Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 18/6: Hà Nội bổ sung dự án 4 hecta trên quận Tây Hồ
Hà Nội bổ sung dự án 4 hecta trên quận Tây Hồ
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký ban hành Quyết định số 434/QĐUBND ngày 23/1/2024 và số 1981/QĐ-UBND ngày 15/4/2024 về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Tây Hồ.
Theo quyết định, thành phố Hà Nội bổ sung một dự án với diện tích 4 ha để xây dựng hạ tầng khu nhà ở, đất ở dành cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước tại Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.
Ngoài ra, thành phố cũng điều chỉnh tổng số dự án ghi tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 1981/QĐ-UBND ngày 15/4/2024 của UBND TP. Hà Nội thành 77 dự án với tổng diện tích 324,135 ha.
Các nội dung khác ghi tại Quyết định số 434/QĐ-UBND ngày 23/1/2024 và số 1981/QĐ-UBND ngày 15/4/2024 của UBND TP. Hà Nội vẫn giữ nguyên hiệu lực.
Khu đô thị Nam Thăng Long có quy mô hơn 394,13 ha, là một trong những khu đô thị mới đầu tiên tại Hà Nội với tổng số vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD. Đây là khu đô thị do Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long – một liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị và Tập đoàn Ciputra (Indonesia), làm chủ đầu tư. Từ năm 2018, chủ đầu tư đã chuyển nhượng thứ cấp hàng loạt lô đất thuộc phần quy hoạch giai đoạn 2 và 3 của khu đô thị.
Công khai thông tin dự án, làm rõ các khái niệm mới
Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản ( ghị định), sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên Chính phủ, Bộ Xây dựng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề quan trọng của Nghị định. Cụ thể, nếu dự án chỉ có mục tiêu đầu tư xây dựng công trình hoặc đầu tư kinh doanh dự án bất động sản thì chủ đầu tư có quyền chuyển nhượng đất và bán tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân hay không?
Ảnh minh họa |
Thông tin cần công khai về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định bao gồm những gì? Việc xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ và dự án kinh doanh bất động sản thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu được quy định chi tiết như thế nào?
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng giải trình và làm rõ một số nội dung liên quan đến quy định về trách nhiệm thực hiện các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản; kinh phí cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; xác nhận giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản…
Trao đổi về quy định công khai thông tin bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh và trách nhiệm xác thực thông tin, GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội khoá XV đề nghị: Trường hợp doanh nghiệp không có trang web, cổng thông tin thì phải công bố trên trang web, sàn giao dịch bất động sản tại khu vực có bất động sản. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải công khai trên hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, trước khi đưa vào giao dịch và chỉ kết thúc sau khi đã hoàn thành giao dịch.
Trong khuôn khổ cuộc họp, các đại biểu còn đóng góp ý kiến về công trình xây dựng, sàn xây dựng kinh doanh lĩnh vực khác kết hợp với cung cấp dịch vụ lưu trú, du lịch, khách sạn.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ một số khái niệm mới về công trình hỗn hợp toà nhà văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) và căn hộ kết hợp lưu trú (condotel).
“Những gì chưa được quy định nhưng thực tiễn đã có, được thừa nhận và được nêu trong Luật thì phải được thể chế hoá cụ thể, rõ ràng hơn chứ không nhắc lại Luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Long An chấp thuận nhà đầu tư dự án khu dân cư gần 1.500 tỷ đồng
Mới đây, UBND tỉnh Long An đã có quyết định chấp thuận cho liên danh CTCP Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group) và CTCP Xây dựng Số 1 Hà Nội (HACC1) là nhà đầu tư thực hiện dự án Đường N18 kết hợp khu dân cư thị trấn Cần Giuộc.
Ảnh minh họa |
Đây là dự án khu dân cư có diện tích xây dựng khoảng 9,2 ha, được xây dựng tại thị trấn Cần Giuộc, Long An. Trong đó, diện tích đất ở xây dựng khoảng 3,1 ha, cung cấp 366 căn nhà liền kề, nhà biệt thự, nhà phố thương mại. Ngoài ra còn dành gần 0,5 ha để xây dựng nhà ở xã hội.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1.454 tỷ đồng, quy mô dân số gần 1.500 người. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo quyết định phê duyệt, tỷ lệ vốn góp tại dự án này là 291 tỷ đồng, trong đó Thắng Lợi Group sẽ góp 247 tỷ (85%) và HACC1 góp 44 tỷ đồng (15%).
Tỉnh Long An yêu cầu nhà đầu tư đến hết quý 3/2024 hoàn thành thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; bồi thường giải phóng giải phóng mặt bằng; giao đất, cho thuê đất, đánh giá tác động môi trường. Hoàn thành rà phá bom mìn; chuẩn bị mặt bằng; khảo sát xây dựng, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; cấp phép xây dựng; triển khai thi công xây dựng. Hoàn thành quyết toán dự án, bảo hành công trình, chủ đầu tư bàn giao hạ tầng kỹ thuật.
Theo tìm hiểu, Thắng Lợi Group tiền thân là CTCP Địa ốc Thắng Lợi thành lập vào năm 2010, có trụ sở đặt tại quận 6, TP HCM. Đến năm 2016, doanh nghiệp tái cấu trúc và hoạt động theo mô hình group và đến 2021 chuyển sang mô hình kinh tế tập đoàn.
