TP. HCM phát triển du lịch bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu
Ngành Du lịch toàn cầu đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó Việt Nam là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển du lịch gắn với thích ứng biến đổi khí hậu là bài toán khó, thế nhưng tại TP. HCM hoạt động này đang được nhiều doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn quan tâm.
Với vẻ đẹp thiên nhiên nổi bật cùng nền văn hóa đa dạng, TP. HCM đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cả du khách trong và ngoài nước. Trên nền tảng nhận thức về ảnh hưởng của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương, các hoạt động du lịch xanh đang trở thành xu hướng phát triển mới, tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch TP. HCM.
TP. HCM, một đô thị hiện đại và sầm uất, đang chứng minh sức hút của mình thông qua những mô hình du lịch xanh độc đáo. Theo Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, TP. HCM sở hữu nhiều tiềm năng du lịch sinh thái độc đáo, đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, được UNESCO công nhận từ năm 2000.
Với diện tích hơn 70.000 ha, Cần Giờ không chỉ đóng vai trò như “lá phổi xanh” giúp cân bằng sinh thái mà còn mang lại cơ hội phát triển du lịch sinh thái rừng, kết hợp bảo tồn môi trường và gắn kết cộng đồng địa phương. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch xanh của TP. HCM.
Các hoạt động như tham quan dưới tán rừng, khám phá văn hóa truyền thống của làng nghề và sinh kế của người dân là cơ hội lớn để thu hút du khách, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hệ sinh thái nông nghiệp tại các vùng ven đô như Củ Chi, Thủ Đức cũng mang lại cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn.
Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp sạch, không sử dụng hóa chất độc hại như Nông trang xanh (Củ Chi), Suối Tiên farm (TP. Thủ Đức), đang được triển khai và ngày càng thu hút du khách, góp phần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và văn hóa địa phương. Đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại TP. HCM chia sẻ, không chỉ hướng tới mô hình nông trại sạch, an toàn cho sức khỏe mà việc phát triển du lịch xanh, du lịch nông nghiệp còn hướng tơi mục tiêu lớn hơn.
Đó là giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, và tạo nền tảng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hoạt động này không chỉ đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc hướng tới sự phát triển bền vững.
Đây là cách các doanh nghiệp du lịch đóng góp vào mục tiêu chung, xây dựng một ngành du lịch thân thiện với môi trường và đồng hành cùng cộng đồng trong nỗ lực bảo vệ hành tinh. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Sở Du lịch TP. HCM cũng cho biết, là một trong những địa phương chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, những năm gần đây, ngành du lịch TP. HCM đã đề ra nhiều chiến lược phát triển du lịch xanh.
Theo đó, đơn vị đã xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối vùng và triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng xanh, thân thiện với môi trường. Điển hình như hệ thống xe đạp công cộng, sử dụng xe điện để đưa đón khách tham quan cũng góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc vận hành chính thức tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi hạ tầng giao thông xanh của thành phố.
Hành khách chờ lên tàu tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên. (Ảnh minh hoạ: BLĐ). |
Tuyến metro không chỉ giảm tải áp lực giao thông đường bộ mà còn là điểm nhấn trong việc thúc đẩy du lịch bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá thành phố theo cách tiện lợi và thân thiện với môi trường hơn. Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành trên địa bàn TP. HCM chia sẻ, các doanh nghiệp luôn chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch bền vững, đồng thời hợp tác với khách hàng để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Đây là cam kết lâu dài để xây dựng du lịch TP. HCM thành ngành kinh tế xanh thực thụ. Ngoài ra, việc lồng ghép các hoạt động tình nguyện như nhặt rác, bảo vệ bãi biển vào chương trình du lịch không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn giúp họ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm với môi trường. Lãnh đạo Viện Kinh tế Tuần hoàn, ĐHQG TP. HCM, cũng nhấn mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải với Sở Du lịch là yếu tố cần thiết để thúc đẩy du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, thực tiễn từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Nhật Bản cũng cho thấy, việc triển du lịch bền vững.
Đặc biệt, Thái Lan đã triển khai bộ tiêu chí chứng nhận doanh nghiệp du lịch xanh, khuyến khích hàng trăm doanh nghiệp tham gia, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường. Do đó, TP. HCM hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm này bằng cách xây dựng bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp du lịch xanh, từ đó thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị bền vững.
Việc triển khai các mô hình du lịch liên kết vùng và ứng dụng công nghệ cũng sẽ giúp thành phố thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo sức bật mới cho ngành du lịch trong tương lai. Du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ là mục tiêu ngắn hạn, mà còn là cam kết dài hạn giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Điều này sẽ giúp TP. HCM xây dựng hình ảnh một đô thị xanh, bền vững và hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế.
Những năm gần đây, TP. HCM đã có nhiều nỗ lực liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng, phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình liên kết nhằm phát triển một cách bền vững và thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng về du lịch xanh. Việc tận dụng tài nguyên bản địa để xây dựng các mô hình du lịch tuần hoàn được xem là một trong những giải pháp phát triển du lịch bền vững mà nhiều đơn vị làm du lịch tại TP. HCM đang triển khai thực hiện hiệu quả. Với vai trò ngành kinh tế tổng hợp, có tính lan tỏa cao, du lịch được xác định là một trong những ngành cần tiên phong chuyển đổi xanh để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Nguồn: TP. HCM phát triển du lịch bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu