Tin Xây dựng - Bất động sản tuần qua: TPHCM thu hồi gần 288.000 m2 đất của cơ quan, đơn vị
TP.HCM thu hồi gần 288.000 m2 đất của cơ quan, đơn vị
Theo báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”, Sở Tài chính TP đã tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo 167 (của UBND TP) phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 510 địa chỉ nhà, đất (diện tích hơn 1,2 triệu m2); trong đó thực hiện thu hồi 35 địa chỉ nhà đất (diện tích gần 288.000 m2) do cơ quan, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng.
Ảnh minh họa |
Việc sắp xếp, xử lý, thu hồi các địa chỉ nhà đất trên, theo Sở TN&MT TP là thực hiện theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Ngoài sắp xếp nhà đất, Sở TN&MT TP cũng thông tin về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai ở TP trong các năm qua. Cụ thể, trong năm 2024, cơ quan chức năng đã ban hành kế hoạch thanh tra, thanh tra chuyên ngành đất đai đối với tổ chức sử dụng đất trên địa bàn TP. Từ đầu năm đến tháng 6-2024, đã ban hành 72 quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền là trên 2,2 tỉ đồng.
Năm 2023, tổng số vi phạm đất đai là 158 vụ với tổng số tiền phạt hơn 18,3 tỉ đồng, trong đó Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP đã ban hành 153 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt là hơn 15 tỉ đồng (buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hơn 13 tỉ đồng).
Năm 2021-2022: Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP đã ban hành 232 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền là gần 13 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu ở lĩnh vực đất đai được nhận diện gồm: chậm đăng ký biến động đất đai, chậm cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, căn hộ trong dự án kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, trong nhiều năm qua, TP cũng đã thực hiện tiếp 3.221 lượt công dân, giải quyết 1.660 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo về đất đai, tham mưu thực hiện 34/34 dự án theo kết luận thanh tra.
Đề xuất giảm trần doanh thu cho kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi văn bản khẩn cấp đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, đề nghị sửa đổi tiêu chí trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản. Dự thảo hiện tại của Bộ Xây dựng quy định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ với doanh thu dưới 300 tỷ đồng và tối đa 10 giao dịch mỗi năm, không áp dụng cho việc bán một căn nhà hoặc một sản phẩm trong năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng mức 300 tỷ đồng chưa phù hợp và thiếu căn cứ pháp lý, đề xuất hạ xuống 100 tỷ đồng. Ông Châu lập luận rằng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ có doanh thu tối đa 100 tỷ đồng, trong khi mức 300 tỷ đồng sẽ tạo sự bất bình đẳng.
HoREA cảnh báo rằng quy định hiện tại có thể gây thất thu ngân sách, vì nhà nước khuyến khích cá nhân, hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Mức thuế của cá nhân dưới 300 tỷ đồng là 2% giá trị hợp đồng, trong khi doanh nghiệp sẽ nộp thêm VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, HoREA đề nghị bổ sung quy định cho cá nhân sở hữu hoặc thừa kế bất động sản giá trị lớn không phải thành lập doanh nghiệp mà chỉ cần nộp thuế, do giá trị các bất động sản cao cấp có thể vượt 200-300 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia cũng đã đề xuất xem xét các tiêu chí về doanh thu bán, cho thuê, tổng mức đầu tư và số lượng bất động sản kinh doanh trong một năm.
Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8
Sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng, với 404/469 đại biểu tán thành (83,3%). Các luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Ảnh minh họa |
Một số quy định chuyển tiếp trong Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh, cho biết các luật này thể chế hóa nhiều chính sách mới, khắc phục hạn chế của các luật trước đây, và hứa hẹn tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương, không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa.
Không để xảy ra tình trạng thông tư "chờ" nghị định, văn bản của địa phương "chờ" văn bản của trung ương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 1/8/2024.
Chính phủ chịu trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Becamex IDC dự kiến huy động 1.500 tỷ đồng từ trái phiếu riêng lẻ
Hội đồng quản trị Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) vừa phê duyệt kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ, với tổng giá trị tối đa 1.500 tỷ đồng. Số vốn huy động sẽ được sử dụng theo phương án cụ thể và đảm bảo bằng tài sản của công ty hoặc bên thứ ba.
Becamex IDC sẽ đăng ký và lưu ký trái phiếu tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) và đăng ký giao dịch trên hệ thống tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc, được giao thực hiện kế hoạch này.
Tại phiên họp ngày 27/6, cổ đông đã thông qua phương án chào bán 300 triệu cổ phiếu mới qua đấu giá công khai tại HoSE. Giá khởi điểm không dưới 50.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động tối thiểu 15.000 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án và tái cấu trúc tài chính.
Becamex đang vận hành 18 khu công nghiệp Becamex-VSIP tại 9 tỉnh, thành phố. Ngoài bất động sản đô thị và khu công nghiệp, công ty còn kinh doanh trong một số lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Becamex IDC đặt ra mục tiêu mang về 9.000 tỷ đồng doanh thu, 2.350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 2% và 3% so với thực hiện năm trước. Doanh nghiệp này cũng dự kiến chi 1.035 tỷ đồng để trả cổ tức cho năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt.
Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 94,11% người mua nhà tái định cư
Ảnh minh họa |
Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận (GCN) cho 94,11% người mua nhà tái định cư, tương đương 14.798 trên tổng số 15.724 căn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, 617.964 trên 622.860 thửa đất đã được cấp GCN, đạt 99,21%. Đối với các dự án phát triển nhà ở, 317.808 trên 368.337 căn đã được cấp GCN, chiếm 86,28%.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, công tác cấp GCN đã có những chuyển biến tích cực, phản ánh sự quyết tâm của chính quyền và các cơ quan. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại trong việc cấp GCN, đặc biệt là ở một số quận, huyện và các dự án vi phạm quy hoạch.
Thành phố dự kiến tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, và thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp GCN sẽ được tăng cường trong thời gian tới.
Nguồn: Tin Xây dựng - bất động sản tuần qua: TPHCM thu hồi gần 288.000 m2 đất của cơ quan, đơn vị