Từ năm 2012, Thắng Lợi đã bắt đầu đầu tư vào Long An. Đến nay, doanh nghiệp đã sở hữu nhiều dự án tại đây, như khu đô thị The Diamond City, The Sol City, Lạc Tấn West Market, tổ hợp trung tâm thương mại J-Dragon, Galaxy Hải Sơn...
Còn CTCP Xây dựng Số 1 Hà Nội (HACC1), đây là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), được thành lập vào năm 2005, có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Biên Hòa (Đồng Nai) giải quyết vướng mặt bằng cho hai dự án trọng điểm
Hai dự án trọng điểm của tỉnh Đồng Nai gồm dự án đường ven sông Cái và dự án đường trục trung tâm TP Biên Hòa, với tổng mức đầu tư 4.460 tỉ đồng, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo không gian phát triển cho đô thị Biên Hòa. Tuy nhiên, cả hai dự án hiện đang gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là vấn đề mặt bằng thi công.
Về dự án đường ven sông Cái có tổng chiều dài gần 4,6 km, nối từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản, đi qua 5 phường của TP Biên Hòa: Quyết Thắng, Thống Nhất, Tân Mai, Tam Hiệp, và An Bình. Trên tuyến đường này, sẽ có 5 cầu được xây dựng mới trong giai đoạn từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024.
Hiện tại, tại cầu Chìm Tàu, các đơn vị đã hoàn thành 1 mố cầu và đang thi công mố còn lại, tuy nhiên phần đường dẫn hai đầu cầu vẫn vướng mặt bằng của người dân. Các cầu khác như cầu Chìm Tàu, cầu Rạch Gió, và cầu Suối Linh đang tiến hành gia công cốt thép, ván khuôn, và khoan cọc đại trà, trong khi cầu Tân Mai chưa thể thực hiện do vướng mặt bằng.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai, chủ đầu tư dự án, cho biết dự án đang gặp nhiều vướng mắc tại mố cầu số 4 (cầu Rạch Gió) và mố cầu số 6 (cầu Tân Mai). Do đó, kiến nghị lãnh đạo TP Biên Hòa chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng tháo gỡ và bàn giao mặt bằng để thi công.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam yêu cầu Thường trực UBND thành phố giải quyết dứt điểm vướng mắc tại mố cầu số 6 cầu Tân Mai để sớm nghiệm thu và bàn giao công trình suối Tân Mai. Đối với việc di dời các ngôi mộ tại nghĩa địa Tân Mai 2, Bí thư Thành ủy mong muốn người dân đồng thuận và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố rà soát quy định để sớm áp giá phù hợp.
Dự án đường trục trung tâm TP Biên Hòa dài hơn 5 km với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng cũng đang gặp vướng mắc mặt bằng tại điểm thi công mố số 1 cầu Ông Án, phường Hiệp Hòa.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa đã trực tiếp lắng nghe và trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, hộ dân có diện tích giải tỏa hơn 1,5 ha đất, và đề nghị nhà thầu nghiên cứu phương án hỗ trợ hộ dân này về phần san lấp mặt bằng trước đây. Các chính sách đền bù và hỗ trợ khác sẽ được thực hiện đúng quy định, hướng đến lợi ích của người dân. Về phương án thi công mố cầu, lãnh đạo Thành ủy giao phường Hiệp Hòa cùng nhà thầu vận động người dân linh động để đưa phương tiện máy móc vào thi công trước.
Thanh Hóa tìm nhà đầu tư cho hai dự án gần 2.300 tỷ
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa thông báo tìm chủ đầu tư cho 2 dự án bất động sản trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
Thứ nhất là Khu đô thị mới Sunrise City, thực hiện tại xã Hoằng Đông và xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa. Quy mô dân số khoảng 6.000 người. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 2.005 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 129 tỷ đồng. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký là ngày 19/7.
Diện tích khu đất rộng 48,3 ha. Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở gồm 1.064 căn nhà ở và lô đất ở. Trong đó có 218 căn nhà liền kề xây thô, 819 lô đất ở được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền và 27 lô dự kiến tái định cư để bố trí cho các đối tượng bị ảnh hưởng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định, lâu dài. Tiến độ thực hiện không quá 5 năm kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư.
Thứ hai là Khu dân cư mới Nam Đồng Nẫn 3. Địa điểm thực hiện tại thị trấn Triệu Sơn và xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn. Quy mô dân số khoảng 1.400 người. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện gần 218 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 33 tỷ đồng. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký là ngày 12/7.
Diện tích khu đất rồng gần 9,1 ha. Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở gồm 260 lô đất xây dựng nhà ở liền kề và biệt thự, 62 căn nhà ở xây thô và hoàn thiện mặt trước, 10 lô đất ở tái định cư.
Tiến độ đầu tư không quá 4 năm kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư. Dự kiến từ quý II/2024 - quý I/2028.
Nguồn: Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 18/6: Hà Nội bổ sung dự án 4 hecta trên quận Tây Hồ