Tốc độ gia tăng nợ nhóm 2 tại MB chậm lại, thu về hơn 1.900 tỷ từ bán bảo hiểm
Lợi nhuận tại MB giảm do chi phí dự phòng rủi ro?
Báo cáo tài chính quý I/2024 tại ngân hàng MB cho thấy, lợi nhuận trước thuế đạt 5.795 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 4.624 tỷ đồng, đều giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý đầu năm, nguồn thu chính của MB sụt giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn thu hơn 9.062 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Mặc dù vậy, các nguồn thu ngoài lãi của MB đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: lãi thuần từ dịch vụ đạt hơn 945 tỷ đồng, tăng 37%; mua bán chứng khoán kinh doanh lãi gần 965 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ thu được hơn 37 tỷ đồng; chứng khoán đầu tư tăng 61% đạt 217 tỷ;...
Tuy nhiên, lợi nhuận tại MB vẫn giảm do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng 46% so với cùng kỳ, lên đến 2.707 tỷ đồng và kéo lùi lợi nhuận trước thuế. Chi phí dự phòng của MB tăng trong bối cảnh số dư nợ xấu đi lên.
Theo đó, tính đến 31/3/2024, nợ xấu tại MB tăng 56% so với đầu năm, lên mức 15.294 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 1,6% đầu năm lên 2,49%. Trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống dưới 100%, đạt 80% vào cuối quý I/2024.
Trong cơ cấu nhóm nợ xấu tại MB cho thấy, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm 40% tổng số dư nợ xấu, ghi nhận hơn 6.048 tỷ đồng, tăng đến 109%, tương đương tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 26% lên mức 4.039 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ cũng tăng 41% lên hơn 5.207 tỷ đồng.
Đặc biệt, tốc độ gia tăng nợ nhóm 2 tại MB (nợ cần chú ý) đã chậm lại, tính đến cuối quý I/2024 ghi nhận hơn 14.119 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 1% trong 3 tháng đầu năm.
Quý I/2024, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, Mã: MBB) thu về hơn 4.600 tỷ đồng lãi sau thuế. Ảnh: MB |
Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản của MB thu hẹp 5% so với đầu năm, chỉ còn 900.647 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 82% so với đầu năm, còn 11.915 tỷ đồng; tiền gửi và cho vay TCTD khác tăng đến 68% còn 77.809 tỷ đồng và cho vay khách hàng chỉ tăng 0,7% đạt 615.316 tỷ đồng.
Ở phía nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 2% còn 558.826 tỷ đồng và các khoản nợ Chính phủ và NHNN tăng lên 3.900 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ có gần 9 tỷ.
Kinh doanh bảo hiểm không còn hấp dẫn?
Bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) là nguồn thu quan trọng nhất trong các hoạt động ngoài tín dụng tại MB. Với hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch lớn (gần 300 điểm) mỗi năm MB đều thu về hàng nghìn tỷ từ hoạt động bán bảo hiểm cho MIC (MB sở hữu 68,37%) và MB Ageas Life (MB sở hữu 61%).
Cụ thể, năm 2016, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tại MB chỉ đạt hơn 236 tỷ đồng, chỉ chiếm 18% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Đến năm 2017, nguồn thu từ bancassurance đã lên tới 1.850 tỷ đồng và đến năm 2022 cán mốc thu về hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm tới 71,5% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Tuy nhiên, năm 2023, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm giảm 19% so với năm 2022, chỉ mang về hơn 8.228 tỷ đồng, chiếm 62% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Đến 3 tháng đầu năm 2024, nguồn thu này tại MB tiếp tục giảm 9% so với cùng kỳ, chỉ mang về hơn 1.901 tỷ đồng.
Kể từ đầu năm 2023, loạt lùm xùm liên quan đến bancassurance đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam. Hậu quả từ cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành bảo hiểm có thể được nhìn thấy trong thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm của một số ngân hàng và MB là minh chứng điển hình.
Thận trọng mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024
Mới đây, ngân hàng MB tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Tại đây, MB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 6 - 8% trong năm 2024, bằng một nửa so với mức thực hiện của năm ngoái và thấp hơn mục tiêu được công bố tại Hội nghị nhà đầu tư hồi đầu năm. Như vậy, có thể ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm 2024 dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.
Kịch bản trong trường hợp MB chưa nhận chuyển giao bắt buộc. (Ảnh: Công bố thông tin). |
Trong giai đoạn 2024 - 2029, MB kế hoạch tài sản sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm, với tăng trưởng huy động vốn trung bình trong 5 năm tới là 15%/năm.
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành ngân hàng tiếp theo vượt qua cột mốc 1 triệu tỷ sau nhóm Big4.
Tín dụng được dự báo tăng trưởng 15 - 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn.
Về các chỉ số như ROE, ROA hay CIR, ngân hàng dự kiến sẽ thuộc top đầu trong ngành. Tới cuối năm 2024, MB đạt được 30 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029. Tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 dự kiến là 10 - 20%.
Về tăng trưởng tín dụng, MB đặt mục tiêu trung bình là 15% mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%.
Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng này chưa tính đến trường hợp MB nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại. Nếu có thay đổi, ngân hàng sẽ báo cáo bổ sung ĐHĐCĐ sau khi có quyết định của chính phủ và NHNN.
Chủ tịch ngân hàng MB, ông Lưu Trung Thái cho rằng, năm 2023, NIM toàn ngành giảm và theo tính toán về tác động doanh thu, chi phí dự phòng phương án NIM tiếp tục giảm trong năm 2024. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I năm nay chậm. Thông thường quý I thường tăng 5- 6%, nhưng năm nay thì tăng rất thấp khoảng 0,23%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng lên tạo áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên. Do đó, để thận trọng thì MB đặt ra mức tăng kế hoạch là tăng lợi nhuận 6 - 8%, phấn đấu đạt khoảng 10%.
Nguồn: Tốc độ gia tăng nợ nhóm 2 tại MB chậm lại, thu về hơn 1.900 tỷ từ bán bảo hiểm