Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tâm huyết để văn hóa là hồn cốt của dân tộc
“ĐẤT NƯỚC TA CHƯA BAO GIỜ CÓ ĐƯỢC CƠ ĐỒ, TIỀM LỰC, VỊ THẾ VÀ UY TÍN QUỐC TẾ NHƯ NGÀY NAY” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đóng góp to lớn và sâu sắc cho lý luận của Đảng |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi và chúc Tết các văn nghệ sỹ (Hà Nội, năm 2018)_ Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
1. Nâng tầm nhận thức lý luận
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, mở đầu bài phát biểu, Đồng chí Tổng Bí thư bày tỏ sự vui mừng và nhiều cảm xúc khi tham dự vì ba lý do, trong đó lý do đầu tiên đó chính là vì tầm quan trọng của văn hóa. Tầm quan trọng của văn hóa được Đồng chí Tổng Bí thư phân tích và minh chứng bằng chính lịch sử hào hùng của dân tộc. Văn hóa, với tư cách là những giá trị tốt đẹp đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh của dân tộc, góp phần làm nên những chiến công hiển hách, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiến tạo hòa bình, thúc đẩy quá trình đổi mới và hội nhập, phát triển bền vững đất nước. Hay nói cách khác, văn hóa là nguồn lực nội sinh, là một trong những động lực quan trọng làm nên thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước.
Đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phát triển theo định hướng XHCN, văn hóa có một vị thế vô cùng đặc biệt. Khi đọc tác phẩm Văn hóa và đổi mới của đồng chí Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất tâm đắc với luận điểm “định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hóa”. Đồng chí cho rằng đây là nhận xét “rất tinh tế, bao quát và sâu sắc”. Định hướng XHCN không chỉ là lý tưởng mà nó còn là những nền tảng vật chất và tinh thần, là văn hóa - những yếu tố tạo nên thế và lực của đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “… định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ nêu lý tưởng để vươn tới mà còn là một hệ thống giải pháp làm nên sức mạnh và thế mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, là sự kích thích vật chất đồng thời là sự cổ vũ tinh thần rất giàu những tiềm lực mà chúng ta chưa khai thác tới. Nó bắt nguồn và bắt rễ từ mảnh đất văn hóa: truyền thống văn hóa của dân tộc, tinh hoa văn hóa của thời đại, xu thế phát triển của lịch sử và nhu cầu, khát vọng của Nhân dân”(1).
Đánh giá nhận thức lý luận của Đảng về văn hóa trong thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”(2).
Tư tưởng của Đồng chí Tổng Bí thư về văn hóa là sự tiếp nối một cách nhất quán và hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng phản ánh tư duy lý luận của Đảng về văn hóa ngày càng được bổ sung và hoàn hiện hơn.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục đích và nền tảng của nền văn hóa trong chế độ xã hội mới là vì hạnh phúc của nhân dân mà phấn đấu, trên cơ sở hạnh phúc của nhân dân mà xây dựng: “Văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Tiếp nối tinh thần ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng sự phát triển kinh tế, xét cho đến cùng cũng là vì hạnh phúc của con người. Mà hạnh phúc của con người thì không chỉ giới hạn trong những tiêu chí về vật chất, mà còn là việc nuôi dưỡng một đời sống tâm hồn, một thế giới tinh thần lành mạnh, được nâng đỡ bởi những giá trị nhân văn: “Chúng ta xây dựng, phát triển kinh tế cuối cùng cũng vì sự phát triển bền vững của xã hội, vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của con người. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”(3). Phát triển kinh tế hay phát triển văn hóa cũng đều phải vì con người, vì hạnh phúc của con người. Hạnh phúc của con người được vun bồi bởi cả những giá trị vật chất và tinh thần.
Đây chính là sự luận giải biện chứng giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển văn hóa với phát triển con người. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần thời đại: sự sáng tạo văn hóa là động lực tiến bộ của loài người, mọi quá trình phát triển xét cho đến cùng là vì hạnh phúc của con người, sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao của sự phát triển.
