điều tra đối với các cơ sở khám chữa bệnh có dấu hiệu trục lợi quỹ BHXH, BHYT…
CSĐT Công an thành phố Biên Hòa khám xét một phòng khám có dấu hiệu làm giả giấy tờ, trục lợi bảo hiểm. |
Trước đó, Công an thành phố Biên Hòa đã phối hợp với công an các phường, xã để kiểm xét 6 phòng khám trên địa bàn. Họ thu giữ hơn 130 nghìn giấy chứng nhận nghỉ làm được hưởng bảo hiểm xã hội, 400 giấy khám sức khỏe, và nhiều tài liệu khác. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố 20 bị can để điều tra về hành vi làm giả giấy tờ nhằm lợi dụng tiền bảo hiểm.
Trong số những người bị khởi tố, có 6 bác sĩ đứng đầu, phó, và chuyên khoa tại các phòng khám đa khoa, cùng với dược sĩ và nhân viên y tế. Điều tra cho thấy, chủ các phòng khám đã hướng dẫn nhân viên cấu kết với các đối tượng bên ngoài để làm giả giấy tờ nhằm lợi dụng tiền bảo hiểm.
Sự việc bắt đầu từ tháng 3/2022 khi BHXH Đồng Nai phát hiện nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tại Biên Hòa bán giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. BHXH đã tổ chức thanh tra và kiểm tra tại nhiều địa điểm, phát hiện nhiều sai phạm.
Trong quá trình thanh tra và kiểm tra năm 2023, BHXH Đồng Nai đã phát hiện 474 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, và có tổng số tiền truy đóng gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có 16 trường hợp đóng sai đối tượng và 3.671 trường hợp hưởng chế độ BHXH sai quy định, với số tiền phải thu hồi là trên 1,8 tỷ đồng.
BHXH Đồng Nai cũng đã đề xuất thu hồi gần 4,2 tỷ đồng vào quỹ BHYT do các cơ sở khám chữa bệnh BHYT chi sai quy định và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là trên 4,1 tỷ đồng. Đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, đã có thanh tra và buộc họ khắc phục tổng số tiền chậm đóng trên 64,7 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, công tác thanh tra và kiểm tra là một trong những giải pháp tích cực quan trọng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động và ngăn chặn việc vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT từ phía các đơn vị sử dụng lao động.
Ngân hàng phát hành 176.006 tỷ đồng trái phiếu
Ngân hàng là nhóm ngành phát hành trái phiếu nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành) trong năm 2023, theo sau là bất động sản.
Cụ thể, ngày 14/12/2023, ngân hàng OCB phát hành thành công 2.000 tỷ đồng lô trái phiếu mã OCBL2326015. Kể từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu ngân hàng này đã huy động là 17.350 tỷ đồng.
Nhưng vẫn chưa dừng lại ở con số này. Theo nghị quyết về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ được công bố vào tháng 6/2023, OCB dự kiến phát hành tối đa 26.000 trái phiếu, chia làm 15 đợt trong quý II, III, IV/2023; Giá trị mỗi đợt từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng. Chào bán cho đối tượng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Mệnh giá tương ứng 1 tỷ đồng/trái phiếu, nếu thành công, OCB sẽ huy động được 26.000 tỷ đồng.
Ngày 12/12, ngân hàng VIB cũng phát hành 790 tỷ đồng lô trái phiếu mã VIBL2330005 với lãi suất 8%/năm, kỳ hạn 7 năm, nâng tổng giá trị huy động từ trái phiếu của VIB lên 8.500 tỷ đồng kể từ đầu năm đến nay.
Mới đây, Agribank thông báo phát hành thành công ra công chúng năm 2023 là 10.000 tỷ đồng trái phiếu, thu hút tới 14.156 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia.
Nhưng ngân hàng kể trên chỉ là số ít các ngân hàng phát hành trái phiếu thành công trong tháng cuối năm. Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tháng 12, đã có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.
Đáng chú ý, trong tháng 12/2023, có tới 44/55 đợt phát hành trái phiếu là của các ngân hàng thương mại.
Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số).
Ngân hàng tiếp tục là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng, (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%).
Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng trái phiếu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo VBMA, năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113.486 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng (chiếm 20%).
Agribank tăng vốn điều lệ lên gần 41.000 tỷ đồng
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Việt Nam (Agribank) đã công bố điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được tăng từ 34.210 tỷ đồng lên 40.963 tỷ đồng. Quy mô vốn điều lệ của Agribank hiện chỉ xếp thứ 6 toàn ngành.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được tăng từ 34.210 tỷ đồng lên 40.963 tỷ đồng. Ngày thay đổi trên có hiệu lực là 11/1/2024. Ngày ngân hàng nhận được giấy chứng nhận kinh doanh mới là 12/1.
Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Trong đó năm 2023 là 6.753 tỷ đồng và năm 2024 là 10.347 tỷ đồng. Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.
Dù đã được tăng thêm gần 7.000 tỷ đồng, quy mô vốn điều lệ của Agribank hiện chỉ xếp thứ 6 toàn ngành, thấp nhất trong nhóm Big4 và thua kém hai ngân hàng thương mại cổ phần là MB (hơn 52.100 tỷ đồng) và VPBank (hơn 79.300 tỷ đồng).
Trong khi đó, quy mô tín dụng của Agribank cuối năm 2023 là 1,55 triệu tỷ đồng,chỉ đứng sau BIDV (1,79 triệu tỷ đồng), cao hơn VietinBank (1,48 triệu tỷ đồng) và Vietcombank (1,28 triệu tỷ đồng) và cao hơn nhiều so với mức 615.400 tỷ đồng của MB.
Tổng tài sản của Agribank đến cuối năm 2023 đã vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng.
Nguồn:Tin ngân hàng tuần qua: Thủ tướng giao NHNN phối hợp Bộ Công an ngăn chặn tín dụng đen