TP.HCM phân loại rác tại nguồn: Đảm bảo theo Luật Bảo vệ môi trường 2020
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM |
PV: Tính đến thời điểm trước khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, TP.HCM đã khởi động thí điểm chương trình phân loại CTRSH tại nguồn từ khá sớm và đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Xin bà cho biết rõ hơn về công tác này?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ: Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn đã được TP.HCM triển khai thí điểm từ năm 2011 tại hệ thống các siêu thị, các công ty trong Khu Công nghệ cao (Quận 9) và Khu Chế xuất Tân Thuận (Quận 7). Đến năm 2013, thành phố đã mở rộng thí điểm tại một số cụm dân cư trên địa bàn Quận 1. Tiếp đến, triển khai thực hiện thí điểm tại một số hộ dân trên địa bàn các Quận: 1, 3, 5; phường 12, Quận 6; Quận 12 và Bình Thạnh trong giai đoạn năm 2015 - 2016.
Trong giai đoạn này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và năm 2014 chưa quy định cụ thể nguyên tắc phân loại CTRSH tại nguồn mà tùy theo điều kiện cụ thể về công nghệ xử lý, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom, vận chuyển sau phân loại mà các địa phương quyết định cách thức phân loại tại nguồn. Từ hiện trạng của công nghệ xử lý CTRSH đang áp dụng trên địa bàn thành phố, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 về Kế hoạch thực hiện phân loại CTRSH tại các hộ gia đình. Rác được phân loại thành 3 nhóm: nhóm chất thải hữu cơ (để sản xuất phân compost); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Sau đó, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 quy định về phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, mở rộng quy mô hoạt động phân loại rác tại nguồn đã có nhiều bất cập từ công tác thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND ngày 04/5/2021 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quy định quản lý CTRSH trên địa bàn thành phố. Theo đó, CTRSH được phân loại thành 2 nhóm: Nhóm chất thải có khả năng tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Thời gian qua, Sở TN&MT TP.HCM đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phân loại CTRSH. Theo kết quả công bố của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM trong năm 2022, trên 85% người dân trên địa bàn thành phố đã hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của việc phân loại CTRSH. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang dần hình thành và phát triển thị trường thu gom và tái chế CTRSH. Điều này góp phần giảm áp lực cho TP.HCM trong việc tổ chức thu gom, vận chuyển các nhóm CTRSH phát sinh sau phân loại.
PV: Với những kết quả đã đạt được trước đó, công tác phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thành phố tiếp tục triển khai như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ: Để triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, ngày 02/11/2023, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 9368 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH, hiện tại, Bộ TN&MT đang xây dựng quy trình thu gom, định mức kinh tế kỹ thuật công tác thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải sau phân loại.
Qua thực tế triển khai thực hiện phân loại CTRSH giai đoạn trước đây và điều kiện thực tế của TP.HCM, để chuyển đổi từ việc phân loại CTRSH từ 2 nhóm sang 3 nhóm theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, TP.HCM sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Sở TN&MT TP.HCM đã yêu cầu các địa phương tập trung trao đổi, làm việc với các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển CTRSH để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp; rà soát, đầu tư bổ sung trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, vận chuyển, phương thức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.
TP.HCM sẽ đảm bảo tính đồng bộ trong việc phân loại, tổ chức thu gom nhằm tránh xảy ra trường hợp người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng công tác thu gom lại không đáp ứng gây lãng phí nguồn lực xã hội, làm giảm hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn.
Phân loại rác tại nguồn tại một quán cafe trên địa bàn TP.HCM |
PV: Trong quá trình triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ không tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn. Xin bà cho biết hướng xử lý của TP.HCM để công tác phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả như mong muốn?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ: Với đặc điểm quy mô dân số lớn, đa dạng về văn hóa, tôn giáo và thành phần kinh tế, ngành nghề, việc triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố dự liệu sẽ còn phát sinh những tình huống mới, thành phố sẽ tiếp tục hiệu chỉnh để hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Để chủ động khắc phục những bất cập có thể xảy ra, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa, mục đích của phân loại CTRSH tại nguồn, nhất là việc phân loại rác thành 3 nhóm theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đặc biệt, Sở TN&MT phối hợp với các quận, huyện, TP. Thủ Đức xây dựng dự thảo Đề án phân loại CTRSH tại nguồn với lộ trình triển khai phù hợp, đảm bảo sự đồng bộ giữa các khâu như thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải sau phân loại.
Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM đẩy mạnh phân cấp, giao các địa phương chủ động nghiên cứu, triển khai đồng bộ các giải pháp, tổ chức triển khai phân loại CTRSH phù hợp với địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê số liệu chất thải sau phân loại, cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, địa điểm tập kết, trung chuyển, phương tiện thu gom, vận chuyển… đảm bảo cho công tác phân loại. Đồng thời, tiếp tục thống kê khối lượng sau phân loại, đánh giá hiệu quả, hoàn thiện giải pháp phù hợp với công nghệ xử lý rác của thành phố.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: TP.HCM phân loại rác tại nguồn: Đảm bảo theo Luật Bảo vệ môi trường 2020