2. Sâu sắc trong chỉ đạo thực tiễn
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ đạo nhằm khơi dậy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Để văn hóa thực sự là hồn cốt của dân tộc, Đồng chí Tổng Bí thư đặt vấn đề cần chấn hưng văn hóa dân tộc, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong phát triển văn hóa, làm cho văn hóa trở nên hưng thịnh hơn. Trong bài phát biểu của Đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nêu lên 6 nhiệm vụ để chấn hưng văn hóa dân tộc. Đây là những định hướng lớn cho những kế hoạch phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc.
Thứ hai, tập trung vào xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập.
Thứ ba, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa.
Thứ tư, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa của nhân dân, trong đó đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
Thứ sáu, xây dựng môi trường văn hóa số và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Để có thể chấn hưng văn hóa dân tộc, trước hết và trên hết cần tập trung xây dựng con người. Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam cần được khẩn trương nghiên cứu, xác định và triển khai. Con người cần được chăm lo phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, cảm xúc, thể chất cùng kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp. Chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được rèn luyện, được thực hành thường xuyên và tự giác. Cùng với nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng con người phát triển toàn diện, vừa là con người sáng tạo, vừa là con người thụ hưởng các giá trị văn hóa, để văn hóa phát triển tương xứng với các lĩnh vực khác và tương xứng với chính vai trò của nó, cần quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, các hoạt động văn hóa, chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới cũng như không ngừng nỗ lực sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phản ánh tinh thần và tầm vóc thời đại.
Đối với từng lĩnh vực văn hóa, Đồng chí Tổng Bí thư có những gợi mở cụ thể. Đồng chí yêu cầu các cơ quan báo chí: “nội dung thông tin báo chí cần trung thực, khách quan, phong phú, nhiều chiều. Cách diễn đạt và chuyển tải thông tin cần chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn, giữ gìn bản sắc và sự trong sáng của tiếng Việt, trước những vấn đề mới, phức tạp hoặc những sự kiện lớn, quan trọng trong nước cần có phân tích, bình luận sắc sảo, thuyết phục nhằm hướng dẫn nhận thức, dư luận xã hội một cách đúng đắn theo quan điểm, đường lối của Đảng. Tránh cách đưa thông tin phiến diện hoặc suy diễn, võ đoán, loại bỏ những thông tin xấu ảnh hưởng đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước”(4).
Đối với các nhà văn trẻ, Đồng chí bày tỏ: “Thời đại chúng ta có rất nhiều điều đáng viết, nhưng quan trọng vẫn là viết như thế nào, viết cho ai đọc và viết để làm gì. Chúng ta thường nói, văn học phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn học bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các nhà văn trẻ thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của Nhân dân. Đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình”(5).
Đối với đội ngũ nghệ sĩ sân khấu, Đồng chí cũng nêu những yêu cầu: “Đặc biệt, cần có nhiều vở diễn nêu bật những nhân tố mới, những nhân vật tiêu biểu của thời đại, cổ vũ cái đúng, cái tốt đẹp, phê phán cái xấu, cái ác, cái thấp hèn. Trong lúc này, cuộc sống đang rất cần những vở diễn mang hơi thở cuộc sống, mang tầm vóc của dân tộc và thời đại, thu hút và hấp dẫn được đông đảo người xem”(6) …
Hàng trăm bài viết, bài phát biểu về văn hóa trong hơn nửa thế kỷ qua đã phản ánh tầm nhìn, trí tuệ và tình cảm của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc. Từ lý luận đến thực tiễn, từ những vấn đề vĩ mô đến những vấn đề vi mô, với một tinh thần để văn hóa thực sự là hồn cốt của dân tộc, các vấn đề văn hóa, các lĩnh vực văn hóa đã được Đồng chí Tổng Bí thư phân tích, luận giản giản dị mà sắc bén, thiết thực mà khúc chiết. Tất cả những minh triết ấy là những chỉ dẫn vô cùng quý báu cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
_________________
Ngày nhận bài: 20-7-2024; Ngày bình duyệt: 22 -7- 2024; Ngày duyệt đăng: 23-7-2024.
(1), (2), (3), (4), (5), (6) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.132, 38, 74, 590, 222, 231.
Nguồn: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tâm huyết để văn hóa là hồn cốt của dân tộc