TP.HCM bảo vệ môi trường tại các KCN - KCX: Đề xuất, triển khai nhiều giải pháp
Giám sát chất lượng nước thải 24/24
Theo quy hoạch, TP.HCM có 23 KCX - KCN tập trung với tổng diện tích 5.797ha. Đến nay, 17/19 KCN - KCX được thành lập đã đi vào hoạt động với diện tích đất cho thuê gần 1.900/2.600ha, tỷ lệ lấp đầy 70,57%. Theo Ban Quản lý các KCN - KCX TP.HCM (Hepza), đến nay, tại 17 KCN - KCX đã đi vào hoạt động trên địa bàn thành phố có 19 trạm xử lý nước thải tập trung. Trong đó, KCN Tân Tạo và KCN Hiệp Phước có 2 trạm, tổng công suất thiết kế là 93.500m3/ngày đêm; công suất vận hành 54.910m3/ngày đêm. Tất cả các trạm xử lý nước thải tập trung đều có hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu 24/24h về Sở TN&MT TP.HCM.
Theo đánh giá của Sở TN&MT TP.HCM, đến nay, công tác BVMT tại các KCN, KCX trên địa bàn thành phố đã ổn định và kiểm soát được tình hình phát sinh ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc các mẫu nước thải và khí thải trong và xung quanh các KCN - KCX trong năm 2021 đều đạt tiêu chuẩn cho phép; công tác thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đều đảm bảo quy định.
Tất cả hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN - KCX trên địa bàn TP.HCM đều có hệ thống quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở TN&MT |
Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi - Chủ đầu tư KCN Tây Bắc Củ Chi cho biết: KCN Tây Bắc Củ Chi có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 6.000m3/ngày đêm, toàn bộ nước thải của tất cả các doanh nghiệp KCN điều được xử lý đạt Quy chuẩn loại A (QCVN 40:2011 BTNMT) trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài.
Đồng thời, hệ thống xử lý nước thải tập trung được đầu tư thiết bị quan trắc tự động và truyền dữ liệu trực tiếp về Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT TP.HCM) nhằm kiểm soát chất lượng nước thải đầu ra 24/24h. Bên cạnh đó, công tác thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp và chất thải rắn sinh hoạt của các doanh nghiệp trong KCN Tây Bắc Củ Chi luôn được duy trì theo kế hoạch, đảm bảo không phát sinh ô nhiễm.
Theo Lãnh đạo Hepza, nhằm nâng cao hiệu quả BVMT tại các KCN - KCX, hằng năm, Hepza đã phối hợp tổ chức tuyên tuyền các nội dung về BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nước và năng lượng tiết kiệm, nghiên cứu tái sử dụng nguyên liệu, vật liệu trong quá trình sản xuất, sản xuất bao bì thân thiện môi trường, vật liệu xây dựng xanh và các sản phẩm thân thiện môi trường khác.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hepza, qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện một số trường hợp vi phạm các quy định về môi trường trong các KCN - KCX. Trong đó, riêng trong năm 2021, mặc dù phải dành nhiều thời gian tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid -19, Hepza đã chủ trì kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại 97 doanh nghiệp hoạt động trong KCX - KCN, chuyển hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về BVMT 4 trường hợp với tổng số tiền là 290 triệu đồng. Đồng thời, Hepza đã tiến hành kiểm tra, giải quyết và thông tin kết quả phản ánh của người dân 11 trường hợp, chủ yếu là mùi hôi và khí thải.
Kiến nghị phân cấp, ủy quyền
Ông Phạm Thanh Trực - Phó trưởng Ban Hepza cho biết: Thời gian qua, công tác BVMT tại các KCN - KCX của TP.HCM còn một số hạn chế, tồn tại, bất cập. Trong đó, nhân sự phụ trách công tác BVMT tại một số KCX - KCN chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều KCN chưa kiểm soát tốt được việc đấu thoát nước, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp đấu nối hệ thống thoát nước thải vào nước mưa.
4 tháng đầu năm 2022, Sở TN&MT TP.HCM đã phối hợp với Hepza tiến hành 11 cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT đối với các doanh nghiệp trong các KCN - KCX trên địa bàn thành phố. Theo đó, kết quả sơ bộ chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm về BVMT.
Bên cạnh đó, một số KCN đã hoạt động lâu năm nên hạ tầng môi trường xuống cấp, đặc biệt là đường ống thu gom nước thải bị lún sụt, dẫn đến nguy cơ nước thải chưa được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung thoát ra bên ngoài gây ô nhiễm. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, còn chồng chéo dẫn đến hiệu quả giám sát công tác BVMT tại các KCX - KCN chưa cao.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Hepza, Sở TN&MT đã yêu cầu các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN - KCX, các doanh nghiệp chấn chỉnh ngay các hạn chế, thiếu sót, đáp ứng đầy đủ các quy định về BVMT. Trước đó, UBND TP.HCM đã kiến nghị các cơ quan Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính như đình chỉ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng, ngưng cấp điện, cấp nước đơn vị vi phạm.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, Hepza đã kiến nghị UBND TP.HCM phân cấp ủy quyền cho phép Hepza được thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường các dự án đầu tư trong các KCX - KCN, như: Thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi Giấy phép môi trường đối với các dự án trong KCN - KCX.
Đối với đề xuất này, mới đây, tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho KCN - KCX trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết: TP.HCM sẽ rà soát và chỉ đạo các sở, ban ngành, quận huyện mạnh dạn giao quyền cho Hepza. Trong đó, tập trung lĩnh vực môi trường, quy hoạch và xây dựng.
Nguồn: TP.HCM bảo vệ môi trường tại các KCN - KCX: Đề xuất, triển khai nhiều giải pháp