TP. HCM thúc đẩy phát triển thương mại điện tử
Nâng chất lượng dịch vụ, nhiều sàn thương mại điện tử giao hàng xuyên Tết Thương mại điện tử dự báo bùng nổ |
Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại. Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng người dùng sử dụng thiết bị di động kết nối internet ngày càng nhiều.
Thời gian qua các kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động. Các ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM,…), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động…
Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 26%) so với năm 2022. Riêng tại TP.HCM đạt 4,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 37%, cao nhất cả nước. Ngoài ra, tại TP.HCM, doanh số mua hàng thương mại điện tử cũng cao nhất cả nước; doanh số bán thương mại điện tử theo kho hàng cao thứ 2 cả nước. Đồng thời, TP.HCM cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử và dịch vụ bổ trợ lớn nhất, đây cũng là địa phương dẫn đầu trong xu thế mới về thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, hoạt động mua sắm kết hợp giải trí trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok cũng có sự phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng khá đồng đều. Trong đó, nổi bật là sự tăng trưởng của nền tảng TikTok Shop. Dù mới xuất hiện từ giữa năm 2022 nhưng đến nay TikTok Shop hiện đã chiếm gần 10% tổng doanh số thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo Sở Công Thương thành phố, thị trường thương mại điện tử tại TP.HCM vẫn còn nhiều vấn đề mang tính thách thức, như hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo trực tuyến, mua bán không có hóa đơn.
Năm 2024, Sở Công Thương thành phố phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch phát triển thị trường thương mại điện tử với các nhiệm vụ trọng tâm. |
Trước thực tế trên, năm 2024, Sở Công Thương thành phố phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch phát triển thị trường thương mại điện tử với 27 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chia 2 nhóm. Đối với nhóm giải pháp thúc đẩy, Sở Công Thương nhận định, chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng, chuyển đổi phương thức bán hàng, kết hợp online và offline, phát huy lợi thế của chợ truyền thống, đó là: Văn hoá, nguồn hàng, người bán hiểu rõ sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm, kho hàng. Đồng thời, khuyến khích các Trung tâm thương mại, siêu thị… áp dụng các mô hình kết hợp.
Còn đối với nhóm giải pháp quản lý, hiện dữ liệu thương mại điện tử hiện còn tương đối tổng quan, chưa chi tiết. Ngoài ra, cơ quan thuế, Quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn để xác định nguồn hàng, doanh thu, nhà bán…Vì thế, cần xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu giao dịch thương mại điện tử: dữ liệu kho hàng, dữ liệu nhà bán, dữ liệu giao dịch, doanh thu…; từ đó điều hướng, hỗ trợ cơ quan thuế, quản lý thị trường thực hiện chức năng quản lý có trọng điểm, trọng tâm. Sở Công Thương TP.HCM đang xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu giao dịch thương mại điện tử: dữ liệu kho hàng, dữ liệu nhà bán, dữ liệu giao dịch, doanh thu… Từ đó điều hướng, hỗ trợ cơ quan thuế, quản lý thị trường thực hiện chức năng quản lý có trọng điểm, trọng tâm.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vừa công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử qua các nền tảng Internet mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020, và 16,4 tỷ USD năm 2022.
Đến năm 2023, con số này đã đạt 20,5 tỷ USD, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tính đến tháng 12/2023, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Cũng theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric, có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Nguồn:TP. HCM thúc đẩy phát triển thương mại điện tử