Triển vọng tài chính xanh: Cơ hội và thách thức
DN cần tích cực chuyển đổi xanh, tài chính xanh hướng đến NetZero “Tài chính xanh” đóng vai trò thế nào trong phát triển bền vững? |
Ảnh minh họa: Open Access Government |
Tăng trưởng xanh và bền vững là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Tuy nhiên, chi phí để chuyển đổi xanh rất lớn. Theo ước tính của IFC, Việt Nam cần đầu tư khoảng 753 tỷ USD để giảm tác động biến đổi khí hậu. Trong đó, cần 571 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng, 59 tỷ USD vào năng lượng tái tạo và gần 80 tỷ USD đầu tư vào công trình xanh. Nguồn vốn này không thể chỉ đến từ khu vực công hay ngân sách địa phương, nguồn ODA mà cần huy động từ khu vực tư nhân và trái phiếu xanh, tín dụng xanh, cổ phiếu xanh trên cả thị trường vốn xanh trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cơ hội tài chính xanh trong nước rất lớn, chưa bao giờ thế giới quan tâm đến Việt Nam như hiện nay.
JETP cam kết tài trợ cho Việt Nam 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng. Theo ADB (2024), thị trường trái phiếu bền vững ở ASEAN+3 đạt quy mô gần 800 tỷ USD vào cuối năm 2023, gấp hơn 7 lần từ 109,7 tỷ USD vào năm 2017, mức tăng trưởng bình quân 43%/năm. Các công ty bảo hiểm quốc tế như AIA, Prudencial, Manulife… và các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IFC… đều có định hướng ưu tiên phát triển dự án mang lại lợi ích cho môi trường như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh…
Nhìn lại tăng trưởng dụng xanh của Việt Nam tương đối tích cực, đạt bình quân 22% trong 7 năm qua. Song, dư nợ tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dư nợ (tính đến cuối 2023). Trái phiếu xanh chỉ mới có vài doanh nghiệp lớn như Masan Group, Vingroup, BIDV phát hành với quy mô khoảng 1 tỷ USD, quá nhỏ so với nhu cầu vốn trung và dài hạn của Việt Nam.
Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, cổ phiếu xanh tại thị trường chứng khoán Việt Nam gần như chưa có gì. Việt Nam mới tham gia Sáng kiến Sở Giao dịch Chứng khoán bền vững (SSE) được thành lập 2009; tiến hành đào tạo về các yếu tố xã hội, môi trường và quản trị (ESG); ban hành sổ tay hướng dẫn doanh nghiệp niêm yết thực hiện báo cáo ESG; yêu cầu công ty niêm yết phải công bố phát triển bền vững từ 2016.
Thách thức lớn về nhận thức
Ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, một số khái niệm về tăng trưởng xanh, thị trường vốn xanh còn mới, sự nhận thức và sẵn sàng cho thị trường vốn xanh từ các định chế tài chính và các doanh nghiệp trên thị trường vốn còn ở mức thấp, đây là một trong những thách thức cho sự phát triển của trái phiếu xanh.
Việc chuẩn hóa các khái niệm về xanh và các dự án xanh là cần thiết nhằm thúc đẩy việc phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh. Tương tự, khung phát hành trái phiếu xanh và vai trò của tổ chức đánh giá độc lập, những chính sách ưu đãi về thuế phí là những nội dung quan trọng cần được quy định cụ thể hơn nữa để thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu xanh trên thị trường.
Ngoài ra, Việt Nam chưa có danh mục phân loại xanh. Để làm căn cứ pháp lý đầy đủ trong việc xác định các tiêu chí môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (gọi tắt là Danh mục phân loại xanh). Việc ban hành Danh mục phân loại xanh hay là Danh mục các dự án kèm theo tiêu chí về môi trường giúp các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân nhận diện và phân loại dự án xanh hay nâu.
Với cổ phiếu xanh, chỉ số phát triển bền vững (VNSI) đã được vận hành từ 2017, gồm 20 công ty niêm yết có điểm bền vững cao nhất trên HoSE. Tăng trưởng về lợi nhuận của các công ty trong bộ chỉ số VNSI có hiệu quả cao hơn so với bình quân của VN-Index. Tuy nhiên, VNSI chưa thực sự phổ biến với thị trường, chưa trở thành thước đo giúp nhà đầu tư lựa chọn chứng khoán nên cũng chưa mang nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nguồn lực hạn chế cả về tài chính và con người
Nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ về những lợi ích từ các dự án xanh nhưng lại thiếu vốn, công nghệ và nguồn lực. Các công cụ tài chính xanh còn chưa đa dạng, chưa đủ sức thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh.
Cấn Văn Lực đánh giá, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn,... trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn; gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối nguồn vốn cho vay các dự án xanh, chương trình xanh… Mặt khác, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do các tổ chức tín dụng chưa có đội ngũ nhân sự có chuyên môn sâu về đánh giá tác động môi trường, xã hội.
Dưới góc độ ngân hàng, TS. Văn Công Bình, Giám đốc Môi trường hội sở HDBank chia sẻ nguồn vốn để hỗ doanh nghiệp về xanh thực sự là vấn đề. Các ngân hàng thương mại có đối nghịch mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, một bên lợi ích cổ đông và một bên vấn đề môi trường. Ngân hàng chắc chắn có ngân sách về tín dụng xanh nhưng không phải tất cả.
Đại diện HDBank chia sẻ hiện nay, nguồn vốn dành cho tín dụng xanh trong ngân sách ngân hàng hạn hẹp. Tổ chức quốc tế lớn có tìm kiếm dự án, chương trình xanh tài trợ nhưng chi phí đưa ra rất cao. Tổ chức tín dụng trong nước không thể dùng nguồn từ các tổ chức này để tài trợ tín dụng xanh được. Do vậy, Việt Nam rất cần nguồn vốn ở cấp độ quốc gia trên cơ chế hỗ trợ tổ chức tín dụng về mặt phí, lãi suất và chính sách.
Mặt khác, HDBank có kinh nghiệm làm việc với tổ chức quốc tế, có quy trình gọi là ESMS, tất cả các khoản vay của doanh nghiệp phải đi qua hệ thống này để xem có tác động đến môi trường hay không. Song, việc khẳng định dự án xanh hay không cũng khó khăn, ngay cả với tổ chức quốc tế cũng chưa dám khẳng định. Do vậy, việc có một tổ chức độc lập để thẩm định rất cần thiết. Tuy nhiên, điều này lại làm phát sinh thêm chi phí, thêm gánh nặng lên các doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp phải ngồi lại để tìm điểm hài hòa.
Nguồn:Triển vọng tài chính xanh: Cơ hội và thách thức