Trồng cây gây rừng vì môi trường, môi sinh lành mạnh
Quảng Ninh có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 434.700ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh. Rừng của Quảng Ninh không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước, mà còn đóng vai trò quan trọng gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; cân bằng hài hoà giữa phát triển công nghiệp, khai khoáng với bảo vệ môi trường; đưa du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Lực lượng chức năng huyện Bình Liêu trồng lim, giổi, lát đầu năm 2023. Ảnh CTV |
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của rừng, trong những năm qua các đơn vị, địa phương của Quảng Ninh đã tích cực hưởng ứng tổ chức lễ phát động Tết trồng cây. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức lễ phát động Tết trồng cây cấp tỉnh, tạo phong trào mạnh mẽ và huy động được các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị LLVT trên địa bàn tích cực trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng.
Nét riêng của các Tết trồng cây ở Quảng Ninh là tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, bao gồm lim, giổi, lát và trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường.
Trong giai đoạn 2021-2023, dịp Tết trồng cây đầu năm toàn tỉnh đã trồng được hơn 6,3 triệu cây, gồm hơn 4,5 triệu cây trồng tập trung (tương đương 2.414ha) và 1,7 triệu cây trồng phân tán. Con số này tăng lên gần 8,9 triệu cây thông qua các đợt trồng cây khác trong năm. Qua kiểm tra, theo dõi của Sở NN&PTNT, đến thời điểm này cây trồng được chăm sóc, bảo vệ và sinh trưởng, phát triển tốt.
Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tiên Yên chuẩn bị cây giống để trồng rừng. |
Việc Quảng Ninh triển khai tốt Tết trồng cây đã góp phần đẩy nhanh lộ trình thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” cũng như góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Được biết, năm 2024 các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức phát động Tết trồng cây tại địa phương vào ngày 15/2/2024 (mùng 6 Tết). Theo đó, phấn đấu thực hiện trồng tối thiểu 1 triệu cây, vượt 1,25 lần chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây”.
Riêng lễ phát động Tết trồng cây xuân Giáp Thìn năm 2024 quy mô cấp tỉnh dự kiến thực hiện tại khu vực hồ Đầm Hà Động thuộc bản Thanh Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà (thuộc quy hoạch rừng phòng hộ do Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đầm Hà quản lý). Diện tích trồng trong lễ phát động là 3ha cây lát hoa. Ngoài diện tích nêu trên, trong cùng thời điểm phát động, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Đầm Hà (là chủ rừng) sẽ trồng 6ha cây lát hoa tại 2 lô trồng rừng có vị trí gần khu vực trồng rừng trong lễ phát động cấp tỉnh.
Lực lượng kiểm lâm huyện Hải Hà kiểm tra thực địa rừng ngập mặn trên địa bàn. |
Trong Tết trồng cây năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm phấn đấu trồng tối thiểu 250ha rừng lim, lát, giổi; trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững.
Hiện nay, các đơn vị, địa phương đã đặt quyết tâm cao và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai các tết trồng cây. Các đơn vị đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để xử lý thực bì, chuẩn bị hiện trường trồng rừng, chuẩn bị vật tư, cây giống và các điều kiện cần thiết để đảm bảo chỉ tiêu được giao.
Nguồn: Trồng cây gây rừng vì môi trường, môi sinh lành mạnh